onecms - blog

Mạng xã hội là nguồn khai thác vô tận của báo chí

(ONECMS) - Bài viết của ThS. Nguyễn Hoàng Anh trên Tạp chí nguoilambao.vn đã làm rõ được cơ chế vận hành của mạng xã hội nơi gần như tất cả mọi người đều sẵn sàng tham gia vào. Blog ONECMS sẽ giới thiệu bài viết này vì sẽ rất hữu ích với các tòa soạn

M.O.D | 21/11/2019 18:39
Mạng xã hội là nguồn khai thác vô tận của báo chí

Mối liên hệ mật thiết

Sự phát triển của Internet, truyền thông xã hội đã len lỏi vào cuộc sống của từng cá nhân, tác động sâu sắc đến địa hạt riêng tư nhất của con người. Truyền thông xã hội ngày càng thu hút nhiều người Việt Nam tham gia thảo luận mọi vấn đề của xã hội, làm thay đổi cách giao tiếp giữa các cá nhân và tổ chức theo hướng cởi mở, minh bạch và đa chiều hơn, từ đó tác động vào quá trình ra quyết định, triển khai, điều chỉnh chính sách của các cơ quan, tổ chức. Các cá nhân trong xã hội cũng được hưởng lợi từ những cuộc thảo luận công khai trên mạng xã hội, khi những nguyện vọng tập thể của họ được đáp ứng.

Trong lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn, sự tham gia thảo luận của công chúng là một trong những tiêu chuẩn quan trọng của quyền truyền thông đại diện như một nhu cầu quan trọng, một quyền cơ bản của con người. Đặc biệt, quyền truyền thông (Communication rights) được định nghĩa tại Điều 19 trong Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948: “Ai cũng có quyền tự do phát biểu ý kiến, tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia”.

Theo học giả quốc tế Montiel, việc thực hiện quyền con người dựa trên các nguyên tắc: Tự do, bình đẳng, đoàn kết, bất khả xâm phạm, tính tổng hòa, đa dạng, tính phổ quát tương đối và sự tham gia; có mối liên hệ trực tiếp với quyền truyền thông.

Do vậy, sự tham gia của công chúng (Public Participation - PP) thể hiện mối quan tâm, nhu cầu, lợi ích của cộng đồng vào việc ra quyết định của chính quyền, dựa trên đối thoại, truyền thông hai chiều, tương tác giữa hai bên với mục đích chung là đưa ra chính sách tốt hơn (Creighton, 2005; Bleiker, 1995; Susskind 1999).

Trong nhiều nghiên cứu về sự tham gia của công chúng, Schroeter và các cộng sự (2016) xem xét hơn 30 định nghĩa về các quy trình tham gia nhằm tìm ra các tiêu chí đo lường chất lượng và kết quả của cả quá trình tham gia. Theo đó, 3 chiều cạnh (dimension) để đo lường chất lượng của quá trình tham gia bao gồm: tính tổng hòa, trao đổi thông tin, kiến thức và sự ảnh hưởng đến quyết định chính trị được liên kết với 8 tiêu chí phụ như nền tảng của truyền thông, đối thoại, khả năng đóng góp bình đẳng, kiến thức trao đổi, thông tin cơ bản, tính minh bạch, hiệu quả và sự hiểu biết chia sẻ về kết quả tác động. Mạng xã hội có nhiều lợi thế đáp ứng yêu cầu của các tiêu chí phụ này, do đó thuận tiện cho tổ chức và công chúng bắt đầu tham gia thảo luận nhằm hình thành các phong trào xã hội.

Dựa trên góc độ nghiên cứu quan hệ công chúng, thuật ngữ “Activist PR” ra đời để chỉ các cá nhân, nhóm nhỏ sử dụng truyền thông xã hội (Facebook, Twitter...) như một chiến lược PR để thể hiện ý kiến của họ về sự bất công của xã hội và tạo mối quan hệ đối thoại nhằm kết nối mọi người, kêu gọi thay đổi hành động. Ngày nay, những nhóm công chúng trong xã hội có thể chủ động hơn khi tìm đến môi trường truyền thông xã hội như một không gian công cộng (Public sphere) để tham gia thảo luận, giao tiếp, tự do biểu đạt. Từ những phong trào trên mạng, họ tụ tập với nhau ngoài thực tế, tự xây dựng nên những tổ chức, hội nhóm kín để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống thường ngày, dựa trên những gợi ý mà mạng xã hội đưa ra.

