Blog

Mô hình tòa soạn hội tụ: Kỷ nguyên mới của báo chí

B.O19/6/2023 10:22

(ONECMS) - Tòa soạn hội tụ là sự kết hợp của nhiều loại hình báo chí: báo in, báo mạng, phát thanh, truyền hình... Trung tâm của mô hình này là một hệ thống phần mềm tòa soạn hội tụ để quản lý điều hành mọi hoạt động của tòa soạn.

Ngày 6/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2023”, nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Theo đó, đến năm 2023, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

Vậy khái niệm mô hình tòa soạn hội tụ là gì? Nhóm biên tập ONECMS Blog sẽ giúp các nhà báo tìm hiểu về cách hoạt động của mô hình này.

ONECMS là đơn vị cung cấp phần mềm quản trị nội dung (CMS) cho nhiều đầu báo điện tử, tạp chí điện tử, và trang thông tin điện tử ở Việt Nam, ONECMS hướng đến mục tiêu hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật tối đa cho mô hình tòa soạn hội tụ trong tương lai.

Tòa soạn hội tụ là gì?

Tòa soạn hội tụ là mô hinh kết hợp của nhiều loại hình báo chí: báo in, báo mạng, phát thanh, truyền hình... Trung tâm của mô hình này là một hệ thống phần mềm tòa soạn hội tụ để quản lý điều hành mọi hoạt động của tòa soạn.

Ngay từ năm 1978, giáo sư công nghệ truyền thông người Mỹ Nicholas Negroponte đã đề cập đến khái niệm hội tụ. Điều này cho thấy, quá trình hội tụ đã diễn ra trên toàn cầu từ vài thập kỷ trước.

Tuy nhiên, đến năm 1983, giáo sư Ithiel de Sola Pool của Học viện Công nghệ Hoa Kỳ (MIT) mới chính thức giới thiệu khái niệm truyền thông hội tụ và dự báo rằng, với sự phát triển của kỹ thuật số hóa, các loại hình truyền thông trước đây được phân chia rõ ràng sẽ hội tụ lại với nhau.

Khi thời đại truyền thông số bắt đầu, “con đường siêu cao tốc” bao quanh trái đất bằng hình ảnh, âm thanh và dữ liệu đã hội tụ lại. Trong bối cảnh này, báo chí truyền thông phải tìm cách thích nghi với môi trường truyền thông mới.

Do đó, việc xây dựng các tòa soạn hội tụ đã và đang trở thành xu hướng phát triển của ngành báo chí - truyền thông hiện đại.

Trong thực tế, khi một phương tiện truyền thông mới ra đời, người ta thường quan tâm và nhắc nhiều đến sự “tồn tại” của các phương tiện truyền thông truyền thống.

Tuy nhiên, với xu hướng hội tụ truyền thông mạnh mẽ như hiện nay, các phương tiện truyền thông truyền thống và mới lại có xu hướng tích hợp, tương tác và hỗ trợ lẫn nhau, thông qua các phương thức phức tạp và đa dạng hơn so với trước.

Vấn đề cần lưu ý là, hội tụ truyền thông không chỉ là việc cộng dồn các loại hình báo chí trong cùng một cơ quan một cách máy móc. Thực chất, trong bối cảnh xu hướng hội tụ, một tòa soạn sẽ phải tái cấu trúc và sắp xếp lại để trở thành một “guồng máy” sản xuất tin tức, tạo ra nhiều “món ăn” để đáp ứng các yêu cầu của công chúng hiện đại.

Trong cuốn sách Mô hình hội tụ truyền thông (Media Convergence Models), Kevin L.McCrudden viết: “Hội tụ truyền thông là sự giao thoa giữa mô hình truyền thông mới và truyền thông truyền thống”.

Trong cuốn sách này, ông giới thiệu mô hình truyền thông hội tụ với Internet làm nút chính và cho rằng Internet là phương tiện truyền thông mạnh nhất từng được tạo ra, vì nó có thể mô phỏng tất cả các phương tiện truyền thông khác, trong khi các phương tiện khác không thể mô phỏng Internet.

