(ONECMS) - Để phát triển, các cơ quan báo chí không có cách nào khác là phải tiếp tục đặt công nghệ ở trung tâm của mọi chiến lược, sử dụng công nghệ để tạo ra những nội dung hấp dẫn, chinh phục được các nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả.
Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu (11/3/1951-11/3/2022), ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã viết một bài tổng quan về xu hướng chuyển đổi số của báo chí và chiến lược của Báo Nhân Dân để phát triển thành cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực.
Để chia sẻ với các tòa soạn, ONECMS sẽ trích lại một phần bài viết này, với một số điểm nhấn được bôi đậm (nếu được hãy đọc toàn bộ bài viết ở đây).
Thế giới đã bước vào thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, và báo chí của ngày hôm nay rõ ràng khác xa với những gì chúng ta biết suốt mấy trăm năm phát triển, thậm chí chỉ ngược lại chừng 15 năm trước, không ai có thể tưởng tượng được các tòa soạn sẽ hoạt động như thế nào. Những ngày mà các tòa soạn có thể quyết định nghị trình và lên kế hoạch cho việc tiêu dùng tin tức đã qua rồi. Xưa kia, các cơ quan báo chí được ví như những người gác cổng, họ có quyền cho độc giả đọc tin này hoặc không in lên báo tin kia. Ngay cả khi phát thanh và truyền hình ra đời và trong thời kỳ đầu phát triển của báo điện tử thì cách thức hoạt động kiểu “gác cổng” vẫn không thay đổi. Nhưng độc giả, khán thính giả ngày nay biết họ muốn gì, và cần gì, từ luồng thông tin ào ạt mỗi ngày. Chẳng còn sự khác biệt của việc cầm tờ báo in thơm mùi mực buổi sáng rồi lật từ trang đầu tới trang cuối, với việc chờ đợi tờ báo ra buổi chiều. Các công dân toàn cầu giờ đây quá thành thạo với việc lướt Internet, từ lập các kế hoạch cho riêng mình cho đến việc theo dõi những thông tin phù hợp với thị hiếu của họ.
Xem thêm: Tại sao tôi nghe Radio Nhân Dân hàng ngày
Cả các cơ quan báo chí có truyền thống lâu năm lẫn những start-up chuyên về digital đều cần hiểu rõ thực tế này. Để phát triển, các cơ quan báo chí không có cách nào khác là phải tiếp tục đặt công nghệ ở trung tâm của mọi chiến lược, sử dụng công nghệ để tạo ra những nội dung hấp dẫn và chinh phục được các nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn và kiếm tiền được nhiều hơn.
...
Chiến lược chuyển đổi số và xây dựng Báo Nhân Dân trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực, thực hiện tốt vai trò là cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, cần theo các biện pháp như sau:
Đây là con đường chắc chắn phải bước đi nếu muốn phát triển thành cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực, phù hợp với xu hướng trên thế giới là các công ty công nghệ lớn thì trở thành “tech-media” (tăng cường hoạt động báo chí truyền thông bên cạnh thế mạnh công nghệ) còn các tập đoàn báo chí thì trở thành “media-tech” (nâng cao năng lực công nghệ để hỗ trợ cho lĩnh vực chuyên môn là báo chí).
Các tập đoàn báo chí lớn như New York Times, Washington Post, Bloomberg, Wall Street Journal ở Mỹ, South China Morning Post ở Hong Kong (Trung Quốc), hay Singapore Press Holdings (SPH) ở Singapore. Các tập đoàn báo chí lớn vẫn hợp tác với các đối tác công nghệ chiến lược nhưng đều chủ động xây dựng đội ngũ công nghệ của riêng mình (in-house). Vào tháng 10/2021, hãng thông tấn uy tín Thomson Reuters tuyên bố sẽ sử dụng một quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 100 triệu USD để trở thành một “hoạt động kinh doanh nội dung thúc đẩy bằng công nghệ." Hãng này khẳng định sẽ đầu tư vào những công ty có thể giúp họ “tăng thêm giá trị” cho khách hàng – dù là máy học để phỏng đoán tốt hơn, tự động hóa để hoạt động hiệu quả hơn, các công ty nhỏ và vừa hoạt động trên đám mây hoặc các công ty dịch vụ phần mềm.
