Blog

Một số kinh nghiệm chuyển đổi số và phát triển truyền thông mạng xã hội tại Báo Hà Tĩnh

Nguyễn Công Thành, Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh01/12/2023 14:58

Tham luận của Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh Nguyễn Công Thành tại Hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn do Báo Nhân Dân, Tỉnh ủy Thái Bình, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức tại Thái Bình sáng 30/11/2023

chuyen_doi_so_bao_ha_tinh(1).png

Chuyển đổi số báo chí - xu thế tất yếu

Với mục tiêu xây dựng nền báo chí cách mạng theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp đổi mới của đất nước, đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội…, ngày 06/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chiến lược chuyển đổi số báo chí xác định rõ một số mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2025:

  • 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước);
  • 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động;
  • 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số…
  • 100% cơ quan báo chí điện tử có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên;
  • Hình thành và phát triển các nền tảng số quốc gia cho báo chí.

Đến năm 2030:

  • 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước);
  • 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động;
  • 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số;
  • Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.

Rõ ràng, chuyển đổi số nói chung và trong lĩnh vực báo chí, truyền thông nói riêng hiện nay đã trở thành yêu cầu tất yếu, “không thể đảo ngược”; qua đó sẽ giúp các cơ quan báo chí tối ưu hóa phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất, phân phối nội dung và phương thức tiếp cận với người dùng. Nếu không đổi mới để bắt nhịp xu thế này, báo chí sẽ trượt khỏi “quỹ đạo” truyền thông số, dần đánh mất vai trò, vị thế và tất yếu sẽ bị đào thải.

tong_bien_tap_bao_ha_tinh_nguyen_cong_thanh_hoi_thao_thai_binh.jpg
Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh Nguyễn Công Thành trình bày tham luận: "Một số kinh nghiệm về chuyển đổi số và phát triển truyền thông mạng xã hội tại Báo Hà Tĩnh" tại Thái Bình ngày 30/11/2023. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.

Báo Hà Tĩnh và một số kết quả, kinh nghiệm bước đầu về chuyển đổi số

Những kết quả đạt được tại Hà Tĩnh

Bắt nhịp với guồng quay của báo chí hiện đại, những năm gần đây, các cơ quan báo chí chủ lực tại Hà Tĩnh đã chủ động chuyển đổi mô hình, phương thức, đổi mới cách tiếp cận công chúng, bạn đọc theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng.

Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật; hoàn thành Đề án “Nâng cấp chất lượng tín hiệu kênh HTTV trên vệ tinh Vinasat-2 từ tiêu chuẩn SD lên HD” và Đề án “Phát sóng kênh HTTV trên hệ thống truyền hình số mặt đất khu vực miền Trung và miền Nam” nhằm mở rộng diện phủ sóng, thực hiện mục tiêu đa phương thức truyền dẫn, đa nền tảng phát sóng truyền hình với chất lượng HD. Đồng thời, triển khai các bước cuối cùng của Dự án “Số hóa giai đoạn 3”…

Xem thêm: Tòa soạn hội tụ - hành trang vững chắc trong kỷ nguyên 4.0 của Báo Hà Tĩnh

Đặc biệt, Báo Hà Tĩnh là một trong những cơ quan báo chí thuộc hệ thống báo Đảng địa phương có sự “khởi động”, bắt nhịp khá sớm theo xu thế báo chí hiện đại, đa phương tiện, đa nền tảng; chú trọng ứng dụng CNTT, công nghệ số để nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành và lan tỏa thông tin. Từ năm 2018, Báo Hà Tĩnh đã đã xây dựng và áp dụng quy trình xuất bản theo mô hình Tòa soạn hội tụ nhằm tối ưu hóa quy trình, tận dụng tối đa nhân lực và trí tuệ tập thể; linh hoạt, chủ động trong việc tác nghiệp, xử lý thông tin.

toa_soan_hoi_tu_bao_ha_tinh.jpg
Tòa soạn hội tụ Báo Hà Tĩnh lấy xuất bản số làm trung tâm với việc chuyên nghiệp hóa quy trình xuất bản báo in, báo điện tử, báo nói, truyền hình, mạng xã hội. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Về hình thức thể hiện, Tòa soạn tập trung đổi mới cách trình bày báo in; đầu tư nâng cấp hệ thống, đổi mới giao diện báo điện tử kết hợp bổ sung các tính năng, tiện ích, dạng thức nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu đọc – xem – nghe của công chúng, bạn đọc,... Theo đó, bên cạnh các sản phẩm truyền thống, Báo Hà Tĩnh đã không ngừng đổi mới, gia tăng các sản phẩm đa phương tiện như: e-Magazine, longform, infographics, lens, story, truyền hình điện tử, livestream, “báo nói” điện tử...

