Xem thêm: Mô hình tòa soạn hội tụ ở Việt Nam nên như thế nào?
Tóm tắt: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang loài người bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của công nghệ thông tin và trí thông minh nhân tạo. Cuộc cách mạng này đã tác động một cách sâu rộng vào các yếu tố căn bản của báo chí – truyền thông, sản xuất báo chí – truyền thông, sản phẩm báo chí – truyền thông và công chúng truyền thông. Các phương tiện truyền thông mới ra đời làm thay đổi toàn bộ trật tự của các phương tiện truyền thông truyền thống, thúc đẩy các phương tiện truyền thông truyền thống phải thay đổi để bắt kịp với kỷ nguyên mới – kỷ nguyên số. Chính vì thế, tòa soạn hội tụ dưới tác động của chuyển đổi số sẽ làm thay đổi về cả chất và lượng của ngành công nghiệp báo chí – truyền thông. Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi đề cập đến mô hình tòa soạn hội tụ hiện đại, từ đó xác định hướng đi sắp tới trong tổ chức, quản lý tòa soạn ở các cơ quan báo chí Việt Nam.
Trong vài năm gần đây, vấn đề nghiên cứu về ứng dụng và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào đời sống xã hội nói chung và ngành công nghiệp báo chí nói riêng đã và đang là chủ đề quan trọng [5,6]. Để có thể bắt kịp với sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, báo chí – truyền thông cần có các đối sách và chiến lược phù hợp. Việc sử dụng khoa học và công nghệ trong báo chí – truyền thông luôn là các ưu tiên số 1 của các tổ chức, quốc gia hay vùng lãnh thổ. Theo các dự báo, đến năm 2020 có khoảng 50 tỷ thiết bị sẽ có kết nối và chia sẻ thông tin thông qua các dịch vụ chia sẻ hay internet [7]. Các thiết bị có thể mang, mặc cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn. Vấn để của báo chí không chỉ dừng lại ở việc đưa tin tức hay thực hiện các phản ánh sự vật, hiện tượng trong xã hội một cách tương đối thụ động như hiện nay. Các hoạt động báo chí – truyền thông sẽ dần thay đổi để phù hợp hơn với xu thế hiện nay như xu thế của video trực tuyến, chatbots, đa nền tảng, đa giao diện, cá nhân hóa hay tương tác, các kỹ thuật và công nghệ thực tại ảo – thực tại tăng cường…
Vai trò của công nghệ thông tin trong các hoạt động của báo chí đã ngày càng trở nên quan trọng. Có thể nói rằng, công nghệ thông tin như là dưỡng chất cho sự phát triển của việc ứng dụng các sản phẩm báo chí. Việc ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ như internet vạn vật (IoT), trí thông minh nhân tạo (AI), phân tích và xử lý dữ liệu lớn (big data analytics)… trong các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí di động, báo chí đa nền tảng… sẽ giúp chúng ta tạo ra các sản phẩm thông minh hơn trước. Các hệ thống tự động/thông minh sẽ cho phép các tòa soạn tạo ra các bài báo hay tin tức một cách tự động/bán tự động. Việc xuất bản cũng ngày càng đơn giản hơn với các kỹ thuật, công nghệ phụ trợ.
Xem thêm: Ứng dụng các công nghệ mới trong báo chí hiện đại
Cùng với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, các vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, lãnh đạo truyền thông hiện nay có thể được kể đến bao gồm các vấn đề của chủ thể quản lý truyền thông; vấn đề về nội dung và nguyên tắc quản lý truyền thông; vấn đề về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và khoa học của công tác quản lý truyền thông; vấn đề về mô hình quản lý nhà nước và mô hình quản lý cơ quan báo chí, truyền thông; thách thức trong cạnh tranh báo chí và phương tiện truyền thông mới; thách thức về hạ tầng – kỹ thuật; và thách thức về an ninh truyền thông cũng như văn hóa truyền thông.
