Blog

Infographic - Đồ họa thông tin

B.M18/10/2022 10:47

Đồ họa thông tin là gì? Hướng dẫn cách làm infographic đơn giản, chuyên nghiệp bằng các công cụ làm infographic miễn phí.

infographic-1-.png

Đồ họa thông tin là gì?

Đồ họa thông tin (tiếng Anh: infographic, là từ ghép của Information graphic), là sự kết hợp thông tin ngắn gọn với hình ảnh minh họa và màu sắc sinh động, bắt mắt để có thể truyền đạt thông tin nhanh và rõ ràng hơn.

Đồ họa thông tin còn được hiểu là dạng "thiết kế đồ họa thông tin" để trình bày thông tin, dữ liệu hoặc kiến thức phức tạp một cách nhanh và rõ ràng, hình ảnh hóa các thông tin, dữ liệu phức tạp thông qua sự kết hợp và lồng ghép các yếu tố như biểu tượng, kí hiệu, bản đồ… để từ đó có thể thấy được xu hướng và đặc điểm của thông tin được nói đến.

Thiết kế đồ họa thông tin thường bị giới hạn ở phần chữ viết nên đồ họa thông tin tập trung diễn đạt các thông tin cần nói bằng hình ảnh nhiều hơn. Với thông tin dạng đồ họa, các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực khoa học, toán học hay các lĩnh vực phức tạp khó truyền đạt thông tin như nghiên cứu thị trường, xây dựng, y tế sẽ dễ dàng diễn giải các số liệu, tài liệu chuyên ngành của mình một cách ngắn gọn và dễ hiểu.

Các dạng đồ họa thông tin

Giải thích vấn đề/khái niệm

Dạng này giúp đơn giản hóa các khái niệm phức tạp, thể hiện các ví dụ trực quan, tinh gọn hơn và được sử dụng khi các cơ quan báo chí muốn trình bày ý tưởng nội dung đến độc giả.

Dạng này hỗ trợ báo chí trong nhiều trường hợp các định nghĩa quá phức tạp, khó nhớ, khó liên tưởng bằng hình ảnh và bắt mắt. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí có thể dùng hình thức này để truyền đạt tầm nhìn, nhiệm vụ trong từng giai đoạn theo một cách sáng tạo và gần gũi.

Trình bày quy trình

Dạng quy trình có ích trong việc đơn giản hóa các bước trong một quy trình. Nội dung dạng này thường ngắn gọn, tập trung phát triển các bước và nội dung chính thông qua những từ khóa ngắn gọn, giúp cơ quan báo chí diễn giải các quy trình đến với độc giả một cách trực quan, có hệ thống.

Giải thích tiến trình

Khác với mục tiêu thể hiện nội dung về quy trình, đồ họa thông tin thể hiện tiến trình khi có nhiều đối tượng nội dung hơn.

Ví dụ: Tiến hình mua của khách hàng, nhiều hành trình mua tương ứng với trường hợp và nhóm khách hàng.

So sánh đối tượng

Đây là dạng phổ biến để cơ quan báo chí sử dụng khi so sánh về các đặc tính nổi trội của sản phẩm, loại hình dịch vụ của các công ty và đối thủ cạnh tranh. Một bài phân tích hoặc báo cáo chuyên sâu thường đường đính kèm để giải thích và minh chứng cho nội dung được diễn giải trên đồ họa thông tin.

Tóm tắt báo cáo

Dạng đồ họa thông tin báo cáo cho độc giả thông tin cốt lõi nhất kèm số liệu cụ thể được chọn lọc. Tóm tắt báo cáo thường sẽ được gửi đính kèm với bản giải thích báo cáo chi tiết.

Sơ đồ tư duy

Dạng sơ đồ tư duy hỗ trợ việc thể hiện ý tưởng khi nội dung có cấu trúc phức tạp. Nhiều ý chính và phụ được thể hiện trên nhiều nhánh lớn và nhỏ. Bên cạnh đó, dạng sơ đồ tư duy còn được sử dụng với mục đích làm nổi bật ý chính, tầm quan trọng của vật thể chính.

Trình bày kế hoạch

Những ưu điểm của dạng trình bày đồ họa thông tin cho nội dung về kế hoạch là thể hiện rõ ý tưởng, mục tiêu kinh doanh để doanh nghiệp tham chiếu; thể hiện logic lộ trình thực hiện (mốc thời gian, đội ngũ nhân sự, chi phí); thể hiện kỳ vọng tăng trưởng và đánh giá tình hình.