Về quy trình, bám sát tôn chỉ mục đích, nhiệm vụ chính trị và các sự kiện, vấn đề thời sự trong tỉnh, trong nước, Tòa soạn chủ động xây dựng kế hoạch xuất bản hàng tháng, hàng tuần và cụ thể hóa bằng những “thực đơn” cho từng ngày, từng khung giờ. Tất cả các ngày trong tuần, Tòa soạn đều triển khai quy trình: Phóng viên đăng ký sản phẩm; phòng chuyên môn tổng hợp, báo cáo; Trung tâm hội tụ tổ chức giao ban, thảo luận, chốt “thực đơn” và điều phối xuất bản sản phẩm theo tính chất nội dung, theo từng khung giờ nhằm tối ưu hóa nhu cầu, thói quen tiếp cận thông tin của từng nhóm độ tuổi, đối tượng bạn đọc.

Theo một báo cáo riêng của ONECMS năm 2022, Fanpage Báo Hà Tĩnh có số lượng độc giả theo dõi nhiều nhất trong số các fanpage Báo Đảng địa phương được cấp chứng nhận chính chủ.

Về truyền thông mạng xã hội, từ năm 2014, khi hệ thống báo Đảng cả nước nhìn chung còn hết sức “dè dặt” với việc chia sẻ thông tin trên Facebook và các mạng xã hội khác, Báo Hà Tĩnh đã nhận thấy vai trò, xu thế của loại hình truyền thông này và đã khởi tạo trang Fanpage Báo Hà Tĩnh điện tử. Từ năm 2018, Báo tập trung phát triển trang Fanpage và xem đây như là một ấn phẩm chính thống của Tòa soạn. Hàng ngày, trên cơ sở các sản phẩm đăng tải trên Báo điện tử, Tòa soạn phân công bộ phận biên tập, kỹ thuật lựa chọn những sản phẩm phù hợp để xử lý, chia sẻ trên Fanpage chính thức và các trang mạng xã hội do Tòa soạn quản trị nhằm lan tỏa thông tin, tăng lượng bạn đọc tiếp cận, tương tác.

Đến nay (ngày 20/10/2023), Fanpage Báo Hà Tĩnh điện tử đã có gần 465.000 người theo dõi. Ngoài ra, Báo Hà Tĩnh còn thiết lập và quản trị nhiều trang Fanpage “vệ tinh” và các kênh trên MXH YouTube, Zalo, Tiktok follow, tương tác khá cao... Đây thực sự là những “cánh tay nối dài” để Tòa soạn chuyển tải, lan tỏa thông tin một cách nhanh chóng, thuận lợi và đa dạng đến với người đọc, người xem; đồng thời cũng là kênh quan trọng để Báo Hà Tĩnh định hướng kế hoạch phát triển kinh tế số báo chí trong tương lai.

Với sự vào cuộc quyết liệt và những những giải pháp đồng bộ, đến thời điểm hiện tại, Báo Hà Tĩnh đã có sự trưởng thành khá tốt ở cả 5 trụ cột theo Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tại Quyết định số 951/QĐ-BTTTT ngày 02/6/2023. Riêng đối với nhóm chỉ số về “Độc giả, khán giả, thính giả”, nhiều năm gần đây, Báo Hà Tĩnh luôn duy trì vị trí tốp đầu về lượng truy cập trong hệ thống báo Đảng toàn quốc (theo xếp hạng của trang Similar web, Báo Hà Tĩnh hiện đứng thứ 2 sau Báo Sài Gòn Giải Phóng).

luong_truy_cap_tu_mang_xa_hoi_vao_bao_ha_tinh.png
Trong 3 tháng gần nhất, lượng truy cập từ mạng xã hội vào Báo Hà Tĩnh chiếm 14.37%. Nguồn dữ liệu: SimilarWeb.

Một số bài học kinh nghiệm của Báo Hà Tĩnh

Từ thực tiễn hoạt động và những kết quả đạt được, Báo Hà Tĩnh rút ra một số kinh nghiệm trong tiến trình phát triển theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng, từng bước bắt nhịp xu thế chuyển đổi số và phát triển thông tin trên mạng xã hội:

Thứ nhất, đổi mới tư duy, xác định chiến lược từ tập thể, cá nhân lãnh đạo: Cách đây khoảng 10 năm trở về trước, khi thói quen tiếp cận thông tin của bạn đọc bắt đầu có xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ từ báo chí truyền thống (đọc báo in) sang báo mạng, “lướt web”, Báo Hà Tĩnh đã xác định phải đầu tư thỏa đáng cho báo điện tử bằng việc cải tiến nội dung, dạng thức sản phẩm, đổi mới giao diện, tăng các tính năng, tiện ích… để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của bạn đọc, nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Đây là sự chuyển đổi chưa có tiền lệ, chưa có mô hình để học tập nên gặp phải nhiều lực cản, đòi hỏi có sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao từ nhận thức đến hành động, từ Ban Biên tập đến các bộ phận chuyên môn. Nhận thức rõ điều này, Đảng ủy, Ban Biên tập xác định phải đổi mới, thể hiện sự đồng thuận, quyết tâm ngay từ những tập thể, cá nhân người đứng đầu.

