VnExpress đã liên tục cập nhật những công nghệ làm báo mới nhất, trong đó có những thay đổi mang tính cách mạng.
Lịch sử báo chí cho thấy những mốc phát triển quan trọng đều gắn với các phát minh công nghệ, tạo ra các phương tiện phát hành mới. Johann Gutenberg (1400 - 1468), người đầu tiên in bằng khuôn đúc, đã tạo tiền đề cho báo in ra đời vào đầu thế kỷ 17. Phát kiến về sóng radio dẫn đến sự ra đời của đài phát thanh vào những năm 1920. Ứng dụng truyền hình tạo ra "báo hình" đầu tiên từ thập niên 1940. Những người sáng lập ra VnExpress đã nhận thấy Internet sẽ là một phương tiện thông tin đại chúng hoàn toàn mới trong hệ thống báo chí Việt Nam.
Cách đây 20 năm, ý tưởng xây dựng một tờ báo điện tử còn rất mơ hồ. Cuối năm 1997, Việt Nam mới chính thức hòa mạng Internet quốc tế. Đầu năm 2000, cả nước có chưa đến 50.000 thuê bao Internet. Truyền thông thường xuyên phản ánh tình trạng giá cước cao và băng thông hẹp, số lượng người dùng thấp. Nhưng cũng chính trong bối cảnh khó khăn đó, những người sớm tiếp cận với Internet đã nhận thấy đây là mảnh đất tiềm năng, chưa khai phá của báo chí.
Xem thêm: Sự ra đời của VnExpress
Ngày 26/2/2001, VnExpress.net lần đầu tiên xuất hiện trên mạng. Tất cả đều bắt đầu từ con số không, nhưng trong đó có nhiều yếu tố mang tính tiên phong.
Đặt nền móng kỹ thuật cho VnExpress là ông Trương Đình Anh, khi đó là Giám đốc của Trung tâm dịch vụ trực tuyến FPT (FOX) - tiền thân của Công ty cổ phần Viễn thông FPT - người đã code những dòng đầu tiên cho website.
CMS - hệ thống quản trị nội dung - version 1.0 của VnExpress được tạo từ năm 2000, trong đó website được lập trình bằng ngôn ngữ VBScript trên nền ASP. CMS sử dụng ngôn ngữ VB6 tương tác với ActiveX Object trên trình duyệt Internet Explorer của Microsoft. Thế mạnh của ActiveX Object giúp cho CMS hoạt động như một phần mềm được cài đặt trên máy tính. Các biên tập viên thực hiện thao tác soạn thảo như trên Microsoft Word và lưu offline ngay trên máy. Tất cả đều mới mẻ với những nhà báo xây dựng nội dung cho VnExpress lúc bấy giờ.
VnExpress có tính độc lập khác hẳn với báo chí truyền thống. Trước kỷ nguyên Internet, báo chí thường gắn với tính định kỳ. Định nghĩa báo, tạp chí trong giáo trình khoa Báo chí Đại học Quốc Gia Hà Nội khi đó viết: "Báo, tạp chí là một loại hình thông tin đại chúng thực hiện các chức năng cơ bản, như thông tin, định hướng dư luận, giải trí..., và được phát hành định kỳ".
Tuy nhiên, hệ thống quản trị nội dung của VnExpress cho phép các bài báo được xuất bản mà không phải chờ đợi cả trang báo, các trang không chờ đợi cả số báo.
Cách thức xuất bản của VnExpress thể hiện đặc thù phi định kỳ của báo trực tuyến. Đây cũng là lợi thế về tốc độ cập nhật thông tin, cho phép độc giả tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi, mà không phải chờ đợi đến kỳ phát hành.
Tiếp đến, phần mềm cho phép thực hiện một loại hình mới gọi là "bài báo mở" - tức là, bài báo sau khi đã lên trang vẫn tiếp tục được cập nhật. Với khả năng đó, VnExpress sau này đem đến cho độc giả các bài "Tường thuật trực tiếp" và "Phỏng vấn trực tuyến" đầu tiên tại Việt Nam.
Một chi tiết không kém phần quan trọng là font chữ. Đây vốn là vấn đề đau đầu của các website tiếng Việt. Sau nhiều lần phân tích, lựa chọn, cuối cùng VnExpress quyết định là đơn vị tiên phong sử dụng font Unicode. Sau này, Unicode trở thành một trong những font phổ biến nhất Việt Nam và được quy chuẩn trong văn bản hành chính.