Thống kê số liệu

Dạng này được sử dụng nhiều khi bài viết có nhiều số liệu. Thống kê số liệu có ưu điểm như hình thức dễ thể hiện bảng biểu; mô phỏng quy mô, mức độ tác động của số liệu; mô tả kèm hình ảnh cô đọng, sinh động.

Trình bày đặc trưng địa lý

Đồ họa thông tin được sử dụng sử dụng các cách mô tả như hiệu ứng chuyển màu, đường nét đứt mô tả, tông màu phân biệt để thay thế mô tả nhân khẩu, vị trí và tận dụng hình ảnh bản đồ.

Khi sử dụng bản đồ Việt Nam, các cơ quan báo chí lưu ý sử dụng bản đồ chuẩn chủ quyền của Việt Nam.

Ưu điểm của dạng này gồm tùy chỉnh thiết kế theo từng khu vực; thể hiện nhiều dạng nội dung (mật độ dân số, mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, hoạt động kinh doanh, khung thuế,...); tham chiếu, so sánh các đối tượng cùng một thời điểm.

Lợi ích của đồ họa thông tin

1. Thông tin trở nên hấp dẫn và dễ nhớ hơn.

2. Trình bày những số liệu quan trọng một cách súc tích.

3. Dễ hiểu.

4. Thu hút sự chú ý và không gây nhàm chán.

5. Dễ tiếp cận.

6. Tạo sự thích thú và thuyết phục hơn.

7. Thông tin truyền đạt rõ ràng.

Cách làm infographic đúng chuẩn báo chí

Với bản tin đồ họa, thông tin trở nên hấp dẫn hơn, thu hút sự chú ý của độc giả nhiều hơn, vì cách diễn đạt ngắn gọn, trực quan sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ. Đối với các thông tin chuyên ngành có liên quan đến số liệu, hình ảnh, biểu đồ so sánh… thì việc thể hiện đồ họa thông tin sẽ giúp phát huy hiệu quả tối ưu nhất.

Để thiết kế bản tin đồ họa đòi hỏi người thiết kế phải biết sử dụng kết hợp thuần thục nhiều phần mềm khác nhau và khả năng cảm thụ mỹ thuật. Do đó, người thiết kế đồ họa thông tin phải có một kiến thức tin học nhất định, am hiểu lĩnh vực thông tin báo chí, có khả năng thẩm mỹ nhanh nhạy và tư duy logic. Trong bài viết này, chúng ta khoan bàn về kỹ thuật thiết kế mà cùng nhau tìm hiểu về các bước để viết một bản tin đồ họa hấp dẫn.

1. Tiêu đề ngắn gọn và linh hoạt

Giống như một bản tin hay một bài báo, tiêu đề một Infographic cần phải ngắn gọn, linh hoạt và có liên quan đến nội dung đồ họa thông tin của bạn. Bạn có thể đã thấy nhiều Infographic hoạt động như một danh sách liệt kê, vì vậy chúng thường có tiêu đề như: "6 loại thức ăn tốt cho bà bầu", "10 mẹo thông dụng giúp máy tính của bạn chạy mượt và nhanh hơn", “20 món ăn đường phố nổi tiếng ở Hàn Quốc”… Những con số thường được sử dụng để thu hút sự quan tâm của độc giả và người đọc có thể thấy chính xác bạn đang cung cấp bao nhiêu nội dung trong bản tin Infographic.

Bạn cũng có thể sử dụng những tính từ, động từ hấp dẫn để thu hút sự chú ý của người đọc. Một lưu ý nữa, dù hình ảnh minh họa thông tin của bạn có như thế nào, bạn cũng nên sử dụng “từ khóa” tiêu biểu trong dòng tiêu đề. Điều này giúp cho việc tìm kiếm trực tuyến trên mạng trở nên dễ dàng hơn và đảm bảo rằng dòng tiêu đề của bạn có liên quan đến việc bạn sắp thông tin cho người đọc. Hãy nhớ rằng, nếu tiêu đề không hấp dẫn và không liên quan đến nội dung của bài viết, thì người đọc không mấy mặn mà và hứng thú để nhấp chuột xem bức tranh thông tin đồ họa của bạn.

2. Cấu trúc đồ họa thông tin

Mọi thông tin đồ họa bạn muốn truyền tải cần một cấu trúc mạnh mẽ, được suy nghĩ cẩn thận, công phu và logic. Điều này sẽ giúp người đọc theo dõi dòng chảy suy nghĩ và cách thể hiện tư duy trực quan sinh động của bạn. Bố cục của một tác phẩm Infographic phải có phần giới thiệu mở đầu, nội dung vấn đề thông tin và kết thúc.