Để tạo được “hành lang pháp lý”, tăng hiệu lực, hiệu quả công tác quản trị, điều hành thực hiện chiến lược, mục tiêu đề ra, Tòa soạn đã triển khai xây dựng “Đề án phát triển Báo Hà Tĩnh giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”. Sau khi Đề án được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, “đường hướng” phát triển của Báo Hà Tĩnh được xác định khá rõ với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; trong đó duy trì ổn định báo in theo hướng báo chí dữ liệu, đồng thời đẩy mạnh đổi mới, tối ưu hóa các tính năng, tiện ích, sức lan tỏa trên báo điện tử theo xu hướng hiện đại, đa phương tiện, đa nền tảng.

Thứ hai, tạo niềm tin, sự đồng thuận, quyết tâm trong từng bộ phận chuyên môn và cán bộ phóng viên: Có thể khẳng định, sự thống nhất về ý chí, hành động trong bộ máy lãnh đạo là yếu tố tiên quyết; song sự đồng thuận, quyết tâm của cả tập thể mới là sức mạnh quyết định sự thành bại.

Những ngày đầu triển khai chủ trương đổi mới và bắt tay thực hiện trong bối cảnh tư duy, kinh nghiệm, thói quen, kỹ năng làm báo của đại bộ phận cán bộ phóng viên còn theo nếp cũ, để làm thay đổi nhận thức và đi đến chung tay hành động là điều không hề dễ dàng. Đặc biệt, khi khối lượng, tính chất công việc tăng lên, yêu cầu chuyên môn về thời gian, chất lượng sản phẩm cao hơn…, trong khi thu nhập chưa được cải thiện (do nguồn kinh phí chi trả nhuận bút, thù lao vẫn như cũ) khiến không ít cán bộ, phóng viên, người lao động tâm tư, trăn trở.

Trước thực tế trên, Ban Biên tập đã tổ chức cho đội ngũ cốt cán đi tham quan, học tập kinh nghiệm mở mang tư duy, kiến thức, kỹ năng làm báo hiện đại tại các tờ báo lớn như: Báo điện tử VOV, VietnamPlus, Tuổi Trẻ, VnExpress, Zings và một số Báo Đảng địa phương có những thành công bước đầu theo xu thế đổi mới... Bên cạnh đó, hàng năm, Ban Biên tập xây dựng kế hoạch, mời các giảng viên, chuyên gia trực tiếp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên. Thông qua các chương trình tập huấn, học tập kinh nghiệm..., tư duy, nhận thức, quan điểm làm báo của đội ngũ cốt cán đã có sự chuyển biến rất tích cực và từng bước lan tỏa sâu rộng trong đội ngũ CBPV. Đây được xem cuộc cách mạng phá bỏ “thành trì”, khơi thông “điểm nghẽn” về nhận thức và “thế giới quan”, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để Báo Hà Tĩnh hòa vào dòng chảy mới của báo chí đa phương tiện, đa nền tảng.

Thứ ba, giải pháp đồng bộ, lộ trình phù hợp với khả năng, điều kiện thực tiễn của Tòa soạn: Khi nhận thức, tư tưởng được thông suốt (nói cách khác là đã “hội tụ” được ý chí, quyết tâm), Ban Biên tập quyết định triển khai các bước tiếp theo là hội tụ về quy trình và hội tụ về không gian làm việc.

Theo đó, năm 2018, Báo Hà Tĩnh đã tiến hành sáp nhập Phòng Thư ký Tòa soạn (báo in) với Phòng Báo điện tử; xây dựng và áp dụng “Quy trình xuất bản Báo Hà Tĩnh theo hướng hiện đại, đa phương tiện, đa nền tảng”. Cùng thời điểm này, được sự quan tâm của tỉnh, Báo Hà Tĩnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trụ sở mới với không gian, công năng phù hợp mới mô hình làm báo hiện đại; đồng thời kết hợp đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin. Nhờ đó, quy trình xuất bản các ấn phẩm tại Tòa soạn được tối ưu hóa.

