onecms - blog

Hướng dẫn đặt tiêu đề hay trên báo điện tử

(ONECMS) - Tít bài báo có thể phản ánh đầy đủ nội dung của bài, trong một số trường hợp có tác dụng nâng bài lên một tầm cao hơn. Nhưng cũng không ít trường hợp tít làm giảm giá trị bài viết. Vì thế người làm báo điện tử cần nắm vững cách đặt tít hay

M.O.D | 18/04/2019 18:56
Hướng dẫn đặt tiêu đề hay trên báo điện tử

Đặt đầu đề cho bài báo là việc làm có tính chất quyết định số phận của bài báo. Bài báo rất hay nhưng đầu đề dở thì có thể làm mất ít nhất một nửa số độc giả.

Theo một kết quả điều tra xã hội học thì những nhà báo được hỏi cho rằng chỉ có khoảng 30% tít đặt hay. Đồng thời họ cũng cho rằng đặt tít hay không phải là khâu đơn giản, mặc dù cố gắng nhưng chưa chắc đã có kết quả tốt.

100% những nhà báo được hỏi đều công nhận luôn có hứng thú đọc những bài báo có tít hấp dẫn, có 18% số người được hỏi nói họ không thường xuyên cố gắng đặt tít hấp dẫn. Cũng theo kết quả này thì có tới 80% số người thích tít báo hấp dẫn về phương diện nội dung và 20% thích tít báo được trình bày hấp dẫn.

Về thao tác đặt tít thì có 35,4% lo khái quát nội dung bài, 29,16% muốn "mạ" cho tít hấp dẫn, 27,08% thích hể hiện phong cách cá nhân độc nhân độc đáo và chỉ có 8,3% chú tâm tìm ngôn từ cho tít.

Chức năng và cấu trúc của tít báo

Xét về mặt thuật ngữ thì tít báo còn được gọi là nhan đề, đầu đề, tiêu đề... nhưng thuật ngữ tít dược sử dụng rộng rãi bởi đây vừa là thuật ngữ báo chí vừa là một từ nghề nghiệp.

Ngoài ra, thuật ngữ này còn có khả năng phái sinh cao, nói cách khác nó tiện lợi cho việc gọi tên các thao tác xử lý tít.

Nếu nhìn từ góc độ makét báo, có nhiều cách gọi tít như sau: tít đầu trang, tít đầu trang cố định, tít đầu trang biến động, tít chính, tít phụ, tít phụ trên, tít phụ dưới, tít lớn, tít nhỏ...

Nếu xét về phương diện thể loại của bài báo, có tít tin, tít phóng sự, tít tiểu phẩm, tít ký, tít bài bình luận...

Mỗi loại tít như thế có đặc điểm, tính chất và đặc trưng riêng. Chính cái riêng ấy có tác dụng hai mặt: một mặt nó giúp độc giả nhận diện ngay được nội dung, chủ đề mà bài báo thể hiện. Mặt khác, nó chế định và đòi hỏi sự trình bày theo những cỡ chữ, kiểu chữ và tông màu nhất định.

b1-huong-dan-dat-tit-hay-cho-bai-bao-dien-tu-cach-dat-tit-hay-tren-bao-mang-cach-viet-tit-bao-hay.jpg

Những đặc điểm nổi bật của tít báo

Thứ nhất, số lượng tít báo là rất lớn. Mỗi trang báo có thể có đến hàng chục tít và một số báo bốn trang với mỗi ngày một số... thì con số đó là hoàn toàn dễ hiểu.

Thứ hai, chính vì số lượng tít báo lớn như vậy nên ngoại trừ những tít rất đặc biệt, rất hấp dẫn, khó có thể được độc giả lưu nhớ và nhắc lại. Khi đã không nhớ được tít họ cũng khó có thể nhớ được tên bài.

Thứ ba, đời sống của tít báo rất ngắn ngủi, xét vào mặt nào đó, nó chỉ "sống" trong  khoảng thời gian giữa hai kì báo ra.

Thứ tư, tít báo đòi hỏi một sự hấp dẫn cao, có khả năng níu mắt người đọc với tác phẩm báo chí đó.

Chức năng của tít

Nói đến chức năng của tít báo thì chức năng đầu tiên được Lôic Écvue khẳng định đó là phải "bắt mắt" độc giả.

Chức năng thứ hai là phải có khả năng phân biệt bài nào hơn bài nào. Nó thể hiện sự lựa chọn của ban biên tập. Do vậy mà đọc toàn bộ các đầu đề trong một tờ báo, độc giả sẽ biết hôm nay có gì mới và thông tin nào quan trọng hơn.