Một bản tin đồ họa thường có các thành phần sau:

- Tiêu đề: Nên ngắn gọn và hấp dẫn, như đã giải thích ở trên.
- Phần giới thiệu (mở đầu):
Tóm lược và giới thiệu khái quát chủ đề, nội dung thông tin đồ họa của bạn.
- Phân nhóm/tuyến:
Xác định các nhóm/tuyến nội dung hay tiểu chủ đề nhỏ khác nhau phục vụ cho tiêu đề chính, giúp người đọc đi từ chủ đề này sang chủ đề khác một cách từ từ, dễ hiểu, dễ nhớ và không bị choáng ngợp bởi một khối lượng thông tin khổng lồ không được phân luồng rõ ràng.

- Nhãn biểu đồ và biểu đồ: Các biểu đồ minh họa đi kèm nội dung nhằm giải thích trực quan những gì đang được hiển thị, đang được trình diễn thông tin. Và nhãn biểu đồ chỉ nên ngắn gọn, với một vài từ cô đọng, súc tích.

- Nguồn và chú thích: Nếu bạn sử dụng các nguồn khác, bạn nên xin phép cá nhân, tổ chức sở hữu bản quyền và chú thích rõ ràng về bản quyền và tác giả để tránh vi phạm bản quyền.

3. Đừng quên xây dựng thương hiệu

Sau khi xuất bản, bản tin đồ họa của bạn có thể được một tổ chức, cá nhân nào đó sao chép, chia sẻ trên một trang blog/web, facebook, trang thông tin điện tử tổng hợp, diễn đàn… Và người đọc gián tiếp (không đọc trực tiếp trên trang xuất bản đầu tiên) sẽ không thể biết bản tin này thuộc nguồn chính thức của một cơ quan, tổ chức nào.

Để tránh điều này, hãy đảm bảo thương hiệu của bạn bao gồm tên, logo hoặc siêu liên kết (bấm vào để quay trở lại trang xuất bản đầu tiên). Điều này cũng góp phần tăng sự tin cậy cho người đọc về những thông tin truyền tải trên infographic và xây dựng thương hiệu cho cơ quan, tổ chức sản xuất ra nó.

4. Đừng quá tải bằng văn bản tràn lan

Đồ họa thông tin chính là một tác phẩm, một bản tin truyền tải thông điệp, chủ đề nội dung theo hướng trực quan, sinh động. Đó cũng chính là quy tắc “sống còn” của một Infographic đẳng cấp và chuyên nghiệp, đồng nghĩa không thể có nhiều văn bản hơn hình ảnh.

Nếu có quá nhiều văn bản trong một đồ họa thông tin, sẽ khiến người đọc cảm thấy nhàm chán và mỏi mắt trong khi đọc. Bạn nên có sự định lượng cân bằng, hài hòa giữa văn bản và hình ảnh, rút ra những gạch đầu dòng cốt lõi nhất trong một rừng văn bản chi tiết để đưa vào đồ họa thông tin.

5. Viết phần giới thiệu thật tốt

Trước khi người đọc truy cập vào đồ họa thông tin của bạn, họ thường đọc phần giới thiệu. Phần này càng ngắn càng tốt, nhiều nhất cũng chỉ trăm từ trở lại để giải thích cho người đọc về những gì nội dung đồ họa của bạn sắp truyền tải. Phần giới thiệu cung cấp bối cảnh, thông tin chính yếu và thông báo cho người đọc về những gì sắp xảy ra tiếp theo. Khi viết lời giới thiệu, hãy chọn những từ đắt giá và sắp xếp, diễn đạt theo một văn phong súc tích, hấp dẫn.

6. Dùng hình ảnh để tường thuật, giải thích

Khi nói đến đồ họa thông tin, về cơ bản, bạn đang khai thác lợi ích tối đa của hình ảnh, biểu đồ thay cho cách diễn đạt toàn là văn bản thuần túy.

Người sáng tạo thuyết trình kinh doanh Fiona Davies nói: “Văn bản của bạn không có mặt ở đó để giới thiệu bất kỳ điều gì mới mẻ cho hình ảnh, hoặc mang đến những ý tưởng mới. Nó chỉ đơn giản là giải thích hình ảnh mà người đọc đang nhìn thấy”.

