(ONECMS) - Megastory có thể được sáng tác ra từ những câu chuyện ở bất cứ đâu và khiến công chúng hiểu bản chất về những gì đã và đang được chuyển tải giống báo chí truyền thống nhưng theo một phong cách hành văn mới và kỹ thuật trình bày mới.
Bài báo điện tử được thiết kế theo phong cách tạp chí e-magazine hay megastory trở nên phổ biến trong những năm gần đây như một xu thế. Đây được xem là bước cải tiến của báo chí, đồng thời là yếu tố cạnh tranh giữa nhiều tờ báo điện tử hiện nay.
Mặc dù còn bộc lộ một số nhược điểm, mặc dù không ai khẳng định e-magazine hay megastory có thể tồn tại lâu dài, nhưng e-magazine hay megastory đã thực sự trở thành một thể loại báo chí mới, thu hút đông đảo công chúng theo dõi và tương tác góp phần tạo nên một môi trường báo chí đầy sôi động.
Và ở góc độ nào đó, dù là xu thế thời thượng về công nghệ, thể loại này đang trở thành một lối thoát chất lượng cho các tờ báo điện tử muốn gạt bỏ định kiến báo điện tử là câu view rẻ tiền, đưa tin không chính xác.
Bài e-magazines là kiểu bài báo đa phương tiện (multimedia) có thể bao gồm cả chữ viết, ảnh, video, ảnh động, file âm thanh, các yếu tố đồ họa được thiết kế theo phương thức hoàn toàn mới. Ở đó, người ta sử dụng tít hiệu ứng (thường được chèn trong ảnh đầu bài - gọi là cover), chữ viết trở nên linh hoạt với những phần trích dẫn được bố trí đẹp mắt, ảnh thường được thiết kế toàn màn hình (theo chiều ngang).
Khi tiếp cận một bài e-magazine, ta có cảm giác đang đọc báo phiên bản mobile trên máy tính, hoặc đang thưởng thức một trang tạp chí được thiết kế cầu kì. Ngoài ra, phần text (chính văn) của loại bài này có thể dài vài ngàn từ, với thông tin mang tính tổng hợp, pha trộn giữa bút pháp tường thuật, bình luận và phân tích chuyên sâu.
Đây là kiểu bài bắt kịp được xu hướng của báo chí hiện nay, đặc biệt là báo điện tử: đó chính là nội dung chuyên sâu (slow journalism). Tuy nhiên, những bài quá dài được thiết kế theo cách thông thường trên các website sẽ không thu hút độc giả đọc đến cuối, đồng thời cũng rất khó thiết kế bài một cách hấp dẫn, bắt mắt. Bài e-magazine chính là giải pháp cho những vấn đề đó khi trình bày một bài viết mang nội dung chuyên sâu.
Một ưu điểm khác của bài e-magazine là khiến thời gian độc giả lưu lại trên trang (time on site) dài hơn. Ví dụ, thời gian trung bình mà độc giả dành để đọc một tin báo điện tử thường là 5 - 10 giây và 15 - 20 giây với những tin dài hơn...
Nhưng thời lượng xem mỗi bài e-magazine trên Vietnam Plus là 5 - 6 phút, thậm chí có những bài lên tới 10 - 15 phút bởi thông tin rất chuyên sâu, lại có nhiều hình ảnh và video. Cần lưu ý rằng time on site là một trong những tiêu chí quan trọng để phân loại website.
Bên cạnh đó, quảng cáo không còn là yếu tố gây phiền nhiễu đến độc giả khi đọc kiểu bài này. Sẽ không còn các banner, các pop-up quảng cáo đột ngột xuất hiện khiến họ giật mình, thay vào đó, nội dung bài viết hoàn toàn được thể hiện trọn vẹn mà không có dấu vết của các phần quảng cáo hiển thị. Đó đều là những yếu tố mà độc giả mong muốn báo điện tử cải thiện hiện nay.
E-magazine hay megastory mới xuất hiện và có xu hướng bùng nổ trên báo điện tử Việt Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây và đang được kỳ vọng như một thể loại báo chí mới, một lối thoát về chất lượng cho các tờ báo điện tử vốn đang ngang hàng nhau về mặt thông tin.
Megastory là một kiểu nội dung báo chí mới nổi lên vài năm gần đây, một phần xuất phát từ thực tế là các cơ quan báo chí nhận thấy cần phải quay trở lại tập trung sản xuất những nội dung chất lượng cao, thay vì chạy đua về tin tức với mạng xã hội.
Nói như vậy không phải báo chí chấp nhận "thua" về đưa tin nóng, mà việc phát hiện ra tin nóng không còn là đặc quyền của báo chí, trong bối cảnh mỗi người dân đều có một chiếc điện thoại, đa số là điện thoại thông minh và có kết nối với các nền tảng truyền thông xã hội.
Hầu hết các cá nhân không có kỹ năng cũng như nguồn lực để tạo ra những nội dung chuyên sâu, lại được trình bày cầu kỳ - vốn là một lợi thế của các cơ quan báo chí. Một yếu tố khác dẫn đến sự ra đời của các bài megastory là xu hướng "báo chí chậm" trong cơn bão tin tức.
Khi cả xã hội như bị cuốn vào một cơn lốc tin tức và nội dung thì quá nhiều, thậm chí vượt khả năng xử lý thông tin của chúng ta, thì người ta lại muốn quay về những tác phẩm được điều tra kỹ càng, những ngôn từ trau chuốt, cách trình bày sáng tạo và hấp dẫn.