Từ những năm 70 của thế kỷ trước, nhà công nghệ truyền thông nổi tiếng người Mỹ Nocholas Negropote đã đưa ra khái niệm hội tụ. Tuy nhiên, đến năm 1983, giáo sư Ithiel de Sola Pool của Học viện Công nghệ Hoa Kỳ (MIT) mới chính thức đưa ra các khái niệm truyền thông hội tụ, theo đó dự đoán sự phát triển của các kỹ thuật số hóa khiến các loại hình truyền thông hội tụ lại với nhau. Khi công nghệ số và truyền thông số ra đời, các phương tiện truyền thông ngày càng có xu hướng tích hợp, tương tác và hỗ trợ nhau bằng các phương thức đa dạng và phức tạp hơn trước. Khi Kevil L. McCruden để xuất khái niệm “hội tụ truyền thông là sự giao thoa giữa mô hình truyền thông mới và truyền thông tuyền thống”, trên cơ sở mô hình này, mạng Internet là hạt nhân và phương tiện truyền thông mạnh mẽ nhất được tạo ra. Có nhiều mô hình hội tụ đã ra đời bao gồm hội tụ về không gian làm việc, hội tụ trong phương thức tác nghiệp của nhà báo, hội tụ về nội dung,…
Ngày nay, cùng với sự thay đổi của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực báo chí đã và đang mang lại các hiệu quả rõ rệt. Một kỷ nguyên mới của báo chí ra đời, kỷ nguyên của công nghệ số, hội tụ công nghệ và hội tụ nội dung [1,2,3,4]. Khái niệm hội tụ nội dung và hội tụ công nghệ được đề cập đến như là một chìa khóa để mở ra một con đường mới cho các nhà báo, các tòa soạn báo hiện đại (hình vẽ dưới đây). Hội tụ nội dung và hội tụ công nghệ được hiểu như là sự tích hợp của các thành phần khác nhau từ khâu lấy tin, in ấn, nhiếp ảnh đến các nội dung của báo mạng điện tử. Để thực hiện được việc này, cần có một sự “tích hợp” và “hội tụ” cả về nội dung lẫn hình thức xuất bản của một tờ báo. Để làm được như vậy, chúng ta cần có một nền tảng thống nhất giữa các dữ liệu được sử dụng. Ví dụ như: một phóng viên có thể thực hiện đưa tin tại hiện trường, đồng thời chuyển các dữ liệu (hình ảnh, âm thanh, video clips,…) thu nhận được về trung tâm tích hợp dữ liệu, ở đó dữ liệu sẽ được chia sẻ cho các phòng/ban hay phóng viên khác để thực hiện các bài viết sâu hơn, chi tiết hơn, cụ thể hơn. Các bài viết hoặc dữ liệu được tạo ra tiếp tục được lưu trữ tại trung tâm tích hợp dữ liệu để chia sẻ tới các phóng viên (hay đơn vị, phòng/ban) khác.
Bên cạnh đó, các hệ thống xử lí tin, bài thông minh sẽ cho phép tự tạo ra các tin, bài một cách tự động thông qua các kỹ thuật báo chí hiện đại như: báo chí dữ liệu, báo chí di động, megastory/longform, hay các kỹ thuật học máy hay xử lý/phân tích dữ liệu lớp khác. Cùng với đó, hệ thống lọc và phân tích nội dung cho phép lọc/phân tích thông tin dựa trên các vấn đề liên quan và lịch sử/nội dung các bài viết thông qua trung tâm tích hợp dữ liệu. Các dữ liệu này được coi là dữ liệu đầu vào cho toàn hệ thống. Song song với các hệ thống đó, hệ thống quản trị nội dung cho phép xử lý, quản lý các nôi dung tin/bài cho tòa soạn.
Vai trò của Ban Biên tập và Thư kí tòa soạn lúc này có vai trò đặc biệt quan trọng. Các dữ liệu thông tin liên quan đến chỉ đạo, báo cáo của Ban Biên tập, Thư ký Tòa soạn, Phóng viên sẽ được lưu trữ trên hệ thống, đồng thời thông qua hệ thống sẽ quyết định loại hình tin/bài sẽ được xuất bản lên các kênh truyền thông phù hợp.
Theo mô hình này, phóng viên sẽ nhận yêu cầu lấy tin tại hiện trường thông qua các phần mềm quản lý hoặc trực tiếp từ các phòng/ban hay ban biên tập và thư ký tòa soạn. Các thông tin thu thập được của phóng viên sẽ được chuyển về trung tâm tích hợp dữ liệu để các phòng/ban và các phóng viên khác tái sử dụng. Tại hiện trường, phóng viên có thể thực hiện các tin/bài mang tính cập nhật. Ban Biên tập và Thư ký tòa soạn có trách nhiệm kiểm soát thông tin trước khi xuất bản đến báo in hoặc báo mạng tùy theo nhu cầu và khả năng của tòa soạn. Cần xác định rõ, hội tụ trong trường hợp này là hội tụ nội dung, hội tụ công nghệ và hội tụ phương tiện trong truyền thông, khác với việc đưa tất cả các đơn vị, phòng ban, phóng viên về cùng một tòa nhà hay cùng một địa điểm.
