Guardian là mô hình thành công trong việc tạo việc nguồn quyên góp từ độc giả. Năm 2021 tờ báo này thông báo kết quả tài chính “mạnh mẽ nhất kể từ năm 2008”, với doanh thu tăng trưởng 13% lên mức 255,8 triệu USD, lợi nhuận 6,7 triệu USD.
Mô hình thu phí có một bất lợi, đó là không thể tăng trưởng quảng cáo. Nếu đã ẩn bài viết sau cánh cổng thu phí, tất nhiên khả năng tiếp cận độc giả cho mục tiêu quảng cáo sẽ giảm. Việc không áp dụng mô hình thu phí thông thường, thay vào đó kêu gọi độc giả quyên góp, giúp Guardian vừa tạo được nguồn thu từ độc giả, vừa duy trì tăng quảng cáo.
Mặc dù vậy một số hãng truyền thông có tiếng khác cũng đang áp dụng theo phương thức mời độc giả quyên góp, nhưng chưa thấy họ báo tin vui nào về nguồn thu này. Không dễ để độc giả cảm thấy muốn đóng góp tiền.
Trong lời kêu gọi quyên góp của mình, Guardian kèm cả thông báo số bài viết mà độc giả đã đọc. Việc có một công cụ đo đếm chính xác cũng hỗ trợ phần nào cho độc giả, và khi số bài viết đã đọc lên càng cao thì độc giả càng dễ có động lực “rút ví” đóng góp.
Bên cạnh đó không thể không kể đến việc Guardian luôn biên soạn cẩn thận thông điệp gửi tới độc giả, gắn được trọng trách của độc giả trong việc giữ gìn nền báo chí không phụ thuộc.
Và khi hướng tới thị trường độc giả Mỹ, Guardian sẵn sàng nêu kế hoạch khải thác những mảng đề tài mà độc giả Mỹ quan tâm nhất như đất công hay môi trường, thiên tai. Kết quả là hơn một nửa nguồn đóng góp của độc giả Guardian đến từ Mỹ.
Rất nhiều báo bắt đầu yêu cầu độc giả tạo tài khoản dù vẫn được đọc miễn phí thời gian đầu. Hệ thống này giúp các báo có cơ sở dữ liệu riêng về độc giả, đồng thời độc giả cũng khó có thể tìm cách vượt rào thu phí về sau.
Tuy nhiên như vậy cũng tạo ra trải nghiệm người dùng rất tệ. Thiết lập tên đăng nhập và password, đi kèm với bước xác thực email hay điện thoại, là cái gì đó rất phiền phức nhất là với độc giả mới. Nhiều người sẽ tắt đi ngay và chuyển sang nguồn khác.
Guardian thì có cách tiếp cận thân thiện hơn. Nút “Tôi sẽ đăng ký sau” có thể làm giảm bớt lượng độc giả đăng ký tài khoản, nhưng cũng đồng thời không làm người ta bỏ ngay từ đầu.
Để bổ trợ cho nguồn dữ liệu riêng về độc giả, Guardian chú trọng mời độc giả đăng ký thêm thư báo (newsletter). Theo nghiên cứu, thư báo tạo ra thói quen gắn bó hơn và tỷ lệ chuyển đổi cao hơn.
The Guardian cũng có nhiều lựa chọn quyên góp từ độc giả, từ một lần cho đến định kỳ, từ một vài mức nhất định cho đến con số tùy ý. Điều này nâng cao khả năng tạo nguồn thu ổn định, dù không thực hiện cơ chế thu phí.
“Guardian nhận được đóng góp không thường xuyên từ 170 quốc gia. Làm cho quá trình đóng góp trở nên dễ dàng và trực quan, bất kể họ sống ở đâu, là việc đúng đắn”, bà Amanda Michel, Giám đốc chương trình đóng góp toàn cầu và cũng là Giám đốc sản phẩm của Guardian khẳng định trong hội thảo Newsrewired từ năm 2019.
Khi người ta ủng hộ cho tờ báo, họ là người quyết định đóng góp bao nhiêu, có thường xuyên không, và bằng phương thức nào. Như vậy nghĩa là họ cần đưa ra một vài quyết định trước khi đóng góp. Bà Michel chia sẻ: “The Guardian gần như ám ảnh với việc cố gắng làm cho việc đóng góp trực quan nhất có thể”.
*Phần lớn nội dung bài viết trên được ban biên tập ONECMS lược dịch từ một bài viết trên nền tảng Substack (link gốc: https://simonowens.substack.co...). Cùng với những nội dung đã được đăng tải trên ONECMS từ trước, các tòa soạn có thể tham khảo một mô hình tương đối thành công.