New York Times, The Guardian, Politico... là những tờ báo tiên phong về megastory từ nhiều năm trước. NYT còn đoạt giải Pulitzer vào năm 2012 với tác phẩm Snowfall nổi tiếng.
Megastory không nhất thiết phải là tác phẩm báo chí dài kỳ, không cần áp dụng quá nhiều ứng dụng kỹ thuật đa phương tiện trong trình bày hay tất cả những đề tài và thông tin liên quan về một cuộc khủng hoảng hoặc sự kiện nào đó đang xảy ra có tính chất ảnh hưởng đến nhiều khu vực trên thế giới.
Không giống như các thể loại báo chí truyền thống khác, megastory có thể được sáng tác ra từ những câu chuyện ở bất cứ đâu và chúng vẫn tiếp tục khiến công chúng hiểu bản chất về những gì đã và đang được chuyển tải giống thể loại báo chí truyền thống nhưng theo một phong cách hành văn mới và kỹ thuật trình bày mới.
Tuy nhiên, điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc có thể làm cho câu chuyện trở nên cá nhân hơn nhiều đối với người đọc, độc giả có thể tiếp cận theo cách riêng của họ và cho phép người đọc có thể có những suy nghĩ riêng thể hiện rõ chính kiến của mình hơn về chủ đề.
Megastory khác biệt với những câu chuyện truyền thông bình thường về mặt định hướng tư duy và suy nghĩ của độc giả. Và đây chính là yếu tố có thể khiến người đọc kết nối với câu chuyện ở mức độ sâu hơn, tác động đến hành vi tò mò muốn đọc của độc giả và quan trọng hơn là người đọc có thể đem nó thành câu chuyện bàn luận với người khác tạo ra tính lan truyền.
|
Khó khăn lớn nhất là không ai có thể khẳng định megastory sẽ tồn tại được lâu dài, vì thế các tòa soạn cũng chỉ đầu tư ở mức độ thăm dò. Rất có thể khi công nghệ phát triển hơn nữa thì lại xuất hiện những giải pháp online linh hoạt hơn mà tiết kiệm chi phí hơn, hoặc thậm chí là xuất hiện một dạng thức nội dung mới còn thú vị hơn cả megastory hiện nay.
Vì thế, việc một số báo điện tử đang sản xuất rộng rãi và thường nhật thể loại này là cuộc chơi của các ông lớn thì cũng không ngoa chút nào. Dù là xu thế tất yếu, dù được Hiệp hội báo chí thế giới liên tục mở các cuộc hội thảo về vấn đề này thì tại Việt Nam, không phải tờ báo điện tử nào cũng có thể tự mình sản xuất được thể loại báo chí này. Do đó, nhắc đến e-magazine hay megastory thì cũng chỉ nhắc được đến Vietnam Plus, Zing.vn, Saostar, Afamily, VietNamNet...
Có thể ví von làm megastory giống như làm tạp chí, nó đòi hỏi sự chỉn chu về hình thức và sâu về nội dung hơn nhiều so với báo ngày. Vì vậy, vấn đề khó khăn đầu tiên chính là chi phí sản xuất - cả sản xuất nội dung lẫn công nghệ hiển thị.
Một bài megastory đòi hỏi bài viết rất công phu, ảnh hay video đi kèm cũng phải rất đẹp. Một bài viết như vậy mất cả tuần là bình thường, có những sản phẩm thậm chí kéo dài trong nhiều tháng. Rồi còn khâu chụp ảnh, dựng video, thiết kế đồ họa, đồ họa tương tác... với những bài phức tạp.
Ngay phần công nghệ cũng dẫn đến nhiều chi phí. Nếu là một bài viết thông thường thì chỉ cần sử dụng hệ thống quản trị nội dung (CMS) của website, nhưng với một bài megastory phức tạp thì kéo theo cả một quá trình thiết kế, coding với sự tham gia của nhiều người.
Tốn kém thời gian cũng là một vấn đề khó khăn nhưng rất khó khắc phục vì muốn có một tác phẩm cầu kỳ thì không có cách nào khác là đổ công sức, mồ hôi để làm thật tỉ mẩn, kỹ lưỡng. Kể cả với những bài đơn giản, sử dụng công cụ online thì cũng phải mất một vài tiếng đồng hồ.
Khó nhưng cái được không hề nhỏ trong thời làm báo mà sau nửa phút, thông tin đưa lên đã trở thành tin cũ. Điều này nhìn thấy rõ ở thành công của Vietnam Plus, tờ báo tiên phong trong việc thực hiện những sản phẩm special trên mặt báo.
Với megastory, Vietnam Plus gặt hái được nhiều thành công, được làm nghề một cách tử tế. Đặc biệt là mấy năm gần đây Vietnam Plus liên tục nhận được các giải báo chí lớn và hầu hết các tác phẩm đó đều thực hiện theo phong cách này.
...
*Nội dung trên được lấy từ bài báo của tờ Nhà báo & Công luận đăng trên Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam vào tháng 2/2018 (một số tiêu đề và lời dẫn do nhóm biên tập Blog ONECMS tự biên soạn lại). Trong bài viết là thông tin toàn cảnh và khá chuyên sâu về xu hướng sản xuất bài megastory mà các báo điện tử ở Việt Nam áp dụng. Dạng bài này còn được gọi với những cách gọi khác mà Blog ONECMS đã giới thiệu như long-form hay e-magazine.