Theo định hướng xây dựng Báo Nhân Dân thành cơ quan báo chí-công nghệ, Báo Nhân Dân cần lập ban công nghệ với quy mô phù hợp, quy tụ được những tài năng công nghệ, có khả năng vận hành hệ thống và nghiên cứu những sản phẩm báo chí-công nghệ mới. Tiêu chuẩn hiện nay trên thế giới là cứ 6-8 nhà báo thì cần có một nhân viên công nghệ làm việc cùng các phóng viên và biên tập viên trong quá trình sản xuất nội dung (chứ không phải là đơn vị kỹ thuật-công nghệ hoạt động tách rời). Như vậy, bộ phận công nghệ của Báo Nhân Dân sẽ cần có khoảng từ 60 đến 100 chuyên gia công nghệ.
Để có thể vươn lên dẫn đầu trong bối cảnh hiện nay thì một cơ quan báo chí phải có khả năng phục vụ độc giả ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào độc giả muốn. Là một chuyên gia chỉ trong một kênh giờ đây là không đủ và một cơ quan báo chí chỉ có thể đạt được ảnh hưởng thực sự bằng cách áp dụng một mô hình kinh doanh truyền thông đa nền tảng – multi-platform.
Mỗi ấn phẩm hoạt động theo hướng tòa soạn hội tụ xoay quanh “super desk”, còn bộ máy điều hành của toàn bộ Báo Nhân Dân theo hướng “siêu hội tụ” mà Ban Biên tập chính là “super-super desk.” Một cơ quan báo chí không chỉ hoạt động dựa vào lĩnh vực cốt lõi và truyền thống mà phải mở rộng sang các thể loại khác (Báo Nhân Dân dù đã có kênh truyền hình nhưng chưa mạnh về viral video, chưa có sản phẩm phát thanh audio podcast được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ nhờ các thiết bị thông minh điều khiển bằng giọng nói), chiếm lĩnh mạng xã hội không chỉ là Facebook và YouTube (còn rất nhiều kênh thu hút đông đảo giới trẻ như TikTok, Snapchat, v,v…) và hoàn toàn chưa hiện diện ở hình thức OTT hoặc ứng dụng messaging (WhatsApp, Viber, Zalo, v,v…), chưa có kế hoạch hiện diện trên các sản phẩm thông minh như loa, thiết bị đeo trên người, thiết bị IoT (kết nối vạn vật), hoặc các công nghệ có tiềm năng trong tương lai như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), mixed reality, v,v…
Quy trình sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp, tổ chức nội dung thống nhất (bao gồm cả định hướng về mặt chính trị) nhưng cách thức thể hiện linh hoạt và phù hợp với từng nền tảng, từng nhóm đối tượng.
Bộ máy điều hành và chỉ đạo thông tin của Báo Nhân Dân cho đến giờ vẫn chủ yếu nhắm vào sản phẩm báo in ngày, tuy đã có nhiều cải thiện và cải tiến từ phương thức giao ban, kết nối với các đơn vị sản xuất thông tin và hệ thống cơ quan thường trú. Một số cơ quan báo chí lớn trên thế giới còn có hình thức cung cấp thông tin lên bảng điện tử công cộng, cung cấp thông tin tới các thiết bị máy trạm cho các đối tượng hoạt động trong môi trường đặc biệt (ngư dân ngoài khơi, công nhân ở vùng sâu vùng xa, hàng không, v,v…).
Xem thêm: Công cụ soạn thảo bài longform như bài longform của Báo Nhân Dân
Super-desk sẽ điều phối luồng thông tin 24/7, phân luồng tin tức lên các nền tảng khác nhau và chỉ đạo sự hợp tác giữa các đơn vị để tạo ra những sản phẩm thông tin không trùng lắp, phù hợp với từng nền tảng và có sự hỗ trợ lẫn nhau (độc giả đọc tin trên báo điện tử và sẽ tìm kiếm bài chuyên sâu trên báo in sáng hôm sau, hoặc đang đọc dở trên máy tính thì có thể đọc tiếp trên điện thoại, v,v…)
Các công cụ đo lường và phân tích (bao gồm cả các công cụ đo lường của quốc tế sử dụng trong nội bộ tòa soạn, các công cụ đặc biệt có thể tạo dashboard tới từng phóng viên, biên tập viên, và hệ thống áp dụng chung để các cơ quan độc lập quốc tế có thể theo dõi và xếp hạng).
