(ONECMS) - Một tòa soạn báo đang nhắm đến việc chuyển những tấm ảnh trang bìa đáng nhớ thành tác phẩm NFT trên blockchain. Điểm lợi thế là tác phẩm NFT có thể trưng bày ở bất kỳ triển lãm số nào, mà bạn vẫn yên tâm về quyền sở hữu.
Tờ South China Morning Post (SCMP) đang muốn chuyển đổi các bài báo cũ, ảnh tư liệu, và một số sản phẩm khác sang dạng tài sản kỹ thuật số NFT. Nếu vậy, các sản phẩm đó sẽ không thể bị chỉnh sửa, và có thể được sưu tầm, trưng bày, hoặc mua bán bởi các tổ chức và cá nhân.
Đến giờ chắc hẳn mọi người đều đã nghe chuyện các tác phẩm số NFT như tranh ảnh, video, hay ảnh gif được bán với giá hàng triệu USD. Và NFT không phải chỉ có tác phẩm nghệ thuật. Nhà sáng lập Twitter, Jack Dorsey đã bán tweet đầu tiên của mình dưới dạng NFT với giá gần 3 triệu USD.
NFT có thể được mua bán trao đổi, được làm ra hoặc đào ra trên nền tảng blockchain tương tự như Bitcoin hay các đồng tiền số khác. Điều quan trọng nhất là tài sản này độc nhất, hay cũng chỉ có số lượng bản sao hạn chế, tạo nên giá trị riêng. Bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra nguồn gốc và chủ sở hữu của tác phẩm NFT.
Trong thế giới thực, bạn có thể chụp lại bức vẽ Mona Lisa, nhưng tranh gốc vẫn ở bảo tàng Louvre. Trong thế giới NFT, chụp lại màn hình tác phẩm số không đồng nghĩa bạn là chủ sở hữu, mà bạn phải mua trực tiếp. Còn nếu bạn chưa hiểu sở hữu để làm gì, thì một số người giải thích là để khoe.
Trong 4 năm qua, SCMP đã nghiên cứu làm thế nào để ứng dụng blockchain trong báo chí. "Đã có một vài nỗ lực khởi đầu thất bại", CEO Gary Liu chia sẻ. Nhưng với xu hướng NFT trỗi dậy trong năm 2021, tòa soạn này đã nhìn thấy cơ hội tạo ra giá trị từ kho nội dung lưu trữ.
Họ không đơn độc, vì cũng trong năm nay, CNN đã ra mắt kho nội dung số NFT. Tờ Quartz thì bán được bài viết đầu tiên dưới dạng NFT với giá 1.800 USD.
Dự án của SCMP mang tên ARTIFACT, nhắm đến việc chuyển những tấm ảnh trang bìa đáng nhớ thành tác phẩm NFT trên blockchain. Những tác phẩm NFT này được sưu tầm, mua bán bình thường. Điểm lợi thế là tác phẩm NFT có thể trưng bày ở bất kỳ triển lãm số nào để bất kỳ ai cũng có thể xem, mà bạn vẫn yên tâm về quyền sở hữu.
Trên hình là một vài ví dụ tài sản NFT của SCMP. |
Vấn đề là tác phẩm NFT không thể bị chỉnh sửa, một khi đã được tạo ra. Nó sẽ tồn tại mãi. Để đảm báo tính chính xác của tác phẩm báo chí NFT, sẽ cần có cơ chế rà soát thông tin sự thật.
Khi bạn lưu trữ thông tin lịch sử, sẽ có những câu hỏi khó tránh khỏi như: ai quyết định bài báo nào được lưu, bài nào không được lưu; quy trình đưa ra quyết định như thế nào. CEO Liu thừa nhận rằng nhiều câu hỏi về cách vận hành hệ thống này chưa được trả lời.
Quy chế hoạt động của ARTIFACT hướng đến dựa trên sự đồng thuận của cộng đồng. Còn hiện tại, SCMP đang tính đến phương án thành lập một hội đồng điều hành và chứng thực tài sản số.
Chi phí nhân sự, tiền mua công nghệ, và tiền điện sẽ khá nặng nề, nhưng CEO Liu chia sẻ sẽ bán đi một số NFT ban đầu và đầu tư quay vòng trở lại dự án xem phát triển ra sao.
Giống như tác phẩm nghệ thuật thế giới thực, NFT có thể mang lại nguồn thu từ lần bán ra đầu tiên, cùng với phí hoa hồng bản quyền tác giả trong mỗi giao dịch về sau. Chủ sở hữu phát hành đầu tiên, với ID được ghi nhận trên blockchain, sẽ nhận phí hoa hồng mãi mãi.
*Nội dung được biên dịch từ bài viết của journalism.co.uk.