Nhiều tháng liên tục, ông Trương Đình Anh miệt mài ngồi viết chương trình đến tận khuya. Ngày 15/2/2001, phần mềm biên tập mới hoàn chỉnh, nhưng vẫn phải chạy thử. Ngày 26/2, dù còn khiếm khuyết, Ban lãnh đạo quyết định "phóng" VnExpress lên Internet. Đó là một ngày thầm lặng, như những ngày làm việc bình thường khác. Không quảng cáo, không có lễ khai trương, diễn văn và champagne. Chỉ có một thông báo qua email cho các khách hàng sử dụng Internet của FPT. Nhưng đó là một ngày trọng đại của VnExpress.
Sau tuần đầu, số máy tính truy cập trong một ngày đạt mức 1.000. Tuần tiếp theo, số độc giả hằng ngày đã tăng gấp đôi... Sau nửa năm, VnExpress có 300.000 độc giả. Phần lớn thư bạn đọc kể rằng họ biết đến báo là nhờ bạn bè giới thiệu.
"Khi thuyết trình để đưa Internet vào Việt Nam năm 1997, chúng tôi không hình dung hết được báo điện tử - báo trên Internet sẽ phát triển thế nào. Thời kỳ đầu, các cơ quan nhà nước cũng rất thận trọng khi đưa thông tin lên mạng với hình thức báo chí. Chỉ các tờ báo chính thức mới được phép đưa nội dung của báo giấy lên Internet. Nhưng hạn chế lớn nhất là thông tin theo phiên bản của báo giấy thì theo kỳ, tuần, tháng, ngày chứ không tức thời", Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông chia sẻ.
Ông Trực nhấn mạnh: "Ra mắt trên Internet ngày 26/2/2001, VnExpress là báo mạng hoàn toàn, không có bản in giấy, có thể đưa tin ngay lập tức, trực tiếp lên trên phạm vi trong nước cũng như quốc tế. Điều này có tác dụng rất mạnh, tạo điều kiện cho Việt Nam gắn bó với thế giới, người Việt Nam ở nước ngoài cũng phấn khởi vì đọc được thông tin rất nhanh, nắm được tình hình trong nước".
Năm 2002, VnExpress được báo giới Việt Nam bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, "do đã thực sự là một biểu tượng cho sự phát triển nội dung Internet ở Việt Nam".
Sau một thập kỷ phụng sự độc giả, VnExpress không chỉ phát triển về chất lượng, mà quy mô cũng mở rộng với nhiều trang ngách, như Ngôi sao, Số Hoá, iOne... Nhu cầu phát triển ngày càng lớn buộc đội công nghệ phải đối mặt với một hệ thống bắt đầu phình to, nặng nề. Việc phát triển các tính năng mới trở nên phức tạp hơn với nền tảng công nghệ lúc bấy giờ.
Một ngày đầu tháng 5/2012, Thái Xuân Lãm, kỹ sư phụ trách kiến trúc, framework của toàn bộ VnExpress, nhận được email thông báo về việc chuyển đổi kiến trúc của toà soạn. Gắn bó với công ty từ năm 2009, Lãm hiểu đây sẽ là "cuộc di cư số" lịch sử của VnExpress.
"Nền tảng ActiveX Object dùng để xây dựng CMS ban đầu có hạn chế lớn là chỉ chạy được trên Internet Explorer. VnExpress phải là một tòa soạn hội tụ chứ không triển khai độc lập các CMS, tốn nguồn lực để phát triển sau này", Thái Xuân Lãm nói.
Với Lãm và đội kỹ thuật của báo ở TP HCM và Hà Nội, lần chuyển dịch này vô cùng khó, vì sau 10 năm, VnExpress đã trở thành một hệ thống dữ liệu khổng lồ với nhiều liên kết phức tạp. Để chuyển sang nền tảng mới, bắt buộc phải thay đổi toàn bộ, từ xây dựng kiến trúc đến ngôn ngữ lập trình và cơ sở dữ liệu.
