(ONECMS) - Từ một góc bức tranh tổng quan kinh tế báo chí Việt Nam hiện nay có thể thấy đã có những nhân tố tích cực tiêu biểu như Báo Tuổi Trẻ, Báo Thanh Niên, Đài PT-TH Vĩnh Long, HTV hay VnExpress... là những cơ quan báo chí đã tự chủ hoàn toàn.
Là tờ báo tiên phong trong tổ chức kinh doanh, Báo Tuổi Trẻ có tiềm lực kinh tế thuộc loại mạnh nhất trong các báo in ở Việt Nam.
Khả năng tham gia làm kinh doanh để giúp tờ báo tồn tại và phát triển bắt đầu từ một ngày giữa năm 1983, khi Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh lúc đó, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến làm việc với Báo Tuổi Trẻ và đặt câu hỏi: "Tại sao trước 1975 ở Sài Gòn ai làm chủ báo cũng giàu, mà bây giờ Tuổi Trẻ lại phải ngửa tay xin tiền Nhà nước để làm báo?". Câu hỏi đó đã là lời gợi hướng giải pháp và như một sự đảm bảo, mở đường cho những người lãnh đạo Ban Biên tập Tuổi trẻ dám làm.
Ban Biên tập Báo thời điểm đó đã tìm mọi cách tháo gỡ, liên kết với các cơ sở sản xuất giấy, tạo nguồn giấy in báo riêng, nâng số bản in, tìm bạn đọc mới. Tuổi Trẻ còn tổ chức đi trồng cây, tự tạo nguồn nguyên liệu giấy, lập xưởng sản xuất giấy thủ công, liên kết với lực lượng thanh niên xung phong khai thác nguyên liệu giấy. Năm 1983, giữa bối cảnh báo chí cả nước đang ngập chìm trong bao cấp, Tuổi Trẻ đã khởi sự thực hiện phướng án tự chủ tài chính. Đến năm 1985, Tuổi Trẻ thật sự sống nhờ vào sự chi trả của người đọc.
Cùng với việc lập các công ty cổ phần như Công ty Cổ phần Thế kỷ XXI, Báo Tuổi Trẻ còn xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê, thành lập trung tâm phát hành báo, nhà in...
Tính đến thời điểm hiện nay, Báo Tuổi Trẻ đã có một cơ ngơi vững chắc với doanh thu mỗi năm khoảng 900 tỷ đồng và xây dựng được chuẩn mực nghề nghiệp cho hoạt động tòa soạn và cơ quan báo chí.
Là một trong những tờ báo có lượng độc giả lớn nhất Việt Nam, thời gian qua, Báo Thanh Niên đã rất nỗ lực với sứ mệnh của mình, đồng thời cũng trăn trở tìm cách làm kinh tế.
Để chống chọi với "cơn lốc" mạng xã hội, Báo Thanh Niên đã rất thành công trong tiến trình số hóa thông tin báo chí. Chỉ riêng kênh YouTube của Báo đã đạt kỷ lục ấn tượng với gần 500 triệu lượt xem, với hơn 620.000 đăng ký theo dõi. Kênh YouTube Báo Thanh Niên là kênh có lượt xem và đăng ký theo dõi lớn nhất trong hệ thống những tờ báo có kênh YouTube hiện nay tại Việt Nam, tăng gấp 6 lần số lượng đăng ký kênh so với thời điểm kênh nhận nút Play Bạc của YouTube cách đây một năm. Hiện tại, mỗi tháng kênh này thu hút đến 30 triệu lượt xem.
Kênh YouTube Báo Thanh Niên vinh dự nhận được giải "Kênh tin tức của năm 2018" do POPS Adwards 2019 trao tặng. Giải thưởng này đánh dấu những nỗ lực không ngơi nghỉ của tập thể lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của Báo Thanh Niên, nhằm tạo ra những mảng thông tin chính xác, chuyển tải đến bạn đọc và người xem.
Ông Nguyễn Quang Thông - Tổng Biên tập chia sẻ, đại dịch Covid-19 đã khiến khối lượng quảng cáo, tài trợ và thu phát hành báo trong 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 92,1 tỷ đồng, giảm gần 45%% so với cùng kỳ năm 2019.
Đài PT&TH Vĩnh Long là cơ quan báo chí tiên phong tự chủ 100% về tài chính theo Nghị định 10/2002/NĐ-CP của Chính phủ. Nhiều năm liền, cơ quan báo chí này là một trong những Đài PT&TH đạt TOP 3/67 Đài về doanh thu quảng cáo trong cả nước và chủ yếu kiên trì chiến lược thông tin trên cơ sở đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác tuyên truyền, phát triển đa dạng, phong phú và nhất là hướng vào phục vụ nhu cầu nâng cao văn hóa, đáp ứng nhu cầu giải trí cho đông đảo CCXH.