Với sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là sự ảnh hưởng của kỷ nguyên số, cách làm báo đã hoàn toàn thay đổi so với môi trường truyền thống. Theo đó, sự tác động mạnh mẽ này đã mang lại xu thế của sự hội tụ về công nghệ, xuất bản theo yêu cầu của người dùng và các nền tảng báo chí mới đã ra đời nhằm đáp ứng các yêu cầu đó. Các vấn đề của báo chí – truyền thông dưới sự tác động của kỷ nguyên số kéo theo xu thế của hội tụ nội dung và công nghệ hiện nay đối với các cơ quan, tổ chức báo chí – truyền thông. Trong quá trình phát triển, vấn đề hội tụ nội dung, hội tụ công nghệ tại các toà soạn của các cơ quan báo chí – truyền thông phải đối mặt với các yếu tố dưới đây.
Một là, xuất hiện thế hệ công chúng số. Với sự thay đổi của công nghệ, một thế hệ công chúng mới ra đời – thế hệ công chúng số (digital audiences). Thế hệ công chúng này đòi hỏi một môi trường truyền thông năng động, sáng tạo và hiệu quả hơn. Công chúng mới đòi hỏi các tổ chức, cơ quan báo chí phải thay đổi để phục vụ tốt hơn như các yêu cầu về tuỳ biến, cá nhân hoá.
Hai là, sự phát triển nhanh và tác động mạnh mẽ của các loại hình báo chí – truyền thông và các phương tiện truyền thông mới. Cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng, các phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội, truyền thông xã hội, truyền thông trực tuyến … phát triển với tốc độ chóng mặt, tác động mạnh và bắt kịp nhanh hơn với xu hướng và thị hiếu của người sử dụng. Các phương tiện truyền thông mới kéo theo nhu cầu hội tụ nội dung và hội tụ công nghệ ngày càng mạnh mẽ.
Xem thêm: Một tờ báo truyền thống đang thử dùng Tik Tok tiếp cận độc giả tương lai
Ba là, ứng dụng của trí thông minh nhân tạo (AI – artificial intelligent) trong báo chí - truyền thông đã và đang chứng minh tính hiệu quả của nó. Các hệ thống làm tin tự động đã và đang được nhiều cơ quan báo chí ở nước ngoài áp dụng đã chứng minh rằng trí thông minh nhân tạo có thể dần thay thể con người trong các hoạt động báo chí – truyền thông.
Xem thêm: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí tại New York Times, Reuters và các tập đoàn truyền thông lớn
Bốn là, sự ra đời của các loại hình báo chí – truyền thông mới như thông tin đồ hoạ (infographics), siêu báo chí (megastory, longform), báo chí dữ liệu (data journalism), báo chí di động (mobile journalism), phân tích dữ liệu lớn cho báo chí – truyền thông (big data journalism) đã từng bước làm thay đổi hoạt động của các cơ quan báo chí – truyền thông. Ranh giới các loại hình báo chí truyền thống nhoà dần đi, thay vào đó là xu thế đa loại hình và liên loại hình. Chẳng hạn ứng dụng thực tại ảo và thực tại tăng cường cho phép các liên kết với báo mạng điện tử và kết nối với dữ liệu lớn, hoặc nó có thể phát hành dưới dạng tờ báo in đến người đọc báo in, nhưng có thể có bản e-paper dưới dạng file ảnh để công chúng đọc trên các thiết bị thông minh. Bản trực tuyến có thể đính kèm cả file âm thanh (nghe và xem cùng lúc).
Xem thêm: Phần mềm làm emagazine, longform, megastory của ONECMS
Năm là, xuất hiện báo chí đa nền tảng và báo chí đa giao diện. Trong xu thế của sự phát triển, các sản phẩm báo chí – truyền thông ngày càng phải đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng. Các sản phẩm ngày càng phải đáp ứng nhiều hơn về các yêu cầu công nghệ, đặc biệt là các tiêu chí về đa nền tảng và đa giao diện.
Sáu là, cá nhân hoá người dùng. Thế hệ công chúng mới có yêu cầu cao hơn về các sản phẩm báo chí – truyền thông. Thực tế cho thấy mỗi công chúng có các mối quan tâm khác nhau về một chủ đề nào đó. Báo chí – truyền thông ngày nay cho phép người dùng có thể xác định các mối quan tâm theo nhu cầu của mình thông qua các công cụ và giao diện khác nhau. Các hệ thống thông minh có thể thu thập hành vi và nhu cầu của người dùng để đưa ra các hiển thị về nội dung và giao diện phù hợp.
Xem thêm: Tờ The New York Times triển khai hệ thống gợi ý cá nhân hóa thế nào?
Bảy là, ứng dụng của thực tại ảo (VR- Virtual Reality) và thực tại tăng cường (Augmented Reality), trong đó thực tại ảo cho phép con người có thể được “sống” trong một môi trường ảo thì thực tại tăng cường cho phép người dùng trải nghiệm bằng các thông tin ảo. Thực tại ảo cho phép người dùng sử dụng các tương tác trong không gian mô phỏng thì thực tại ảo giúp người dùng tương tác với nội dung ảo trong môi trường thực. Sự tương tác này bao gồm cả đồ hoạ, âm thanh và cảm giác sẽ được thể hiện và hiển thị trong thời gian và không gian thực. Ứng dụng của thực tại ảo và thực tại tăng cường trong các sản phẩm báo chí – truyền thông đã và đang là xu thế và chứng minh sự hiệu quả của nó.