Trước khi bắt đầu chuyển đổi nền tảng, thách thức đặt ra với đội kỹ thuật của VnExpress là phải đảm bảo được lượng truy cập, các tác vụ trong CMS phải nhanh chóng xuất hiện trên báo để người dùng có thể xem và tương tác trực tiếp trên web. Nói cách khác, cuộc chuyển đổi lần này phải diễn ra một cách "lặng lẽ" nhất, để biên tập viên của báo không cảm thấy bị gián đoạn trong công tác sản xuất và độc giả không bị gián đoạn trải nghiệm.
"Khái niệm thời gian lúc này không còn tồn tại", người "kỹ sư trưởng" kể lại. "Đội kỹ thuật phải đảm bảo truy cập của độc giả mượt mà trong 24 tiếng, không một phút chậm trễ. Nhiều lúc đang trên đường đi làm, chưa đến cơ quan, nhưng hệ thống gặp trục trặc, tôi phải vào quán cà phê, mở laptop sửa lỗi cho nhanh", Lãm nhớ lại.
Quá trình chuyển đổi ròng rã một năm. Thời gian này Lãm và đồng đội phải làm việc cả ngày lẫn đêm. Đội kỹ thuật chia làm hai, một nhóm duy trì vận hành những nền tảng cũ, chờ chuyển đổi, một nhóm phát triển những tính năng mới. Cả hai phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo mọi hoạt động của phóng viên, biên tập viên và trải nghiệm của độc giả không bị bất kỳ ảnh hưởng nào.
Để chuyển đổi từ nền tảng cũ sang nền tảng mới, năm đó Thái Xuân Lãm phải từ TP HCM ra Hà Nội, mở code liên quan đến biên tập mặt trang từ những năm ông Trương Đình Anh phát triển ra để nghiên cứu lại. "Theo đánh giá của tôi, cách làm cũ quá khó và nguy hiểm. Chỉ cần một lỗi, toàn bộ trang sẽ bị treo. Tôi phải tự lên kịch bản cho phần sửa trang báo là chỉ có drag/drop, người không biết code cũng có thể sắp xếp, thay đổi được mặt trang", Lãm chia sẻ.
Lúc này, mục bình luận của độc giả trên VnExpress đã cho phép trả lời người đọc tương tác với nhau ngay trong bài viết. Khi đang chuyển đổi hệ thống, lượng bình luận đổ về quá nhiều, lúc nào cũng trong tình trạng thiếu tài nguyên đáp ứng. Đội ngũ kỹ thuật buộc phải tái cấu trúc một lần nữa cho phần bình luận. Họ phải làm việc hết công suất, đảm bảo mọi việc phải hoàn thành trong ba ngày. "Trước khi bắt tay vào dự án, toàn đội họp rất nhiều, lên kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn. Vì vậy, chỉ cần một mắt xích nhỏ bị trật là có thể kéo theo toàn bộ dự án bị sai tiến độ. Việc tái cấu trúc lần hai cho tính năng bình luận đã được tiến hành cấp tốc, đảm bảo nhanh và chính xác, không để bị ảnh hưởng đến giai đoạn sau", Thái Xuân Lãm nói.
Quy trình chuyển đổi diễn ra tuần tự từng ban, bắt đầu từ trang Thể thao, Số hoá, Giải trí, Gia đình rồi Kinh doanh. 3h sáng ngày 15/5/2013, văn phòng của nhóm kỹ thuật VnExpress ở cả hai miền vẫn sáng đèn. Những dòng lệnh cuối cùng được cả đội kiểm tra kỹ càng một lần nữa trước khi nhấn "Enter". Trang chủ VnExpress là sản phẩm sau cùng chuyển đổi thành công - cột mốc đánh dấu thời điểm hoàn thiện hệ thống CMS hội tụ, kết thúc cuộc chuyển đổi lớn đầu tiên trong lịch sử thành lập báo.
"Cuộc di cư số" đầu tiên không chỉ giải quyết bài toán về tòa soạn hội tụ, tính bản quyền trong các ứng dụng công nghệ, mà còn mở rộng hệ thống khi lượng truy cập của độc giả vào báo ngày càng cao. Tính ưu việt của công nghệ mới giúp nội dung trên trang được thể hiện dưới nhiều hình thức phong phú hơn, đặt nền móng cho các sản phẩm báo chí hiện đại sau này của VnExpress.
