(ONECMS) - Để đương đầu và không bị thất thế trước các mạng xã hội thời hiện đại thì các báo có một phương án tưởng chừng như đã cũ nhưng dường như vẫn có hiệu quả, đó là huy động bài viết từ độc giả.
Để đấu lại các nền tảng blog và mạng xã hội, tờ HuffPost UK đang thử nghiệm cách mới để khuyến khích độc giả viết bài một cách bền vững. Theo đó HuffPost UK đang tìm đến tiếng nói của cộng đồng qua 2 chuyên mục mới và có trả nhuận bút cho độc giả đóng góp câu chuyện của mình.
Thay thế cho chuyên mục Blogs, các chuyên mục mới là Personal và Opinion hướng tới mở rộng cho sự đa dạng quan điểm mà tờ báo này đăng tải và cung cấp thêm những bài bình luận đáng chú ý trong các sự kiện trên toàn thế giới từ những người chịu ảnh hưởng nhất từ những sự kiện đó.
Không như chuyên mục Blogs trước đây, các chuyên mục mới sẽ mang lại nhuận bút cho người đóng góp viết bài. HuffPost từng nhận một vài chỉ trích vào thời điểm ra đời năm 2005, cũng với mô hình kêu gọi đóng góp nội dung nhưng không trả công người viết chút nào ngoại trừ việc đề tên tác giả.
Ông Jimmy Leach, Tổng biên tập HuffPost UK, nhận định rằng thế giới online đã thay đổi hẳn so với thời tờ báo ra mắt lần đầu 14 năm trước và giờ là lúc thay đổi cách tiếp cận lỗi thời.
Ông nói: "Thời kỳ đó nhìn lại thì gần giống như những thước phim cổ, không có Medium để tự xuất bản bài viết, không có Twitter để lan truyền, và Facebook thì chỉ giống như tiềm năng cho tương lai chứ không phải là "khủng long" mà chúng ta cưỡi hiện nay".
"Khi chân trời thế giới số dịch chuyển, cách tiếp cận và đưa tin cũng vậy, và chúng tôi cũng nhấn mạnh hơn vào chất lượng và tính nguyên bản trong đội ngũ của mình".
“HuffPost phản ánh kết quả về sau của các chính sách, sự kiện, hoặc sự vụ. Những chuyên mục thời sự sẽ cho bạn biết câu chuyện là gì, còn các chuyên mục Personal và Opinion sẽ cho bạn biết kết quả thực tế về sau ra sao.”
“Điều đó có nghĩa là nhóm người yếu thế và không có tiếng nói sẽ cảm thấy sự thay đổi nhất. Các chính sách thường được xây dựng bởi những người ít chịu ảnh hưởng, vì thế chúng tôi đưa những câu chuyện với kết quả ít ai biết đến, những điểm lỗi của hệ thống và cảm nhận ở những nơi có vấn đề”, ông Leach chia sẻ.
Những chuyên mục mới là một phần trong nỗ lực lớn của tòa soạn để hỗ trợ những nhóm người đa dạng đều có thể trở thành người viết, và xây dựng tòa soạn chuyên đề cập đến những câu chuyện tác động đến độc giả là mục tiêu sống còn.
Đặc biệt, gần đây HuffPost cũng phối hợp cùng Đại học Birmingham City để thành lập Học viện Báo chí HuffPost, nơi các thành viên của tòa soạn có thể chia sẻ kinh nghiệm với các sinh viên, đồng thời lắng nghe các sinh viên về các vấn đề như câu chuyện nào họ nên phản ánh và theo hình thức nào.
Vậy điều gì sẽ tạo đà cho những chuyên mục mới? Bên cạnh tính cảm hứng, tính định hướng và bổ ích, thì đối với HuffPost, tính độc nhất là chìa khóa then chốt.
|
Ông Leach khẳng định: “Chúng tôi tìm kiếm những người mà cuộc sống và công việc mang lại góc nhìn độc nhất về chủ đề. Chúng tôi muốn những người có thể chia sẻ từ góc nhìn thấu hiểu, những người có thể mang lại góc nhìn dễ tiếp thu và lôi cuốn đối với độc giả”.
*Nội dung trên là bài viết trên journalism.co.uk vào tháng 8/2019, trong đó cho thấy để đương đầu và không bị thất thế trước các mạng xã hội thời hiện đại thì các báo có một phương án tưởng chừng như đã cũ nhưng dường như vẫn có hiệu quả, đó là huy động bài viết từ độc giả.