Xem thêm: Thực tế ảo ẩn chứa tiềm năng to lớn cho báo chí
Tám là, sự ứng dụng mạnh mẽ của chatbot. Trong việc ứng dụng công nghệ, các chương trình thông minh như chatbot - là một chương trình máy tính tương tác với người dùng bằng ngôn ngữ tự nhiên dưới một giao diện đơn giản, âm thanh hoặc dưới dạng tin nhắn đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Ở Việt Nam, VietnamPlus là cơ quan báo chí đầu tiên ứng dụng công nghệ này trong tương tác với độc giả khi truy cập vào fanpages hay website. Trong việc ứng dụng các thuật toán thông minh nhân tạo, chatbot này có khả năng có khả năng cá nhân hóa cho mỗi người dùng, dựa vào lịch sử trao đổi, trò chuyện giữa người và máy, qua đó cung cấp nội dung tốt nhất tới độc giả.
Xem thêm: Những ý tưởng bot giao tiếp với độc giả của báo điện tử hàng đầu
Qua các phân tích ở trên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực báo chí đã và đang mang lại các hiệu quả rõ rệt. Một kỷ nguyên mới của báo chí ra đời, kỷ nguyên của công nghệ số và hội tụ. Khái niệm tòa soạn hội tụ được đề cập đến như là một chìa khóa để mở ra một con đường mới cho các nhà báo, các tòa soạn báo hiện đại. Hội tụ được hiểu như là sự tích hợp của các thành phần khác nhau từ khâu lấy tin, in ấn, nhiếp ảnh đến các nội dung của báo mạng điện tử. Để thực hiện được việc này, cần có một sự “tích hợp” và “hội tụ” cả về nội dung lẫn hình thức xuất bản của một tờ báo. Để làm được như vậy, chúng ta cần có một nền tảng thống nhất giữa các dữ liệu được sử dụng. Một trung tâm tích hợp là cần thiết trong bối cảnh phát triển của khoa học và công nghệ hiện nay. Trung tâm này sẽ bao gồm các hệ thống như hệ thống tích hợp dữ liệu, hệ thống phân tích nội dung, hệ thống xử lý tin bài thông minh và hệ thống quản trị nội dung. Một thời đại mới sẽ mở ra cho ngành công nghiệp báo chí – truyền thông. Thời đại báo chí “số”!
[1]. Kolodzy, Janet. Convergence journalism: Writing and reporting across the news media. Rowman & Littlefield, 2006.
[2]. Thurman, Neil. "Mixed methods communication research: Combining qualitative and quantitative approaches in the study of online journalism." SAGE Research Methods Cases (2018).
[3]. Singer, Jane B. "Transmission creep: Media effects theories and journalism studies in a digital era." Journalism Studies 19.2 (2018): 209-226.
[4]. Canavilhas, João. "Journalism in the Twenty-First Century." Exploring Transmedia Journalism in the Digital Age (2018): 1.
[5]. Đỗ Thị Thu Hằng, Trần Quang Diệu, Báo chí thời công nghệ 4.0 http://nguoilambao.vn/bao- chi-thoi-cong-nghe-4-n7421.html [Truy cập 21/3/2018]
[6]. Đỗ Thị Thu Hằng, Trần Quang Diệu, Cách mạng công nghệ 4.0: Báo chí cần làm gì để không bị tụt hậu? http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Binh-luan/2017/45507/Cach-mang-cong- nghe-40-Bao-chi-can-lam-gi-de-khong.aspx nghe-40-Bao-chi-can-lam-gi-de-khong.aspx [Truy cập 21/3/2018].
[7]. CrewMachine, How AI and Machine Learning are Changing the Digital Landscape, http:// www.crewmachine.com/how-ai-and-machine-learning-changing-digital-landscape/ [Truy cập 21/3/2018].
[8]. Nguyễn Thành Lợi, Sự vận động và phát triển của báo chí hiện đại trong môi trường hội tụ truyền thông (Kỳ 1-2-3), Tạp chí Người làm báo, 2017.
Nội dung bài viết là bài tham luận của TS. Trần Quang Diệu, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Hội thảo khoa học Chuyển đổi số báo chí - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn do Tạp chí Thông tin & Truyền thông phối hợp với Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn tổ chức vào ngày 11/06/2022. ONECMS Blog đăng lại sau khi nhận được sự cho phép của TS. Trần Quang Diệu và BTC Hội thảo.