Năm 2014, ứng dụng di động nở rộ, "mobile first" trở thành xu hướng toàn cầu. VnExpress nhanh chóng ra mắt ứng dụng đọc báo trên iOS và Android. Không chỉ mang đến những trải nghiệm mới, ứng dụng còn cá nhân hóa trải nghiệm của người dùng. Tại mỗi bài viết, độc giả vừa xem video vừa đọc nội dung, điều chỉnh font chữ theo ý muốn hay vuốt sang trái - phải để đọc bài tiếp theo. Chức năng bình luận cũng được cải tiến để người đọc dễ theo dõi các bình luận hay và gửi ý kiến của mình đến tòa soạn.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, người quản lý kỹ thuật bộ phận nội dung số của VnExpress, việc chuẩn bị cho kỷ nguyên "mobile first" thực ra đã bắt đầu từ năm 2006 - 2007 - thời kỳ bùng nổ của các thiết bị cầm tay. Đội kỹ thuật của báo đã nghiên cứu về chuẩn WAP, giảm tối đa hình ảnh, background, giảm dung lượng để giúp độc giả truy cập trên các thiết bị cầm tay với tên miền m.vnexpress.net mượt mà nhất có thể.
Trước sự bùng nổ về dịch vụ tiện ích trên Internet, mạng truyền thông cần khả năng linh hoạt cao, tốc độ truyền dẫn lớn, băng thông rộng, đa dịch vụ để đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin của xã hội. Trong bối cảnh đó, vấn đề lớn nhất mà thế giới phải đối mặt là sự cạn kiệt không gian địa chỉ IPv4. Giao thức IPv6 ra đời như một giải pháp công nghệ để duy trì hoạt động Internet ổn định lâu dài trong tương lai. IPv6 không những giải quyết được vấn đề cạn kiệt địa chỉ mà còn khắc phục được hạn chế của giao thức IPv4, cũng như cung cấp thêm những thuộc tính khác.
Sớm nhìn thấy những hạn chế của IPv4, từ năm 2009, VnExpress đã nghiên cứu công nghệ và xin cấp phát địa chỉ IPv6 để chuẩn bị cho kế hoạch triển khai, bám sát lộ trình Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia - Trung tâm Internet Việt Nam - đưa ra.
"Ở giai đoạn chuẩn bị, nhằm đánh giá thực trạng và tính sẵn sàng để chuyển sang IPv6, rào cản đầu tiên của chúng tôi là trang bị kiến thức và đào tạo nhân lực. Vì thực tế, chưa có đơn vị nào triển khai, chưa có mô hình nào để VnExpress tham khảo", ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng Hạ tầng của báo lúc đó, chia sẻ.
Khó khăn tiếp theo là chi phí đầu tư, do một số thiết bị trên hệ thống đang chạy không hỗ trợ IPv6. Đồng thời, đội ngũ kỹ thuật cũng phải nâng cấp các công cụ hỗ trợ quản trị cần thiết để đáp ứng nhu cầu sử dụng cho hệ thống mới trên nền IPv6, song song với hệ thống cũ trên nền IPv4.
Tuy vậy, thách thức lớn nhất vẫn là đảm bảo hệ thống báo và dịch vụ luôn thông suốt. "Đặc thù của VnExpress là báo có lượng truy cập lớn ở Việt Nam và quốc tế, nên phương án triển khai phải đảm bảo không gây gián đoạn cho độc giả", ông Sơn nói. "Vì vậy, đội ngũ kỹ thuật đã xây dựng một hệ thống mới phục vụ riêng cho IPv6, thử nghiệm nội bộ sau đó mới mở rộng từng phần".
Khi đó, VnExpress là hệ thống báo có lượng truy cập đồng thời (CCU) rất lớn. Để đảm bảo sự ổn định với độ chịu tải cao, hệ thống đòi hỏi một kiến trúc khác biệt, được kết hợp từ sự tối ưu của nhiều giải pháp. Đội kỹ thuật luôn phải có các phương án dự phòng để đảm bảo không gián đoạn. Các hệ thống monitor tự động đã được ứng dụng để đảm bảo chỉ số SLAs, như Application Performance Monitoring (APM), sử dụng chatbot trong quản trị và xử lý sự cố hạ tầng, network...
Trong giai đoạn khởi động, từ năm 2013 đến 2015, VnExpress đã triển khai chạy thử nghiệm IPv6 trên một số sản phẩm nội bộ. Giai đoạn thực tế bắt đầu từ năm 2016 đến 2019 với việc chuyển đổi các trang web chính như VnExpress.net, Ngoisao.net...
