(ONECMS) - Hiện có không ít công cụ hỗ trợ người làm báo nhận diện ảnh đã qua chỉnh sửa, ví dụ như công cụ tra cứu nguồn gốc ảnh, hay công cụ phát hiện điểm ảnh bất thường.
Nhìn tổng quan bức ảnh
Trong một biển những thông tin thất thiệt, cần phải có mắt tinh tường để nhận ra những dấu hiệu làm giả đôi khi rất tinh vi. May mắn là có những phương pháp để bạn nhận ra bức ảnh được chỉnh sửa đánh lừa bạn.
Trước khi phải dùng đến bất kỳ công cụ nào, hãy chú ý tìm điểm đáng ngờ. Đôi khi không dễ để thấy được những dấu hiệu rõ ràng của sự can thiệp vào ảnh.
Hãy để ý những dòng chữ được gõ vào lộ liễu, những đường viền nham nhở trong hình, hay những góc bố cục camera lạ - tất cả những điều này có thể chỉ ra rằng bức ảnh đã bị chỉnh sửa.
Nếu bức ảnh đang được xem xét đủ lớn, bạn có thể zoom gần vào để rà soát những lỗi bất thường nhỏ mà bình thường bạn không thể thấy.
Bên dưới là một bức ảnh bị co kéo của cô người mẫu Kim Kardashian trên Instagram.
|
Bạn có thể nhận ra sự khác biệt so với bản gốc? Hãy nhìn kỹ, bạn có thể thấy dấu hiệu của sự can thiệp, như gờ vỉa hè bị bẻ cong và chiếc xe dẹp lép đằng sau.
Dù ảnh được can thiệp không phải lúc nào cũng dễ nhận ra như trường hợp trên, nhưng trường hợp trên cũng cho thấy một số cách để nhận ra ảnh làm giả.
Tìm hiểu về nguồn gốc ảnh
Khi nhìn vào một bức ảnh mà bạn nghi là giả, hãy tự hỏi rằng bức ảnh này được lấy từ đâu, và xem rằng liệu đã có nguồn tin nào chia sẻ ảnh.
Hãy tham khảo bức ảnh cho thấy cá mập bơi lội ngoài đường cao tốc sau trận bão lớn.
|
Theo tìm hiểu của trang Snopes thì bức ảnh này lần đầu gây xôn xao khi được cho là hình ảnh trên đường phố Puerto Rico sau cơn bão Irene tháng 8/2011.
Dù vậy đây chỉ là bức ảnh giả được ghép giữa hình ảnh đường phố ngập lụt và bức ảnh cá mập trắng bơi theo chiếc thuyền kayak ngoài biển năm 2005.
Nhìn qua thì có thể khá đáng sợ, nhưng nếu tải bức ảnh này lên Google Image Search hoặc TinEye thì chúng ta sẽ thấy bức ảnh được dùng đi dùng lại trong nhiều năm, xuất hiện lại bất kỳ khi nào có thiên tai bão lũ ở Mỹ.
Kết quả trên TinEye cho ra tới 932 phiên bản từ ngày 13/9/2011 đến 13/3/2019.
Nghi vấn khi bức ảnh khiến bạn tức giận hoặc e sợ?
Bức ảnh nói lên câu chuyện gì? Bức ảnh khiến bạn cảm thấy thế nào? Hãy nghĩ về câu chuyện mà bức ảnh nói. Liệu câu chuyện có nguồn nguyên gốc? Liệu câu chuyện có đáng tin hay khó tin.
Khơi dậy cảm xúc là đặc tính của ảnh báo chí chất lượng cao. Những nhiếp ảnh gia nổi tiếng như Eddie Adams trước đây luôn nói về chuyện bức ảnh có thể “đánh cắp trái tim người xem”.
Vì thế cảm xúc bản thân nó không phải là điểm bất thường. Nhưng một bức ảnh chất lượng thấp từ nguồn đáng nghi khiến bạn giận dữ… có thể là tác phẩm của tin giả.
Tiến sỹ Eric K. Clemons đến từ Viện Wharton, Đại học Pennsylvania từng viết rằng thông tin thất thiệt, nhất là tin giả, được cắt gọt riêng cho từng nhóm độc giả để tác động lên những độc giả đó và để tạo ra phản ứng cảm xúc mạnh nhất có thể.
Hãy nhìn nhận xem phản ứng cảm xúc nào mà bức ảnh muốn khơi lên từ bạn. Nếu nó không đến từ nguồn tin chính thống, liệu ai có thể là người gửi nó, và tại sao người ta muốn bạn cảm thấy như vậy?
Dùng công cụ công nghệ
Bạn muốn rà soát dấu hiệu chỉnh sửa không thể nhận ra ngay bởi mắt thường? Hãy copy và paste đường dẫn URL của bức ảnh vào trang FotoForensics, nơi có thể nhận diện những điểm ảnh bị lấp, đánh giá mức độ lỗi và tra cả thông tin dữ liệu mô tả.
Dù trang này không chỉ ra rõ ràng liệu bức ảnh là thật hay giả, thì vẫn hỗ trợ bạn nhìn bức ảnh theo một cách mới dễ nhận ra lỗi hơn.
Bức ảnh có phải được chụp ngoài trời? Bạn có biết lúc nào và ở đâu bức ảnh được chụp? Nếu thế bạn có thể thử dùng trang SunCalc, công cụ mô tả quỹ đạo của mặt trời trong ngày với một địa điểm nhất định.
Nếu SunCalc cho biết mặt trời đang lúc buổi sáng? Hãy đối chiếu với bức ảnh chụp buổi sáng của bạn, liệu bóng nắng và ánh sáng có trùng khớp với thông tin của SunCalc? Nếu không, nhiều khả năng bạn đang có trong tay một bức ảnh đã được “phẫu thuật”.
Và còn có rất nhiều plug-in trình duyệt có thể giúp bạn nhận diện ảnh giả. Hãy cân nhắc thêm plug-in InVID Verification Plugin cho trình duyệt của bạn để tiết kiệm thời gian và kiểm tra nhanh hiệu quả hơn.
Plugin này có khả năng lật tẩy tin giả và xac minh ảnh và video để bạn không phải tốn quá nhiều thời gian tìm hiểu, điều tra.
*Nội dung trên là bài viết đăng trên ijnet.org đầu tháng 7/2019, trong đó những lời khuyên về cảm quan đánh giá ảnh thì vẫn cần thời gian để mỗi người tự kiểm chứng, nhưng quan trọng trước hết là việc có không ít công cụ hỗ trợ người làm báo nhận diện ảnh đã qua chỉnh sửa.