Qua đó có thể thấy rằng, các phương tiện truyền thông mới và cũ có thể tương tác theo sự phát triển của công nghệ số. Điều này đã khiến cho báo chí, phát thanh và truyền hình từ từ bị Internet “đánh chiếm”, và trong môi trường hội tụ này, công chúng có thể tự do tìm kiếm thông tin nhanh nhất trên các phương tiện truyền thông mà họ yêu thích.

Trở lại lịch sử báo chí thế giới, từ lâu nay, hầu hết các tòa soạn trên thế giới đều được xây dựng và vận hành theo mô hình tòa soạn riêng biệt, với phóng viên chủ yếu “phục vụ” cho một loại hình báo chí. Điều này đã khiến cho các tòa soạn báo không thể phát huy được sức mạnh tổng thể về nguồn nhân lực cũng như ưu thế vượt trội của công nghệ đa phương tiện.

Vì vậy, hiện nay nhiều tờ báo trên thế giới đã tìm cách xây dựng mô hình tòa soạn đa phương tiện, với báo điện tử làm trung tâm và khái niệm tòa soạn hội tụ (newsroom convergence) ra đời.

Kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu Giáo dục Truyền thông Medienhaus Vienna (Áo) cho thấy, mô hình tòa soạn hội tụ là từ khóa cho một trong những tiến trình thay đổi của các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay.

Và, mô hình tòa soạn hội tụ đang có xu hướng lan rộng trong các cơ quan truyền thông trên thế giới. Điều quan trọng hơn, mô hình tòa soạn hội tụ đã và đang tạo ra sự thay đổi trong thói quen làm việc hàng ngày của các nhà báo.

Có thể thấy, tòa soạn hội tụ là một “chiến lược biên tập”, nhằm khuyến khích công chúng có thể sử dụng bất kỳ thiết bị nào để tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, tòa soạn hội tụ phải tuân theo các quy định cũng như luật báo chí của từng quốc gia, đặc biệt là nền tảng khoa học và công nghệ, cũng như văn hoá tòa soạn.

Do đó, sự ra đời và phát triển của tòa soạn hội tụ là một yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống truyền thông hiện đại. Và sự kết hợp giữa các phương tiện truyền thông mới và cũ trong cùng một tòa soạn là điểm nổi bật nhất của tòa soạn hội tụ.

[Xem thêm: Quy trình làm việc, vai trò và trách nhiệm của từng bộ phận trong tòa soạn hội tụ]

Lợi ích mà tòa soạn hội tụ mang lại

Mô hình tòa soạn hội tụ, kết hợp nhiều loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình,…), được coi là mô hình tiên tiến, thông minh và hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện tại.

Mô hình này giúp các tòa soạn đáp ứng được nhiều tiêu chí hội tụ như: không gian, nhân lực, phương thức thu thập, nội dung tin tức, cách thức truyền tin, thông tin quảng bá,… Nói cách khác, các tòa soạn hội tụ có sự trang bị và hợp nhất về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại, cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, linh hoạt với các bộ phận trong tòa soạn, đội ngũ nhà báo nhạy bén, thông thạo và làm chủ công nghệ mới. Điều này góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả và chất lượng thông tin, thu hút độc giả và cải thiện hoạt động kinh doanh. Tất cả mọi người cùng hợp tác, thu thập và xử lý thông tin để đảm bảo đầu ra và đầu vào tốt nhất, mang lại kỹ năng truyền tải thông tin tối ưu nhất và tương tác với công chúng một cách hiệu quả nhất.