Chúng ta không còn lạ lẫm với những tòa soạn hiện đại với đầy màn hình gắn trên tường, cập nhật thông tin từ những kênh báo chí uy tín, hoặc các số liệu theo dõi lượng truy cập nội dung bằng các biểu đồ chi tiết. Nhưng như vậy chưa đủ. Giờ đây cần phải sử dụng những công cụ đo được những tin bài nào trên báo điện tử đang hoạt động hiệu quả hoặc không hiệu quả, những mục tin (category) nào được độc giả chú ý nhiều (ví dụ sử dụng công nghệ Chartbeat), đường đi của độc giả, cách thức họ tương tác với những thông tin nhất định, từ đó biết được họ quan tâm đến những chủ đề gì và cần sản xuất thông tin như thế nào.
Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Jacques Morisset nhận định: “Bên cạnh việc nâng cấp hạ tầng công nghệ số hiện nay, Việt Nam cũng cần trang bị kỹ năng số hoá cho người lao động và trở nên năng động hơn trong việc thích ứng với các công nghệ mới hiện đại."
Nhiều cơ quan báo chí hiện nay chưa hiểu rõ về chuyển đổi số cũng như hạ tầng công nghệ nên việc đầu tư mới dừng ở các hệ thống máy tính cơ bản cũng như các hệ thống quản trị nội dung (CMS) cơ bản nhất để vận hành báo điện tử hoặc trang thông tin điện tử. Báo Nhân Dân cũng không phải là ngoại lệ.
Vì vậy, trong thời gian tới cần phải xây dựng một hệ thống công nghệ đồng bộ cho toàn bộ Báo, giúp điều hành mọi quy trình sản xuất thông tin của các ban tin, các ấn phẩm cũng như từng cơ quan thường trú. Hệ thống này phải kết nối liên thông từ sản xuất báo in cho đến báo điện tử, quản lý các hệ thống cơ sở dữ liệu nội dung và người dùng cũng như hệ thống quản lý và phân phối quảng cáo. Cần phải tuyển dụng nhân lực công nghệ tài năng trong khi đào tạo để các nhà báo của Nhân Dân cũng nắm được những kỹ năng công nghệ cơ bản, thậm chí đủ khả năng lập trình, xử lý dữ liệu và sản xuất báo chí dữ liệu (data journalism).
"Trước đây, chúng tôi nghĩ nhân viên IT là những người mà chúng tôi chỉ nhờ đến khi máy tính hỏng hóc. Nhưng bây giờ họ là nhóm tạo ra sản phẩm, họ có vai trò rất quan trọng trong việc giúp chúng tôi hình thành nên các nền tảng để có thể vươn tới độc giả, tương tác với độc giả và giữ chân độc giả" - Đó là phát biểu của bà Zuraidah Ibrahim, giám đốc điều hành tờ South China Morning Post ở Hong Kong (Trung Quốc).
Tăng cường nghiên cứu và phát triển, phát huy đổi mới sáng tạo trong mọi phòng ban và khuyến khích cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư duy sản phẩm (product thinking). Đây chắc chắn là một lĩnh vực cần đẩy mạnh tại báo Nhân Dân, trong bối cảnh hầu hết các cơ quan báo chí ở Việt Nam chưa thực sự chú trọng đến các công nghệ truyền thông tương lai và không hề có bộ phận nghiên cứu-phát triển trong tờ báo, trừ một số cơ quan báo chí lớn và có đơn vị công nghệ khá quy mô như TTXVN, VTV hay VOV.
Nhiều chuyên gia khẳng định tư duy sản phẩm có thể cứu báo chí. Trong thời đại truyền thông đại chúng, tư duy sản phẩm không nhất thiết phải là một phần của báo chí, nhưng giờ đây lại kết nối hết sức chặt chẽ trong thời đại digital.
Các nhà báo nên học cách chấp nhận rằng các ấn phẩm, website, bản tin qua email (newsletter) hoặc các ứng dụng mobile đều là những sản phẩm. Người dùng luôn đứng trước quyết định có sử dụng một sản phẩm nào đó hay không, và họ có rất nhiều lựa chọn. Các cơ quan báo chí phải cạnh tranh với các sản phẩm báo chí của đối thủ, bên cạnh rất nhiều thứ khác, để thu hút sự chú ý cũng như thời gian của người dùng.
