onecms - blog

Báo chí mang theo gì trong thời "chuyển đổi số"?

(ONECMS) - Hiểu, tôn trọng và nỗ lực đáp ứng tốt nhu cầu tin tức của độc giả, đó luôn là bài toán kinh điển mà các tòa soạn cần phải giải.

Báo chí mang theo gì trong thời "chuyển đổi số"?

Thân chào những người bạn của mình nhìn thấy post này. Mình hiện hồn chỉ để gửi lời cảm ơn trân quý đến những lời chúc một số người bạn đã gửi đến mình, đồng thời xin lỗi vì một vài bất tiện do việc bỏ Facebook mang lại. Bỏ Facebook rất khó, vì hội chứng FOMO đã ăn quá sâu vào mình, cũng như sự thay đổi giản tiện mà nó mang lại.

Vì nỗ lực bỏ Facebook, mình chiêm nghiệm thêm được ít nhiều về "chuyển đổi số" trong báo chí và ngành công nghiệp tin tức.

Thực chất, dùng khái niệm "chuyển đổi số" với báo chí không phù hợp lắm. Vì bây giờ không còn là lúc nói về cuộc chuyển đổi từ báo in (analogue ^^) lên báo điện tử (digital). Việc gọi sai khái niệm, hoặc hô hào một cách mơ hồ rất có thể sẽ dẫn chúng ta đi từ sự mơ hồ này đến mơ hồ khác, từ trào lưu này đến trào lưu khác, thậm chí sự lãng phí này đến lãng phí khác. Mà không chắc mang lại sự thay đổi nào.

Thực chất, thách thức mới mẻ nhất và khủng khiếp nhất với báo chí khoảng dăm năm nay và nhiều năm sau là giải quyết bài toán phân phối thông tin đến độc giả (mình thích cách gọi này hơn là "người dùng internet", mặc dù cách gọi sau phổ quát và đúng hơn).

Những cỗ máy tìm kiếm và mạng xã hội đã dịch chuyển rất lớn cách tiếp cận thông tin trên internet. Điều này đã được nhắc đến nhiều, bằng số liệu thống kê và cả những trải nghiệm thực tế.

Tỷ trọng doanh thu từ quảng cáo hiển thị đã giảm trầm trọng, khiến nhiều người nghĩ rằng các banner và video quảng cáo sẽ biến mất. Nhưng không, nó chỉ dịch chuyển từ nhà quảng cáo có giải pháp phân phối kém hơn, sang những nền tảng phân phối xuất sắc hơn. Cũng giống như việc dịch chuyển từ việc xem các website tin tức sang xem các nội dung được sản xuất hoặc chia sẻ trên mạng xã hội.

Sự chậm trễ và bế tắc trong các giải pháp phân phối nội dung theo nhu cầu của độc giả đã khiến doanh thu truyền thống của báo chí sụt giảm, khuếch đại sự lo lắng về cái chết của ngành báo chí & tin tức trước sự lớn mạnh không ngừng của các nền tảng mạng xã hội và chia sẻ nội dung.

Ngành báo chí, tin tức không thể chết và cũng không thể suy yếu. Nó gắn với nhu cầu kinh điển của người dùng. Trong mọi thời đại, mọi giai đoạn, nhu cầu đó vẫn tồn tại và luôn mãnh liệt.

Bài toán mấu chốt, là hiểu được sự dịch chuyển trong hành vi tiếp cận nội dung của người dùng, để phân phối nó đúng nhu cầu và đúng nền tảng mà phần đông độc giả tiềm năng đang ở đó.

Cũng như một cửa hàng trong chợ Bến Thành. Khi người mua thôi đi chợ để cài app Shopee lên smartphone, thì cửa hàng đó chết không phải vì người mua không cần loại hàng hóa đó, mà chỉ là vì nó không xuất hiện trên Shopee.

Google không tước mất độc giả. Nó, với khả năng quét và sắp xếp ưu việt, cho phép các tin tức phù hợp tiếp cận những người dùng đang tìm kiếm thông tin.