Điều này có nghĩa là “Infographic chính là bản sao của văn bản được diễn đạt bằng hình ảnh, biểu đồ”, bạn đang truyền tải nội dung văn bản bằng những tín hiệu hình ảnh đã có sẵn.

Nhìn vào những gì được cung cấp và giải thích trên đồ họa thông tin, người đọc có một sự hiểu biết đầy đủ về những gì đang được hiển thị cho họ thấy. Đây chính là yếu tố sống còn của Infographic. Tuy nhiên, không có nghĩa Infographic toàn là hình ảnh, biểu đồ và một vài dòng thông tin giải thích vắn tắt, như vậy rất khô khan, hời hợt. Infographic cần có sự bài trí hài hòa, sắp xếp hợp lý, logic giữa văn bản với hình ảnh, biểu đồ minh họa; không có khái niệm “văn bản tràn lan” mà cần phải ngắn gọn, tinh gọn và linh hoạt. Nếu cần thiết, bạn nên viết một vài lần nội dung định trình bày và cắt giảm những gì bạn muốn nó được phô diễn, cho đến khi ngắn nhất có thể.

7. Đọc lại mọi thứ bạn viết và thiết kế

Bạn chỉ viết văn bản với dung lượng tối thiểu khi tạo đồ họa thông tin của mình, nhưng mọi thứ bạn viết ra đều phải được đọc đi đọc lại kĩ lưỡng nhiều lần nhằm rà soát câu cú, cách hành văn, chính tả, lỗi sơ suất trong đánh máy và trong thiết kế trên phần mềm… Bạn tốn hàng giờ để viết nội dung và trình bày ý tưởng trên phần mềm thiết kế, nhưng chỉ một lỗi nhỏ về chính tả sau khi đã xuất bản, coi như mọi công sức đã đổ sông đổ bể. Bạn đọc sẽ ngầm hiểu đó là một infographic lỗi, không chuyên nghiệp và thiếu độ tin cậy về mặt kiểm duyệt nội dung của cơ quan, tổ chức xuất bản nó.

6 công cụ tạo infographic miễn phí, tốt nhất, dễ sử dụng

thiet_ke_infographic_bang_canva.png

1. Canva: Tạo infographic online miễn phí

Canva là trang web tạo infographic online miễn phí tích hợp các công cụ thiết kế đồ họa cùng rất nhiều tính năng thông dụng hữu ích. Với công cụ làm infographic miễn phí của Canva, bạn không cần phải vật lộn với phần mềm thiết kế phức tạp. Chỉ cần chọn một mẫu infographic, thêm thông tin của bạn và bạn sẽ có một infographic tùy chỉnh tuyệt đẹp.

Ưu điểm:

- Giao diện trang web thân thiện, dễ dàng sử dụng.
- Tích hợp nhiều mẫu infographic trong thư viện.
- Tìm kiếm mẫu dễ dàng theo chủ đề, màu sắc, phong cách,...
- Thay đổi văn bản, màu sắc, phông chữ và hình nền chỉ với một vài cú nhấp chuột.
- Chia sẻ các mẫu thiết kế lên các trang mạng xã hội dễ dàng.

Địa chỉ: https://www.canva.com/

google_sheet.png

2. Google Sheets: Tự động gợi ý loại biểu đồ dựa trên dữ liệu

Google Sheets là một công cụ tạo biểu đồ rất mạnh mẽ, dễ sử dụng và miễn phí.

Ưu điểm:

- Tự động gợi ý loại biểu đồ phù hợp với dữ liệu 
- Tích hợp nhiều mẫu biểu đồ sẵn có để bạn lựa chọn.
- Phân loại mẫu biểu đồ rõ ràng theo nhu cầu, mục đích người dùng.
- Giao diện khá trực quan và dễ sử dụng.
- Thay đổi màu sắc cho biểu đồ đơn giản.

Địa chỉ: https://www.google.com/sheets/...

easselly.png

3. Easel.ly: Công cụ tạo infographic online miễn phí

Easel.ly là công cụ tạo mẫu infographic với hơn 12 mẫu miễn phí cho bạn lựa chọn, bạn có thể tùy biến màu sắc, phông chữ, kiễu dáng và kích thước. Ngoài ra công cụ này cũng cho phép bạn tải lên hình ảnh và tùy chỉnh để tạo nên một tạo infographic đậm tính cá nhân cho mình.