Việc tái tổ chức cơ cấu vận hành và sản xuất của tòa soạn không chỉ đáp ứng xu hướng của báo chí hiện đại và thay đổi cách làm việc truyền thống mà còn đáp ứng được yêu cầu và sở thích của công chúng. Điều này tạo ra sự tương tác và thúc đẩy sự gắn kết với công chúng. Công chúng có thể tiếp cận thông tin phong phú và đa dạng hơn. Ngoài việc đọc theo cách truyền thống, họ còn có thể tiếp cận thông tin qua nhiều phương tiện truyền thông khác như hình ảnh, âm thanh, video,… ngay trong bài viết mà họ đang đọc/xem. Việc kích hoạt chế độ chia sẻ (share) thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Google, ZingMe,… đã giúp tòa soạn gia tăng sự ảnh hưởng và sức lan tỏa của tờ báo. Nhiều tờ báo đã xác nhận và tận dụng nguồn tin từ công chúng để có được nguồn tin mới mẻ và nhanh chóng…

Đặc điểm mô hình tòa soạn hội tụ

Tòa soạn hội tụ, như đã được giới thiệu, là một mô hình tòa soạn hiện đại. Trong mô hình này, các phòng ban chuyên môn, phóng viên, biên tập viên và lãnh đạo đều làm việc cùng nhau trong một không gian mở và trên cùng một mặt phẳng. Lấy trung tâm sản xuất và phân phối tin tức đa phương tiện, điều này giúp lãnh đạo tòa soạn có thể chỉ đạo nhanh chóng và thống nhất về nội dung cho từng nhân viên. Thông qua việc nghiên cứu các mô hình tòa soạn hội tụ trên toàn thế giới, chúng ta có thể rút ra được một số đặc điểm chính sau.

Hội tụ về không gian làm việc

Dựa trên kinh nghiệm từ một số tòa soạn hàng đầu trên thế giới, một trong những đặc điểm quan trọng nhất của tòa soạn hội tụ là việc tất cả mọi người, từ lãnh đạo đến nhân viên, đều làm việc trong cùng một không gian. Các phóng viên làm việc cho các loại hình truyền thông khác nhau như truyền hình, phát thanh, báo in, báo mạng điện tử đều tập trung làm việc tại cùng một văn phòng lớn, thay vì được phân chia vào các tầng hoặc tòa nhà riêng biệt.

Ý tưởng về một văn phòng của tòa soạn hội tụ rất đơn giản, nó xoá bỏ các rào cản giữa báo in, truyền hình, phát thanh và báo mạng điện tử, từ đó tạo ra một hệ thống giao tiếp mở. Tại đây, các nhà báo có thể thu thập và xử lý thông tin ngay lập tức, sau đó phát hành các bản tin qua các phương tiện truyền thông khác nhau.

Trung tâm Thông tin ở Tampa, bang Florida (Mỹ) là ví dụ điển hình cho mô hình hội tụ này. Theo các nhà nghiên cứu, vào năm 2000, tất cả nhân viên của Đài truyền hình Tampa Tribune WFLA -TV và trang điện tử tbo.com đã chuyển đến làm việc tại một văn phòng mới có giá 40 triệu USD.

Không gian làm việc này đã khuyến khích sự hợp tác giữa các phóng viên, thay vì làm việc độc lập. Trung tâm của tòa soạn là khu vực lãnh đạo - có một bàn siêu biên tập (super desk) - được coi là “trung tâm chỉ huy” của tòa soạn, giúp lãnh đạo có thể chỉ đạo nhanh chóng khi làm việc. Ngoài ra, các phòng ban chuyên môn cũng dễ dàng trao đổi ý kiến và có phản hồi ngay sau khi nhận được chỉ thị của lãnh đạo.

Lãnh đạo các phòng ban có thể trao đổi trực tiếp với nhau và lên kế hoạch sản xuất tin tức, từ đó chỉ đạo phóng viên đưa tin một cách hiệu quả nhất cho các loại hình báo chí.

Với cách sắp xếp này, tòa soạn hội tụ buộc phải tích hợp công nghệ và kỹ thuật. Tất cả công nghệ cần thiết để sản xuất ra một bài báo in, báo mạng, clip truyền hình, audio phát thanh đều được tích hợp trong cùng một văn phòng.