Tiếp theo là đầu đề phải nêu được chủ đề, nếu có thể được thì nêu cả góc độ của bài báo nữa. Đầu đề phải nhấn mạnh có gì mới, có gì hay để độc giả có thể lựa chọn ngay khi xem lướt qua tờ báo.

Tít báo là một bộ phận hữu cơ của tác phẩm báo chí, cho nên nó cũng có những chức năng chung của tác phẩm báo chí. Nhưng do chỗ tít là phần tồn tại tương đối độc lập với bài nên có những chức năng riêng, đặc thù, chức năng định danh thông tin.

Do vậy, để thực hiện được chức năng này tít phải thoả mãn được hai yêu cầu:

- Tít phải khái quát được nội dung của cả bài báo trong một cấu trúc ngôn ngữ định danh xác định, chuẩn mực, ngắn gọn và có thể có sức biểu cảm.

- Tít phải đuợc trình bày hấp dẫn.

Về tính chất của tít

- Đầu đề phải rõ ràng, dễ hiểu, nghĩa là làm thế nào để độc giả có thể hiểu ngay lập tức. Tránh các từ trừu tượng, từ viết tắt, từ chuyên môn hay từ gây hiểu lầm.

- Đầu đề phải ngắn gọn, năng động, nghĩa là phải viết trực tiếp, loại bỏ các yếu tố thừa, yếu tố lặp.

- Đầu đề phải chính xác và chứa thông tin, không quá mơ hồ, chung chung.

- Đầu đề phải thích đáng, phải nêu được thông tin độc đáo và nhất thiết phải phù hợp với nội dung bài báo.

Dạng tít và cấu trúc của tít

Về dạng tít, có ba loại chính:

- Đầu đề thông báo: Loại đầu đề này tóm tắt toàn bộ bài báo để cung cấp thông tin chính cho độc giả.

- Đầu đề kích thích: Loại đầu đề này phản ánh cái thần của bài báo hơn là nội dung bài báo. Nó chỉ chứa một vài yếu tố liên quan đến chủ đề của bài báo, làm cho độc giả tò mò, muốn đọc ngay lập tức.

- Đầu đề hỗn hợp: Loại đầu đề này thường được dùng nhất, hòa hợp của hai loại trên, nên vừa cung cấp thông tin vừa gợi ý tò mò.

Cấu trúc tít có thể là một từ, một ngữ, một câu, một kết cấu cố định, thậm chí một kết cấu đặc biệt:

- Tít báo có cấu trúc một từ ít được ưa dùng chỉ chiếm 1,6%.

- Tít có cấu trúc một ngữ là loại phổ biến nhất chiếm khoảng 54,94%. Trong số ba kiểu ngữ chính của tiếng Việt là danh ngữ, động ngữ, và tính ngữ, thì danh ngữ là thích hợp hơn cả đối với cấu trúc của tít báo chiếm 41,02%.

- Tít có cấu trúc là một câu có tỉ lệ khá cao là 31,35% nhưng không phải cấu trúc đắc dụng cho tít do khả năng định dạng của nó rất kém.

- Tít báo có cấu trúc là một kết cấu cố định tuy không phổ biến (chỉ chiếm 1,18%) nhưng rất hiệu quả trong trường hợp cần định danh sắc thái biểu cảm.

b2-huong-dan-dat-tit-hay-cho-bai-bao-dien-tu-cach-dat-tit-hay-tren-bao-mang-cach-viet-tit-bao-hay.jpg

Những loại tít thường gặp

Ở Việt Nam có tới  606 ấn phẩm báo chí với một số lượng khổng lồ các tít báo được sinh thành hằng ngày. Nhưng có thể tổng hợp lại thành một số loại thường thấy sau:

1. Dùng con số để nhấn mạnh.

2. Dùng cấu trúc bỏ lửng mà dấu lửng hiện diện ở giữa tít.

3. Đặt ra những câu hỏi.

4. Dùng các đơn vị của ngôn ngữ dân gian như thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca...

5. Dựa theo tên các tác phẩm văn học, điện ảnh, tên ca khúc nổi tiếng.

6. Dập lại những mẫu cấu trúc tít có sẵn hoặc cấu trúc tít vốn là những chệch chuẩn đã từng nổi tiếng trong làng báo.

7. Tạo ra những cấu trúc mới lạ, bất thường cho tít.

8. Dùng biện pháp tu từ (so sánh, ẩn dụ...)

9. Dùng những từ ngữ đang hoặc vẫn là điều bí ẩn dối với đa số  độc giả.

10. Tạo ra một mệnh đề có vẻ ngược đời làm cho độc giả không thể không tìm hiểu.

11. Đưa tên riêng lên đầu tít, dành phần còn lại của tít khái quát về đặc điểm, tính chất... của tên riêng đó.