Báo Nhân Dân cần lập bộ phận nghiên cứu-phát triển mạnh, quy tụ nhiều tài năng về báo chí và công nghệ để nghiên cứu về xu hướng phát triển của báo chí và công nghệ truyền thông hiện đại, đồng thời tạo ra những sản phẩm báo chí mang tầm dẫn dắt, định hướng cho các cơ quan báo chí thuộc hệ thống báo Đảng. Để tăng thêm sức mạnh trong khi không phải xây dựng bộ phận nghiên cứu phát triển quy mô lớn, Báo Nhân Dân có thể hợp tác với các viện nghiên cứu và các trường đại học để mời các nhà nghiên cứu tham gia dự án của mình.
Eric Schmidt, cựu Chủ tịch Công ty Google, hiện là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Đổi mới Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, khẳng định trí tuệ nhân tạo sẽ tái tổ chức thế giới và thay đổi tiến trình lịch sử loài người. AI đã và đang được sử dụng rất nhiều trong hoạt động báo chí, từ việc phát hiện tin nóng, thẩm định thông tin, tương tác với độc giả, kiểm duyệt comment, sản xuất video, cho đến viết tin bài tự động.
Một số hãng tin trên thế giới đã áp dụng và phát hiện thấy rằng AI có thể mang lại rất nhiều lợi ích để nâng cao chất lượng báo chí, chứ không phải thay thế lực lượng nhà báo hiện nay. Từ các báo cáo về hoạt động doanh nghiệp cho đến tin tức về các giải bóng nhỏ, tự động hóa và các thuật toán đang trở thành một phần quan trọng tạo nên dòng chảy thông tin. Các nhà báo của AP, Reuters, Washington Post, New York Times, ProPublica, Forbes, Oregon Public Broadcasting, Yahoo cùng nhiều cơ quan báo chí khác đang sử dụng thuật toán để kể các câu chuyện về kinh doanh, thể thao cũng như giáo dục, bình đẳng giới, an toàn công cộng...
Báo Nhân Dân không thể chỉ dừng ở việc sử dụng công nghệ text-to-speech (TTS) hay speech-to-text (STT) khá phổ thông hiện nay mà phải đầu tư vào công nghệ viết báo tự động để có thể sản xuất được lượng thông tin lớn hơn và cá nhân hóa các thông tin theo nhu cầu của độc giả, giảm bớt sức lao động cho phóng viên, biên tập viên và giúp họ có thời gian tập trung vào những chủ đề lớn. Dịch thuật tự động chất lượng cao cũng là công nghệ mà Báo Nhân Dân cần hướng tới để tăng cường hiệu quả thông tin đối ngoại mà không cần nhiều nhân lực.
Sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách, duy trì nguồn thu quảng cáo và truyền thông doanh nghiệp, trong khi chuyển hướng mạnh sang nguồn thu từ độc giả và các hình thức mới khác. Các cơ quan báo chí lớn trên thế giới đã có nhiều biện pháp đa dạng nguồn thu, bên cạnh quảng cáo, từ thu phí đọc báo điện tử, thu phí thành viên, tổ chức sự kiện, thương mại điện tử, cho đến môi giới dữ liệu, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, đầu tư, thậm chí hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, nhắm vào những tệp khách hàng khác nhau với tiềm năng tạo nguồn thu và mức lợi nhuận khác nhau.
eCommerce là một lĩnh vực tạo doanh thu đầy hứa hẹn với các cơ quan báo chí với mức chi phí dự báo tăng gấp đôi trong vòng 4 năm tới lên 7 ngàn tỷ USD, theo GroupM. Các tập đoàn như BuzzFeed, New York Times, và New York Magazine/Vox Media đều đã tiến mạnh vào lĩnh vực này. Báo Nhân Dân đương nhiên không có định hướng thu phí độc giả đọc báo điện tử nhưng hoàn toàn có thể tạo ra những nội dung chất lượng cao hoặc các sản phẩm nhắm vào các tệp người dùng riêng để thu hút độc giả trung thành, tổ chức các sự kiện văn hóa có bán vé, cho những cơ quan báo chí nhỏ hoặc ở địa phương thuê hệ thống công nghệ, kinh doanh dữ liệu, v,v…
Lâu nay cookies của bên thứ ba là xương sống của hoạt động quảng cáo digital vì nó theo dấu lịch sử người dùng và đẩy ra những quảng cáo liên quan. Một cuộc khảo sát của INMA hồi tháng 4/2021 cho thấy 85% lãnh đạo các cơ quan báo chí cho biết doanh thu quảng cáo online của họ phụ thuộc vào công nghệ của bên thứ ba.