Điều hành và quản lý xã hội

Trước những tác động tích cực và tiêu cực của mạng xã hội hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và triển khai và thực thi nhiều chính sách quan trọng để bảo đảm quyền truyền thông của người dân. Nổi bật phải kể đến trường hợp công chúng Việt Nam lần đầu tiên “lên tiếng” phản đối Đề án chặt hạ “6.700 cây xanh ở Hà Nội” trên mạng xã hội năm 2015 và chính quyền Hà Nội đã lắng nghe, đưa ra quyết định tạm dừng việc triển khai đề án này. Đây là những minh chứng cho thấy hiệu quả của sự tham gia cũng như ghi nhận dấu hiệu tích cực về đóng góp của truyền thông xã hội trong việc điều hành, quản lý xã hội.

Từ góc nhìn truyền thông/quan hệ công chúng, các nhà nghiên cứu cần lý giải rõ hơn các vấn đề như động cơ, phương thức tham gia, đánh giá hiệu quả, yếu tố ảnh hưởng của truyền thông đến sự tham gia của công chúng (truyền thông từ dưới lên), phương thức quản trị của cơ quan, tổ chức... đối với các thảo luận trên mạng xã hội để hình thành và điều chỉnh/ vận động chính sách (truyền thông từ trên xuống). Đây là cơ sở đưa ra những đề xuất sử dụng mạng xã hội hiệu quả trong thực thi quyền con người.

Dựa trên nghiên cứu của Cho và De Moya, tác giả đã phân tích nội dung 7.800 bình luận của công chúng trên 3 trang/nhóm Facebook (Page 6.700 người vì 6.700 cây xanh, Group 6.700 cây xanh, Group Vì một Hà Nội xanh) trong ba tháng (từ tháng 3 đến tháng 5/2015).

Kết quả khảo sát có 7 loại bình luận được mã hóa gồm: Yêu cầu (Inquiries), Cung cấp thông tin (Information provision), Tình cảm (Emotion), Ủng hộ (Advocacy), Than phiền (Grievance), Tư vấn (Advisory) và Kêu gọi (Calling). Thực tế cho thấy, bình luận “ủng hộ” chiếm tỷ lệ nhiều nhất (40.7%), đề cập thái độ tán thành, đồng tình với phong trào bảo vệ 6.700 cây xanh, cũng như phản đối, châm biếm việc chặt cây xanh.

Tiếp đến là những bình luận “tình cảm” (Emotion) chiếm tỷ lệ 25.8% được công chúng đưa ra nhằm thể hiện cảm xúc và tình yêu đối với cây xanh gắn liền với những kỷ niệm và đời sống của họ từ bao đời, sự bi ai, đau xót khi cây xanh đang khỏe mạnh bỗng dưng bị chặt hạ trên các tuyến phố của Hà Nội. Các bình luận “than phiền” (Grievance) chiếm tỷ lệ thấp nhất 1,5%, đưa ra chỉ trích trực tiếp chống lại các admin trên Facebook và đặt ra những nghi vấn về tính xác thực thông tin của phong trào.

b1-mang-xa-hoi-la-nguon-khai-thac-cua-bao-chi-thoi-dai-mang-xa-hoi-voi-bao-chi.jpg

Trên hình là bảng tóm tắt kết quả nghiên cứu các bình luận trên mạng xã hội về dự án di chuyển cây xanh tại Hà Nội.

 

Để tìm hiểu điều gì đã thúc đẩy mọi người tích cực phản hồi những lời kêu gọi hành động của admin trên các trang/ nhóm Facebook, tác giả đã sử dụng lý thuyết Sử dụng và hài lòng được điều chỉnh từ nghiên cứu của Cho và DeMoya (2014).

Tác giả tìm thấy 5 động cơ đằng sau các cuộc thảo luận tương ứng với các loại thông điệp bình luận bao gồm: Trao quyền; Nhận diện cá nhân; Tìm kiếm thông tin; Hội nhập và tương tác xã hội; Trách nhiệm công dân. Một trong những phát hiện quan trọng của nghiên cứu, đó là động cơ “Trách nhiệm công dân” thể hiện công chúng trên mạng xã hội sẵn sàng đóng góp lợi ích cho xã hội.