Đơn cử như năm 2016 doanh thu tăng gấp 16 lần doanh thu của năm 2006. Năm 2019 doanh thu tầm 2.000 tỷ. Nguồn Quỹ phát triển sự nghiệp với con số khủng gần 4.000 tỷ đồng. Từ nguồn này, Đài Vĩnh Long còn quay trợ lại hỗ trợ cho ngân sách tỉnh 2.000 tỷ đồng để thực hiện các công trình, dự án trong 2 năm 2018-2020. Ông Lê Thanh Tuấn, Quyền Giám đốc Đài PT&TH Vĩnh Long chia sẻ rằng: "Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính là một chủ trương đúng đắn và phù hợp. Nếu chúng ta không sớm thoát khỏi "bầu sữa ngân sách" thì khó có thể đưa hoạt động kinh doanh báo chí đạt được hiệu quả mà vẫn đảm bảo được tôn chỉ, mục đích, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo chí ở địa phương.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lo ngại cho những năm tới, nguồn thu chủ yếu của các đài PT&TH là từ hoạt động quảng cáo nhưng hiện nay ngân sách dành cho quảng cáo không tăng mà còn có nguy cơ sụt giảm do sự cạnh tranh gay gắt của các quảng cáo trên internet, đặc biệt là sự cạnh tranh của loại hình quảng cáo video trực tuyến và quảng cáo trên các mạng truyền thông xã hội lớn như YouTube và Facebook... Việc khai thác và tăng trưởng nguồn thu đối với các đài PT&TH khó khăn từ đây. Thêm nữa, mặt trái của việc xã hội hóa trong sản xuất chương trình truyền hình đã dẫn đến sự ra đời của quá nhiều kênh truyền hình. Chiếc bánh thị phần không lớn thêm đã khiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và không lành mạnh giữa các kênh truyền hình xã hội hóa với các kênh truyền hình thiết yếu. Nguy cơ thương mại hóa báo chí, chạy theo lợi nhuận thuần túy trong lĩnh vực truyền hình, không chú trọng chất lượng nội dung chương trình là không thể tránh khỏi. Trình trạng chỉ số rating ảo đang làm xấu đi bức tranh của ngành truyền hình. Trong bố cảnh đó, phần thiệt thòi vẫn thuộc về các đài địa phương vì các đài vừa phải đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phải thực hiện chức năng kinh doanh, trong khi các kênh xã hội hóa chỉ thực hiện kinh doanh và làm sao để tối đa hóa được lợi nhuận. Có thể thấy đây là một cuộc cạnh tranh không cân sức.
Có mặt trên thị trường báo chí Việt Nam từ năm 2001, VnExpress đã được nuôi dưỡng, trưởng thành và ngày càng phát triển với sứ mệnh của mình là sự chuẩn mực, khách quan trong nội dung thông tin. Thế giới đã trả qua nhiều biến động. Nhưng có hai thứ không thay đổi tại VnExpress 19 năm qua: tên của tờ báo và sứ mệnh phụng sự cộng đồng. Trung bình hơn 700 triệu lượt đọc bài viết mỗi tháng của năm 2019 khẳng định sự tin tưởng mà tòa soạn đã nhận. Nhưng không có giới hạn nào cho việc phục vụ nhu cầu của công chúng. Quá trình làm mới này sẽ diễn ra liên tục. Thông qua hoạt động báo chí, VnExpress đặt sứ mệnh đưa độc giả đến với bức tranh chân thực nhất có thể về thế giới họ đang sống.
Không rơi vào luồng thông tin "tiền, tình, tù tội, đâm chém hãm hiếp", không viết theo kiểu "yêu thì thật lâm li bi đát, chết thì viết thật chua chát đau thương"; song hành với nội dung chính thống, VnExpress còn phát triển các dịch vụ gia tăng và quảng cáo quốc tế...; nhưng doanh thu hàng năm cũng không dưới 600 tỷ đồng. VnExpress đã có chiến lược phát triển thông tin nhanh, đa dạng, trung thực và hướng vào đáp ứng nhu cầu CCXH, trên cơ sở ấy, phát triển kinh tế- dịch vụ xã hội của một cơ quan báo chí- truyền thông đa phương tiện.
*Bài viết đăng trên Tạp chí Thông tin & Truyền thông số đặc biệt kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/06. Tiêu đề do BBT ONECMS đặt lại. Bài viết có lược bớt một số nội dung không liên quan đến nguồn thu báo chí.