[Xem thêm: Câu chuyện về chuyển đổi số báo chí của Grupo Globo - tập đoàn truyền thông đại chúng lớn nhất Mỹ Latinh]

Hội tụ trong phương thức tác nghiệp của nhà báo

Trong mô hình tòa soạn hội tụ, sự hợp tác giữa phóng viên, biên tập viên và phóng viên ảnh trong việc tạo ra tin tức là điều không thể thiếu, thay vì hoạt động độc lập như trước đây. Một cách đơn giản, khi có sự kiện thời sự xảy ra, một nhóm phóng viên cùng thu thập thông tin, chia sẻ những gì họ đã thu thập và cùng nhau quyết định cách tốt nhất để truyền tin.

Một ví dụ điển hình cho mô hình này là tờ Osterreich ở Áo. Tòa soạn của họ đã thiết kế một phòng tin tức theo mô hình bánh xe, với bàn siêu biên tập - “sở chỉ huy” - được đặt ở trung tâm. Với cách bố trí này, phóng viên viết cho báo in và báo mạng điện tử có thể làm việc cùng nhau trong một môi trường, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, thay vì chỉ quan tâm đến việc sản xuất nội dung cho kênh của riêng mình.

Khi phòng ban báo in họp để thảo luận về nội dung, các phóng viên của báo mạng điện tử cũng hiểu rõ vấn đề đang được thảo luận để chuẩn bị tin tức, mặc dù hai ban này hoạt động riêng biệt.

Hơn nữa, phóng viên báo in có thể sử dụng tư liệu và ảnh trong bài viết của mình, phóng viên truyền hình có thể sử dụng phần văn bản của báo in làm lời dẫn cho clip của mình… Các tin tức trên truyền hình cũng có thể sử dụng đồ họa hoặc số liệu từ báo in và báo mạng. Đối với báo mạng điện tử, họ có thể sử dụng sản phẩm của truyền hình và file âm thanh của phát thanh.

Trong quá trình làm việc, tòa soạn thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo cho phóng viên báo in biết cách tường thuật tin tức trên truyền hình; phóng viên ảnh không chỉ biết chụp ảnh, mà còn biết quay phim và tiến hành các cuộc phỏng vấn.

Nói cách khác, khi làm việc trong tòa soạn hội tụ, các nhà báo sẽ phải làm việc “đa năng” hơn và đối mặt với việc hội tụ đa phương tiện, dù tin tức chỉ là một mẩu tin của kênh truyền hình, hay báo mạng hoặc tờ báo in. Nhà báo làm việc trong môi trường này phải chuẩn bị các tin tức theo nhiều cách khác nhau để có thể đăng tải trên nhiều kênh truyền thông khác nhau.

Qua đó có thể thấy rằng, để làm tốt nội dung hội tụ, phóng viên và biên tập viên của tòa soạn hội tụ phải là người “đa năng”, vừa có kỹ năng viết bài, vừa biết sử dụng các thiết bị kỹ thuật cho cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Quy trình làm việc hội tụ trong tòa soạn đa phương tiện
Trong hình là quy trình làm việc hội tụ trong tòa soạn đa phương tiện. Nguồn ảnh: researchgate.net (chuyển ngữ bởi nhóm biên tập Blog CMS).

Hội tụ về nội dung

Một trong những nguyên tắc quan trọng khi xây dựng tòa soạn hội tụ là việc hội tụ nội dung tin tức. Các sản phẩm báo chí được trình bày dưới nhiều hình thức đa phương tiện, kết hợp văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, blog, và liên kết đến các trang video, audio trực tuyến… Mặc dù việc hội tụ nội dung vẫn đang ở giai đoạn ban đầu, nhưng trong tương lai không xa, các sản phẩm báo chí hội tụ sẽ xuất hiện nhiều hơn trên các tờ báo mạng điện tử.