Facebook, YouTube hay bất kỳ nền tảng mạng xã hội, mạng chia sẻ nào cũng không tước mất bạn đọc, bởi nhìn chung người dùng thông thường không phải là nhà sản xuất tin tức xuất sắc. Chúng, với sức hút người dùng khủng khiếp, đã tạo thêm những "sàn thương mại điện tử" khổng lồ cho ngành tin tức.

Bản thân các website tin tức, với hàng triệu người dùng mỗi ngày, trong đó có vài chục % là người dùng trực tiếp, vẫn có sức sống mạnh mẽ nếu biết cách sắp xếp và cảnh báo thông tin thật chuẩn theo nhu cầu của người dùng. Đây là bài toán lớn.

Google, Facebook hay YouTube chỉ thực sự đánh đòn chí mạng vào ngành tin tức lúc nào chính họ trở thành cơ quan báo chí hoặc nhà sản xuất tin tức. Tôi rùng mình khi nghĩ đến việc ông chủ Facebook "làm báo". Khi đó, với người lực tiền bạc khổng lồ để đầu tư cho nội dung, nền tảng phân phối quảng cáo thượng thừa, nền tảng công nghệ xử lý dữ liệu lớn vượt trội và lượng người dùng khổng lồ ở Việt Nam (chỉ bàn chuyện Việt Nam thôi), họ nghiễm nhiên sẽ trở thành cơ quan tin tức lớn nhất.

Tuy nhiên, trước khi điều đó xảy ra (hi vọng nó không xảy ra), các cơ quan tin tức có thể tận dụng những nền tảng đó để đưa sản phẩm của mình đến độc giả.

Chúng ta hay nói đến việc làm SEO thật nhiều, share thật nhiều, đa dạng hóa hình thức thể hiện thật nhiều (video, audio, đồ họa...) để thu hút độc giả. Điều đó không có gì sai.

Nhưng đừng quên cái mà độc giả cần nhất ở các cơ quan tin tức chính là nội dung cốt lõi của tin tức. Những tin kém giá trị, dù dưới hình thức thể hiện nào, cũng sẽ bị độc giả xếp xó. Cũng giống như cái sạp hàng ở chợ Bến Thành vừa mở trên Shopee. Nó vẫn đóng cửa và ế ẩm nếu hàng hóa kém chất lượng.

Hiểu, tôn trọng và nỗ lực đáp ứng tốt nhu cầu tin tức của độc giả, đó luôn là bài toán kinh điển mà các tòa soạn cần phải giải.

Internet, cũng giống như điện hay cơ giới hóa, số hóa trong quá khứ, luôn là thách thức nhưng cũng tạo ra cơ hội cho những người muốn giải toán.

Nếu các tòa soạn không muốn giải hoặc không thể giải, Google - YouTube hay Facebook sẽ là những cái cớ tốt để đổ lỗi trên con đường tự diệt vong.

* Bài viết của tác giả Lê Hồng Kỹ, nhà sáng lập VietNewsCorp - Cơ quan chủ quản của Vietnamoi.vn và VietnamBiz.vn. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. 

Đọc tiếp

Tăng tốc chuyển đổi số báo chí là ưu tiên hàng đầu của 44% tòa soạn

(ONECMS) - 65% tòa soạn tin rằng công việc kinh doanh của họ sẽ phục hồi hoàn toàn sau đại dịch, theo báo cáo Triển vọng Báo chí Toàn cầu 2020-2021 của WAN-IFRA. Và tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số là "ưu tiên hàng đầu" chiếm 44%. 
Từ khóa phổ biến
Cách tốt nhất để xem chúng tôi có phù hợp với nhu cầu của bạn không là...
Liên hệ tư vấn
(Hoàn toàn miễn phí)
SẢN PHẨM VỚI TẤT CẢ NIỀM ĐAM MÊ CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ NEKO
  • Địa chỉ: Tầng 2, Tòa B, Chung cư Xuân Phương Residence, Đường Trịnh Văn Bô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Điện thoại: 024.2324.8989 - Email: info@neko.vn
  • DMCA.com Protection Status