Quá trình chuyển đổi hoàn tất từ cuối năm 2017, VnExpress trở thành đơn vị nội dung số đầu tiên chuyển đổi thành công IPv6, sớm hơn hai năm so với kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 cũng như kế hoạch ban đầu gửi Ban công tác thúc đẩy quốc gia.
Năm 2017, khi vừa hoàn tất chuyển đổi sang giao thức IPv6, đội kỹ thuật của VnExpress đã áp dụng thành công tính năng Recommendation (Có thể bạn quan tâm) trong hoạt động xuất bản, bước đầu ghi nhận tỷ lệ nhấp chuột (CTR) của độc giả đạt từ 15 đến 20%.
Trong nội bộ tòa soạn, việc tự động hóa sản xuất nội dung cũng bắt đầu được triển khai. Hệ thống CMS tự đề nghị chủ đề, tin liên quan sau khi biên tập viên hoàn thành bài viết. Những công nghệ mới trong lĩnh vực AI cũng đang được áp dụng trong VnExpress như Natural Language Processing (NLP), Machine Learning (ML), Vision, Speech (Speech To Text, Text To Speech).
AI và Big Data đang hỗ trợ đắc lực trong việc sản xuất tin bài của phóng viên, như đề xuất tin liên quan, lựa chọn tin bài. Hệ thống hỗ trợ tự động phân loại bình luận, ứng dụng NLP giúp giảm lượng comment tồn từ 40% xuống còn 5%, thời gian xử lý bình luận tăng 50% so với thao tác thủ công. Công cụ kiểm tra lỗi chính tả giúp giảm 70% thời gian soát lỗi cho biên tập. Hệ thống phân tích dữ liệu video của độc giả trên các nhà mạng (ISP) giúp phát hiện và xử lý lỗi nhanh và kịp thời. Giảm trung bình 80% thời gian xử lý lỗi về video.
Ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học Công nghệ đánh giá: "VnExpress đang ở trong thời đại phát triển vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển với tốc độ cực kỳ nhanh, cùng với đó, thói quen và hành vi của người sử dụng Internet và các thiết bị số ngày càng đa dạng, thông tin ngày càng đa chiều, mạng xã hội phát triển như vũ bão. Do đó, đội ngũ làm báo của VnExpress cần xây dựng hạ tầng công nghệ mạnh để có thể phù hợp với cách làm báo mới, tiếp nhận được các nguồn tin liên tục, đa dạng...".
PGS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội, chia sẻ: "Là độc giả và là nhà khoa học, quản lý giáo dục, tôi ấn tượng với cách đưa tin đa chiều của VnExpress. Còn dưới góc độ chuyên ngành công nghệ thông tin, tôi đánh giá cao báo luôn ứng dụng các kỹ thuật mới nhất và hiệu quả của công nghệ web và xử lý ngôn ngữ (tiếng Việt)".
Ngày càng nhiều bài viết trên VnExpress không đơn thuần truyền tải nội dung, thông điệp, mà còn gợi mở các giác quan của độc giả bằng cách kể chuyện theo lối tương tác, với sự kết hợp của nhiều loại hình công nghệ mới. Mục đích cuối cùng là để phụng sự bạn đọc ngày một tốt hơn, tiến đến xây dựng một nền tảng báo chí điện tử hiện đại theo xu hướng thế giới.
"Vì là 'người tiên phong', VnExpress có những khó khăn riêng. Khó khăn không chỉ về công nghệ, tư duy quản lý, mà còn khó khăn ở cả cơ chế pháp luật để hình thành tờ báo mạng độc lập. Dù vậy, VnExpress đã rất kiên cường, kiên nhẫn, nhiều khi cũng 'rất có gan' để phát triển được như hôm nay. Sự tiên phong đó đã tạo bước ngoặt để ngày nay chúng ta có hàng chục, thậm chí hàng trăm tờ báo xuất bản trên nền tảng internet chính thức không cần phải dựa trên báo giấy. 20 năm, VnExpress đã có những bước đi rất dài, đóng góp vào việc hội nhập quốc tế của Việt Nam", ông Mai Liêm Trực nhận định.
Nội dung bài viết nằm trong các chia sẻ của VnExpress nhân dịp Kỷ niệm 20 năm ngày VnExpress lần đầu xuất hiện trên Internet. Tiêu đề do ONECMS Blog đặt lại.