Hội tụ nội dung giúp tin tức được truyền đạt một cách rõ ràng và nhất quán trên tất cả các thiết bị và loại hình báo chí, góp phần xây dựng thương hiệu cho cơ quan báo chí. Tòa soạn có thể sử dụng các khả năng và thế mạnh của các kênh khác nhau để tiếp cận đối tượng ở bất cứ đâu và lúc nào thông qua các phương tiện truyền thông phù hợp nhất.

Tòa soạn Daily Telegraph ở Anh là một ví dụ điển hình cho việc xây dựng tòa soạn hội tụ và tạo ra nhiều sản phẩm truyền thông hội tụ. Ví dụ, trong sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama tái đắc cử năm 2012, Daily Telegraph đã sử dụng cùng lúc văn bản, hình ảnh, âm thanh, video để truyền tải thông tin, đồng thời liên kết đến trang mạng xã hội Twitter của Tổng thống Mỹ, cung cấp thông tin một cách đầy đủ và có hệ thống về quá trình vận động tranh cử, giúp người đọc dễ dàng nắm bắt thông tin và theo dõi sự kiện.

Thúc đẩy công chúng nói

Trong môi trường hội tụ, việc nghiên cứu công chúng và khuyến khích sự tham gia của họ là một yếu tố quan trọng, quyết định sự “sinh tồn” của tờ báo. Một ví dụ điển hình là mô hình tòa soạn hội tụ giữa báo in và báo mạng điện tử của Straits Times (Singapore), chuyên sản xuất các tin tức hội tụ qua trang mạng www.stomp.com.sg.

Trang báo mạng điện tử này kết hợp âm thanh và video của truyền hình, có khả năng tương tác và lưu trữ cao. Theo đánh giá của một số chuyên gia, phần lớn các tin tức trên trang này do công chúng cung cấp. Đây không chỉ là một phong cách thể hiện mới, mà còn là một hình thức mới trong việc đưa tin của tòa soạn hội tụ.

STOMP nhận thông tin từ độc giả, sau khi kiểm chứng, họ sẵn sàng đăng những bức ảnh do độc giả cung cấp lên trang nhất. Như vậy, STOMP đã tận dụng tối đa nguồn thông tin từ độc giả, biến độc giả từ người tiếp nhận thông tin thành người sản xuất và cung cấp thông tin cho tòa soạn.

[Xem thêm: Cách The New York Times thiết kế công cụ lập kế hoạch trong tòa soạn hội tụ]

Một số tiêu chí xây dựng tòa soạn hội tụ

Dựa trên kinh nghiệm từ một số tòa soạn hội tụ trên thế giới, chúng tôi đưa ra một số tiêu chí cụ thể để thành công trong việc xây dựng tòa soạn hội tụ. Tuy nhiên, đây chỉ là những tiêu chí “cứng”, bên cạnh đó còn có một số tiêu chí “mềm” (tiêu chí khả biến) như khả năng kinh tế, trình độ và văn hóa của tòa soạn.

Về nhân lực

Trước xu hướng hội tụ truyền thông không thể cưỡng lại, một nhà báo đa năng phải là người có thể thực hiện nhiều công việc, không chỉ viết cho báo in, báo điện tử mà còn có thể sản xuất các sản phẩm truyền thông cho phát thanh và truyền hình. Đặc biệt, những nhà báo hoạt động trong các tòa soạn hội tụ cần có sự nhạy bén để xử lý thông tin cho các kênh truyền thông khác nhau.

Thực tế từ những tòa soạn hội tụ trên thế giới cho thấy, để xây dựng thành công một tòa soạn hội tụ, trước hết cần phải có đội ngũ phóng viên, biên tập viên có kỹ năng nghề nghiệp tốt, được đào tạo bài bản, có khả năng sử dụng nhiều thiết bị hiện đại như máy quay, máy ảnh, máy ghi âm… và am hiểu nhiều loại hình báo chí…

Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh, vẫn không thể thiếu các kỹ năng chuyên sâu như kỹ năng điều tra, viết chân dung, phỏng vấn, phóng sự, kỹ năng sử dụng truyền thông mạng xã hội trong tác nghiệp.