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, khi Google ngừng cho phép gắn cookies trên trình duyệt Chrome vào năm 2023 – chậm 1 năm so với kế hoạch ban đầu – tiếp nối hành động của các trình duyệt Firefox vào năm 2019 và Safari vào năm 2020, thì các cơ quan báo chí cần tính tới việc thu hút người dùng truy cập các trang web và ứng dụng của họ để có thể thu thập dữ liệu về người dùng.
Nhà nghiên cứu Greg Piechota thuộc INMA nói: "Trong tương lai, chúng ta có thể hy vọng các nhà quảng cáo lớn sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào mối quan hệ trực tiếp với các cơ quan báo chí hàng đầu".
Dữ liệu trực tiếp của độc giả đã đã trở thành điều kiện tiên quyết trong hoạt động kinh doanh quảng cáo programmatic của các cơ quan báo chí. Chiến lược thu thập dữ liệu độc giả sẽ giúp các cơ quan báo chí xác định rõ đối tượng độc giả của mình, từ đó mở ra các cơ hội để cải thiện chất lượng nội dung, trải nghiệm người dùng, đồng thời tạo ra những phân khúc hấp dẫn các công ty quảng cáo. Bên cạnh việc xây dựng nội dung hấp dẫn để thu hút độc giả truy cập trực tiếp và đăng ký trên các hệ thống digital, Báo Nhân Dân cần đầu tư vào các hệ thống công nghệ để thu thập và phân loại dữ liệu người dùng cả từ báo in, báo điện tử, truyền hình, truyền thông xã hội cũng như các phương thức khác.
Tăng cường hợp tác với các đối tác để phát hành nội dung Báo Nhân Dân trên nhiều nền tảng phi báo chí, nhằm chủ động đưa thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước đến với người dân. Chẳng hạn có thể áp dụng các hình thức sau:
+ Tích hợp nội dung tin tức trên các ứng dụng mobile của các ngân hàng: vừa tạo một category tin tức trên menu ứng dụng để tự động quét thông tin từ website của Báo Nhân Dân, vừa chọn lọc ngẫu nhiên một số tiêu đề tin và đặt vào dưới các thông báo giao dịch (notification) của ngân hàng.
+ Gắn ngẫu nhiên tiêu đề tin của Báo Nhân Dân vào các tờ hóa đơn in của siêu thị, cửa hàng bách hóa kèm theo QR Code hoặc đường link rút gọn để người dùng truy cập tiện lợi nếu quan tâm (báo điện tử VietnamPlus của TTXVN đã từng thử nghiệm thành công với hệ thống Vinmart).
Trong hướng phát triển lâu dài, Báo Nhân Dân cần được đầu tư mạnh mẽ để thậm chí trở thành trung tâm kết nối (hub) cả về dữ liệu và công nghệ cho hệ thống báo Đảng thuộc 63 tỉnh thành.
Các báo Đảng địa phương lâu nay gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cách thức làm báo hiện đại – cả về hệ thống công nghệ lẫn các kỹ năng mới, vì thế có khoảng cách đáng kể về chất lượng giữa nhiều báo Đảng địa phương so với các báo ở Trung ương. Có một số báo Đảng địa phương đã chú trọng đầu tư cho báo điện tử và cũng thu hút được lượng truy cập đều đặn nhưng cách làm vẫn tương đối đơn giản, đặc biệt là các hệ thống quản trị nội dung (CMS) chỉ ở dạng cơ bản, không hỗ trợ các định dạng nội dung mới, không linh hoạt cho các phóng viên, biên tập viên, khó bổ sung khi có nhu cầu mới.
Do mỗi tờ báo Đảng địa phương tự xây dựng hệ thống dữ liệu riêng nên chưa biết cách khai thác dữ liệu người dùng (first-party data) và các báo Đảng lại càng không thể tận dụng để liên thông và tạo nên một cơ sở người dùng quy mô lớn nhằm tạo thế cân bằng nhất định với các nền tảng công nghệ như Facebook, YouTube, TikTok… Cần lưu ý một xu hướng là các doanh nghiệp muốn mua quảng cáo không chỉ cố gắng tìm hiểu tính chính xác trong dữ liệu của từng cơ quan báo chí mà còn xem nó nhất quán ra sao với các cơ quan báo chí khác.
Chính vì vậy, nếu kết nối được dữ liệu của tất cả các báo Đảng trong một hệ thống thì có thể cùng chia sẻ để kinh doanh quảng cáo và phục vụ chiến lược sản xuất nội dung, định hướng tuyên truyền hiệu quả.