Ưu điểm:

- Tạo báo cáo mang phong cách cá nhân.
- Thêm độ phong phú cho bài thuyết trình của bạn.
- Dễ dàng thu hút nhiều người hơn để chia sẻ nội dung.
- Giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm của bạn.
- Làm cho một bản sơ yếu lý lịch mà các nhà quản lý tuyển dụng không thể bỏ qua.

Địa chỉ: https://www.easel.ly/

piktochart.png

4. Piktochart: Công cụ tạo infographic online đơn giản

Piktochart là công cụ tạo infographic online đơn giản cung cấp nhiều tùy chọn như điều chỉnh màu và font, chèn ảnh hay tự tải ảnh lên để bạn có thể tạo infographic hấp dẫn chỉ với một vài cú nhấp chuột. Bạn có thể lựa chọn màu cho các chủ đề và phông chữ cũng như chèn các hình ảnh có sẵn hoặc tải lên các hình ảnh nền cho riêng mình.

Ưu điểm:

- Cung cấp nhiều tùy chọn như điều chỉnh màu và font, chèn ảnh hay tự tải ảnh lên.
- Dễ dàng tạo một bài thuyết trình chuyên nghiệp, bài bán hàng hoặc bài thuyết trình kinh doanh.
- Giúp cho người quản lý và mọi người trong nhóm có báo cáo sâu sắc, rõ ràng.
- Tạo được nhiều mẫu bìa mang đậm phong cách cá nhân.

Nhược điểm:

- Tài khoản miễn phí có nhiều hạn chế.

Địa chỉ: https://piktochart.com/

infogram.png

5. Infogr.am: Phần mềm tạo infographic online

Infogr.am là phần mềm tạo infographic online cung cấp một loạt các đồ thị, biểu đồ và bản đồ cho người dùng lựa chọn theo từng nhu cầu, mục đích sử dụng. Ngoài ra, phần mềm cũng cho phép người dùng tải lên hình ảnh và video để tạo những infographic theo phong cách riêng.

Ưu điểm:

- Dễ dàng tải lên hình ảnh và video để tạo những infographic theo phong cách riêng.
- Dễ dàng tạo poster truyền đạt thông tin hiệu quả.
- Tạo bài thuyết trình chuyên nghiệp.
- Cộng tác với nhóm làm việc hiệu quả trong thời gian thực.
- Dễ dàng tạo nhiều loại biểu đồ khác nhau

Địa chỉ: https://infogram.com/

flourish.png

6. Flourish - Trực quan hóa dữ liệu & Kể chuyện

Flourish cho phép mọi người kể những câu chuyện bằng dữ liệu. Ra mắt vào năm 2018, công cụ này được một cộng đồng người sáng tạo khổng lồ sử dụng để cung cấp thông tin cho hàng chục triệu người xem mỗi ngày. Đội ngũ nhân sự của Flourish có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hình ảnh, công nghệ, dữ liệu, báo chí và thiết kế.

Ưu điểm: 

- Thiết kế đẹp mắt
- Dễ dàng tạo hình ảnh đẳng cấp thế giới từ kho dữ liệu khổng lồ
- Dễ dàng tùy chỉnh màu sắc theo nhận diện thương hiệu
- Bản đồ động
- Tối ưu hiển thị trên mọi màn hình.

Địa chỉ: https://flourish.studio/

Ví dụ về infographic trên các báo điện tử tại Việt Nam

Nhân Dân: GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so cùng kỳ năm trước

VietnamPlus: Hợp tác thương mại song phương Việt Nam-Singapore

VnExpress: Tiến độ xây dựng cao tốc Bắc Nam

Báo đấu thầu: 4 tháng 2022, Việt Nam ước tính xuất siêu 2,53 tỷ USD

Đọc tiếp

20 cách sử dụng biểu đồ để trực quan hóa dữ liệu báo chí (Phần 1)

(ONECMS) - Nhu cầu trực quan hóa dữ liệu (data visualization) chất lượng ngày càng cao. BBT Blog ONECMS tổng hợp các quy tắc để thực hiện trực quan hóa dữ liệu tốt nhất cho một tác phẩm báo chí.
Từ khóa phổ biến
Cách tốt nhất để xem chúng tôi có phù hợp với nhu cầu của bạn không là...
Liên hệ tư vấn
(Hoàn toàn miễn phí)
SẢN PHẨM VỚI TẤT CẢ NIỀM ĐAM MÊ CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ NEKO
  • Địa chỉ: Tầng 2, Tòa B, Chung cư Xuân Phương Residence, Đường Trịnh Văn Bô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Điện thoại: 024.2324.8989 - Email: info@neko.vn
  • DMCA.com Protection Status