Biết và làm chủ công nghệ hiện đại

Một trong những thách thức lớn nhất của các cơ quan báo chí hiện nay là khả năng làm chủ công nghệ của các nhà báo chưa thật sự tinh thông. Nhìn từ đời sống truyền thông của Việt Nam có thể thấy, vẫn còn ít nhà báo được đào tạo để ứng dụng công nghệ mới, như sử dụng các ứng dụng của máy tính bảng, điện thoại thông minh… vào hoạt động tác nghiệp.

Do đó, muốn xây dựng được tòa soạn hội tụ, cơ quan báo chí cũng cần xây dựng được đội ngũ nhân sự chuyên và mạnh về công nghệ thông tin để phục vụ tốt nhất cho tòa soạn. Ví dụ, đối với phóng viên ảnh, không chỉ cung cấp phóng sự ảnh, họ cũng có thể phỏng vấn, ghi âm, quay phim, biên tập âm thanh, hình ảnh video và thậm chí cả thiết kế đồ họa, flash…

Đây cũng là yêu cầu đối với phóng viên viết bài và phóng viên quay phim. Có người cho rằng mỗi nhà báo cá nhân phải là một “cơ quan” cung cấp sản phẩm truyền thông đa phương tiện cho công chúng, nhờ biết ứng dụng các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và công nghệ.

Về cơ sở hạ tầng

Trong bất kỳ môi trường nào, cơ sở vật chất của các cơ quan báo chí đều có ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của tòa soạn. Cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho các phóng viên hành nghề.

Riêng đối với tòa soạn hội tụ, cơ sở vật chất là yếu tố then chốt đối với việc truyền, phát thông tin tới công chúng. Việc hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động báo chí cũng là một trong những vấn đề đáng quan tâm của các cơ quan báo chí trong xu thế hội tụ truyền thông. Mặt khác, các tòa soạn cần có không gian rộng để tổ chức văn phòng theo mô hình hội tụ.

Ngoài ra, tòa soạn cũng phải được trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại, bởi nội dung không tách rời kỹ thuật, kỹ thuật tốt sẽ giúp nội dung bứt phá thể hiện sức mạnh của nó. Thực tế cho thấy, tòa soạn hội tụ cần phải có một trung tâm sản xuất tin bài và một hệ thống quản lý nội dung dựa trên nền tảng của web.

Ngoài ra, kỹ thuật giải mã đa phương tiện nhanh chóng, dễ sử dụng được cài đặt sẽ giúp truyền đi âm thanh và hình ảnh tới các thiết bị xem tin đa phương tiện theo yêu cầu. Đồng thời, đảm bảo tin bài được truyền tải đến nhiều loại hình báo chí và được khai thác trên tất cả các loại thiết bị.

Mặt khác, tòa soạn cũng phải bảo đảm tờ báo mạng điện tử có chức năng nhúng với các mạng xã hội, cho phép người đọc lưu trữ, chia sẻ, tái sử dụng và bình luận hay công cụ khác tương tự cho tất cả các máy tính. Điều cũng rất quan trọng là tòa soạn cần xây dựng hệ thống bảo mật mạnh và hiện đại để tránh tin tặc.

[Xem thêm: Giao việc, theo dõi công việc dễ dàng hơn với quản lý công việc trong ONECMS]

Quá trình hình thành tòa soạn hội tụ ở Việt Nam

Tòa soạn hội tụ đã phát triển và đạt được những thành công đáng kể trên toàn thế giới từ đầu thế kỷ XXI, trong khi tại Việt Nam, khái niệm này vẫn còn khá mới. Mặc dù đây là một xu hướng không thể chống lại, nhưng việc xây dựng một tòa soạn hội tụ phù hợp với môi trường báo chí Việt Nam vẫn là một vấn đề cần giải quyết. Dưới đây là một số gợi ý về mô hình và quy trình sản xuất tin tức cho tòa soạn hội tụ:

Mô hình cho cơ quan báo in chuyển sang tòa soạn hội tụ

Quan sát từ thực tế báo chí truyền thông ở nước ta, cơ bản các tòa soạn (báo in) đã “ra đời” các ấn phẩm phụ (phụ trương, phụ bản, chuyên san…) đa ấn phẩm, sau đó tiếp tục xây dựng và phát triển tờ báo mạng điện tử (trang điện tử) của cơ quan báo chí đa phương tiện. Dù là mô hình tòa soạn nào, ban biên tập vẫn là người có quyền và trách nhiệm cao nhất.

Tuy nhiên, trong mô hình tòa soạn hội tụ, mối quan hệ đa chiều và tính tương tác giữa các bộ phận trong tòa soạn được thể hiện rõ ràng. Những người làm việc trong tòa soạn hội tụ không chỉ phải linh hoạt và sáng tạo, mà còn phải phát huy tối đa tinh thần cộng tác và làm việc theo nhóm.

Mô hình tòa soạn hội tụ cơ bản

Trong hình trên là mô hình tòa soạn hội tụ cơ bản. Nguồn: mediahelpingmedia.org.

Quy trình sản xuất tin, bài hội tụ

Quy trình sản xuất tin tức hội tụ thường bắt đầu khi phóng viên (hoặc cộng tác viên) khai thác tin tức theo từng loại hình báo chí và sau đó chuyển về phòng tin hội tụ (đầu vào). Khi tin tức được tập trung tại trung tâm tin của tòa soạn, các biên tập viên hội tụ (ban thư ký) tiến hành lọc thông tin lần đầu và sau đó chuyển đến bàn siêu biên tập.

Bàn siêu biên tập, được đặt ở trung tâm của trung tâm tin, là nơi các biên tập viên cao cấp có thể nắm bắt một cách nhanh nhất và đầy đủ nhất các thông tin, sự kiện được gửi về. Họ cũng có thể nghe các cuộc gọi từ phóng viên tác nghiệp tại hiện trường để xin ý kiến chỉ đạo.

Tại bàn siêu biên tập, các biên tập viên cao cấp tiến hành trao đổi, phân loại, điều phối và quyết định loại hình truyền thông nào nên sử dụng tin tức đó. Đây là cách cung cấp gói thông tin một cách nhất quán về mặt nội dung cho các phương tiện truyền thông (báo in, báo mạng, phát thanh, truyền hình hay điện thoại di động v.v…).

Sau khi các biên tập viên ở bàn siêu biên tập xử lý và phân loại, tin tức sẽ được đẩy lên hệ thống để tổng biên tập hoặc phó tổng biên tập phụ trách nội dung duyệt và xuất bản. Đối với các sản phẩm của phát thanh hay truyền hình, sự hỗ trợ của đội ngũ kỹ thuật viên là rất cần thiết.

100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số

Đến năm 2030, mục tiêu là 100% cơ quan báo chí sẽ đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 90% cơ quan báo chí sẽ sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

100% cơ quan báo chí sẽ hoạt động và vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Các cơ quan báo chí sẽ tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí sẽ tăng doanh thu ít nhất 20%.

[Xem thêm: Phần mềm tòa soạn hội tụ của The New York Times "thần thánh" như thế nào?]

*Bài viết có các tiêu đề và lời dẫn do nhóm biên tập Blog CMS đặt.

    Từ khóa phổ biến
    Cách tốt nhất để xem chúng tôi có phù hợp với nhu cầu của bạn không là...
    Liên hệ tư vấn
    (Hoàn toàn miễn phí)
    SẢN PHẨM VỚI TẤT CẢ NIỀM ĐAM MÊ CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ NEKO
    • Địa chỉ: Tầng 2, Tòa B, Chung cư Xuân Phương Residence, Đường Trịnh Văn Bô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
    • Điện thoại: 024.2324.8989 - Email: info@neko.vn
    • DMCA.com Protection Status