Họ có cảm giác được “trao quyền” lên tiếng đối với một sự việc gây bất bình trong dư luận và có quyền ảnh hưởng tới những công chúng khác, kêu gọi họ ủng hộ tạo tác động mạnh mẽ đến quyết định của chính quyền. Đây cũng là khởi nguyên hình thành các phong trào PR về các vấn đề xã hội (Activist PR) do các nhóm/cá nhân khởi xướng trên môi trường truyền thông Internet.

Nghiên cứu miêu tả diện mạo môi trường truyền thông “mở” trong xã hội Việt Nam - nơi công chúng tận dụng mạng xã hội để dẫn dắt dư luận vào vấn đề bảo vệ môi trường chung. Từ đó, báo chí vào cuộc phản ánh và lan tỏa thông điệp, thể hiện nguyện vọng chính đáng của công chúng thông qua hàng loạt bài viết và thảo luận trên báo điện tử Tuổi trẻ, VietNamNet.vn, VnExpress.net...

Những loại thông điệp này cho thấy sự phù hợp với ba chỉ số để đánh giá chất lượng tham gia của cộng đồng của Schroeter và các cộng sự (2016).

Rút kinh nghiệm từ công tác truyền thông chưa kịp thời năm 2015, đại diện Sở Xây dựng thành phố Hà Nội cho biết, ở giai đoạn sau từ năm 2016 đến nay, khi triển khai Dự án trồng 1 triệu cây đến năm 2020, thành phố đã điều chỉnh các hoạt động truyền thông và quan hệ công chúng, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ Sở Xây dựng Hà Nội theo dõi cập nhật và trao đổi thông tin qua kênh truyền thông để làm rõ và giải quyết các vấn đề khẩn cấp, nhằm tạo ra một môi trường cởi mở hơn, lắng nghe ý kiến của người dân.

Có thể khẳng định, mạng xã hội là môi trường truyền thông thuận lợi cho sự tham gia thảo luận của công chúng. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chính sách quan trọng bảo đảm quyền được tham gia truyền thông của người dân. Cụ thể, nhấn mạnh đến việc xây dựng mối quan hệ dựa trên sự trao đổi thông tin, đối thoại hai chiều giữa công chúng và tổ chức.

Ở một khía cạnh khác, truyền thông xã hội đang mang lại những tác động vừa tích cực, vừa tiêu cực, do vậy, các tác động tiêu cực có thể được giải quyết trong môi trường Internet được quản lý bởi nhà nước, thông qua những kênh phương tiện truyền thông chính thống như báo điện tử hoặc truyền hình, có thể định hướng dư luận bằng những thông tin có tính chất tích cực hơn, thay vì tập trung quá nhiều vào những tiêu cực xã hội.

Mặt khác, thông qua các kênh truyền thông xã hội, Nhà nước có thể tạo ra một diễn đàn thảo luận công khai minh bạch, lắng nghe tiếng nói của nhân dân và đối thoại với họ một cách cởi mở trước khi hình thành nên các phong trào xã hội. Do vậy, cần phải thúc đẩy các nghiên cứu về các trường hợp tương tự để rút ra được nhiều bài học và giải pháp tốt hơn, nhằm nâng cao quyền con người tại Việt Nam.

*Nguồn: nguoilambao.vn (nội dung bài viết mang quan điểm nghiên cứu của tác giả, tiêu đề do Blog ONECMS đặt).

Đọc tiếp

Báo điện tử sẽ dựa vào nền tảng mạng xã hội nào trong năm 2019?

(ONECMS) - Bản báo cáo Dự báo xu hướng Nghề báo, Truyền thông và Công nghệ năm 2019 của Nic Newman, chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, có khảo sát khá hay về sự kỳ vọng của các tòa soạn báo điện tử vào các nền tảng mạng xã hội.
Từ khóa phổ biến
Cách tốt nhất để xem chúng tôi có phù hợp với nhu cầu của bạn không là...
Liên hệ tư vấn
(Hoàn toàn miễn phí)
SẢN PHẨM VỚI TẤT CẢ NIỀM ĐAM MÊ CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ NEKO
  • Địa chỉ: Tầng 2, Tòa B, Chung cư Xuân Phương Residence, Đường Trịnh Văn Bô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Điện thoại: 024.2324.8989 - Email: info@neko.vn
  • DMCA.com Protection Status