Những loại tít mắc lỗi

Tít là bộ phận tương đối độc lập của bài, nhưng nó có mối quan hệ chặt chẽ với bài. Tít phản ánh đầy đủ nội dung của bài, thậm chí trong một số trường hợp nó có tác dụng nâng bài lên một tầm cao hơn.

Nhưng không ít trường hợp nó làm hại đến bài. Các loại tít đó là: tít mơ hồ, tít phạm lỗi logic, tít dùng từ, đặt câu sai, tít có những thành tố không có căn cứ, tít thiếu đặc trưng.

1. Tít mơ hồ:

Là hiện tượng mà với một cấu trúc ngôn ngữ có thể hiểu theo hai hoặc hơn hai cách. Đây là một lỗi chứ không thể được coi là dụng ý nghệ thuật, bởi nó tạo ra 2-3 cách hiểu một bài báo mà sự thực bài đó chỉ có một nội dung.

- Tít đặt thiếu từ chỉ quan hệ giữa các thành tố của nó. Đây  
là nguyên nhân chủ yếu, chiếm 50% số tít mơ hồ.

- Tít có cấu trúc không thể hiện rõ được ý nghĩa quan hệ giữa các thành tố

- Tít do xuất hiện từ đồng âm.

2. Tít sai so với bài:

Đây là loại tít mà:

- Hoặc là to hơn bài (tít đưa vấn đề rộng, nhưng bài chỉ đề cập đến một phần của vấn đề).

- Hoặc là nhỏ hơn bài (tít không khái quát được hết nội dung của bài).

- Hoặc là không ăn nhập gì với bài.

- Hoặc là có những chi tiết không đúng với bài.

Ở dạng thứ nhất, có thể do tác giả đặt tít trước khi viết bài, hoặc đặt tít để "câu khách".

Ở dạng thứ hai, nguyên nhân chính là do khả năng khái quát hoá của tác giả không tốt, hoặc do chính những vấn đề của bài báo quá vụn vặt.

3. Tít có độ dài quá lớn:

Mặc dù chưa có tiêu chuẩn nào cho độ dài của tít, nhưng thường những tít dài hơn 30 tiếng thường vượt qua ngưỡng của độc giả có trình độ văn hóa trung bình do họ không thể nhớ rõ ràng phần đầu tít khi đọc đến cuối tít.

4. Tít thiếu căn cứ để hiểu:

Thực ra đây không phải là loại tít  mắc lỗi nhưng do nó có những yếu tố không có căn cứ để so sánh nên thông tin định lượng ở tít rất ít hiệu quả.

5. Tít đặt theo mẫu có sẵn:

Đây là tít có cấu trúc hết sức công thức.

*Nguồn: Bài viết trên được VTV News dẫn lại trên daotao.vtv.vn, lấy nguồn từ nghebao.vn. Các tiêu đề và lời dẫn do nhóm biên tập Blog ONECMS đặt.

*Lưu ý: Bài viết trên là những hướng dẫn cơ bản về cách đặt tít cho bất kỳ nền tảng báo chí nào. Người viết báo điện từ cần nắm vững những kiến thức đó, đồng thời có thể áp dụng một số nguyên tắc thích ứng với công cụ tìm kiếm như hướng dẫn ở đây.

Đọc tiếp

Tầm quan trọng của nội dung trong thời đại báo điện tử

(ONECMS) - Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Báo Đời sống & Pháp luật và Người Đưa Tin vừa có bài trả lời phỏng vấn rất đáng suy ngẫm trên tờ Nhà báo & Công luận số Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 về vai trò cốt lõi không thể thay thế của nội dung trong làm báo điện tử dù công nghệ đang ngày một phát triển.
Từ khóa phổ biến
Cách tốt nhất để xem chúng tôi có phù hợp với nhu cầu của bạn không là...
Liên hệ tư vấn
(Hoàn toàn miễn phí)
SẢN PHẨM VỚI TẤT CẢ NIỀM ĐAM MÊ CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ NEKO
  • Địa chỉ: Tầng 2, Tòa B, Chung cư Xuân Phương Residence, Đường Trịnh Văn Bô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Điện thoại: 024.2324.8989 - Email: info@neko.vn
  • DMCA.com Protection Status