Riêng báo điện tử, toàn bộ quy trình từ đầu vào đến xuất bản sản phẩm lên website đều được thực hiện trên hệ thống CMS với luồng tuyến, phân cấp khá rõ ràng. Các khâu xử lý kỹ thuật, làm SEO, tích hợp công cụ đo đếm, theo dõi các thông số trên báo điện tử được áp dụng để chăm sóc, phát triển bạn đọc.

Thứ tư, quan tâm đúng mức đến yếu tố con người, nhất là trang bị kiến thức, kỹ năng làm báo hiện đại, đa năng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên; thu hút, bố sung các vị trí nhân sự kỹ thuật, công nghệ: Trong kỷ nguyên báo chí công nghệ, báo chí số hiện nay, bên cạnh đổi mới cách thể hiện nội dung, sản phẩm báo chí còn phải tích hợp được các thông số, hình ảnh, hiệu ứng… theo xu hướng báo chí “5I” (Informed - thông tin; Intelligent - trí tuệ; Interesting - thú vị; Insightful - thấu hiểu; Interpretive - diễn giải).

Điều này đòi hỏi đội ngũ người làm báo không chỉ phải đầu tư công sức cho phần nội dung mà còn phải am hiểu công nghệ để sản xuất các sản phẩm đa phương tiện, tăng hàm lượng trí tuệ, diễn giải và tính sâu sắc, thú vị trong từng sản phẩm. Đây thực sự là bài toán không hề dễ đối với những cơ quan báo chí truyền thống, nhất là các báo Đảng địa phương.

Để tháo gỡ khó khăn này, Báo Hà Tĩnh đã tiến hành thu hút, tuyển dụng một số vị trí nhân sự kỹ thuật chuyên sâu; đồng thời chú trọng tổ chức các buổi tập huấn sử dụng các ứng dụng, phần mềm xử lý ảnh, video, đồ họa… cho PV, BTV, KTV. Từ nhiều năm nay, việc sử dụng thành thạo một số ứng dụng, phần mềm xử lý ảnh, video, đồ họa trở thành yêu cầu bắt buộc, tiêu chí thi đua đối với PV, BTV, KTV Báo Hà Tĩnh trong quá trình tạo và xuất bản các tác phẩm báo chí. Đây là một trong những giải pháp khá hữu hiệu để Báo Hà Tĩnh chuyên nghiệp hóa quy trình từ “đầu vào” sản phẩm đến các khâu xử lý, xuất bản trên các ấn phẩm; đồng thời trang bị cho CPBV những kiến thức, kỹ năng, thói quen cần thết để đáp ứng yêu cầu tác nghiệp báo chí thời công nghệ số.

Thứ năm, chú trọng phát triển các trang/kênh mạng xã hội, xem đây là những “ấn phẩm” chính thống của Tòa soạn: Có thể khẳng định, báo chí đa phương tiện, đa nền tảng và báo chí số không thể tách rời với mạng xã hội.

Theo một thống kê mới đây, trung bình mỗi người dùng Internet tại Việt Nam dành ra 2 giờ 19 phút mỗi ngày để truy cập mạng xã hội. Thống kê này cho thấy, mạng xã hội vẫn đang và sẽ đóng một vai trò trung tâm trong cuộc sống hằng ngày của người dân Việt Nam.

Do đó, bên cạnh chịu sự tác động, cạnh tranh khốc liệt từ mạng xã hội, báo chí cũng có thể tận dụng, khai thác mạng xã hội để lan tỏa thông tin trên các ấn phẩm đến với công chúng, bạn đọc một cách thuận tiện, nhanh chóng nhất.

Về lâu dài, mạng xã hội cũng là công cụ khá cần thiết và hữu hiệu để phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số, nguồn thu từ các họp đồng truyền thông, quảng cáo trên báo in, báo điện tử ngày càng “teo tóp”.

Với phương châm “ở đâu có mạng xã hội, ở đó có Báo Hà Tĩnh”, những năm gần đây, Báo Hà Tĩnh đã có sự đầu tư nghiêm túc cho việc phát triển truyền thông mạng xã hội và đã mang lại nhiều lợi ích, giá trị tích cực.

Với gần 465.000 người theo dõi ở thời điểm hiện tại, Fanpage Báo Hà Tĩnh điện tử thực sự là công cụ quan trọng để Tòa soạn la tỏa thông tin và bước đầu mang lại nguồn thu từ hoạt động truyền thông, quảng cáo trên nền tảng này.

Bên cạnh đó, Báo Hà Tĩnh còn thiết lập và quản trị nhiều trang Fanpage “vệ tinh” và các kênh trên MXH YouTube, Zalo, Tiktok với mục tiêu vừa tạo nên những “cánh tay nối dài” của Tòa soạn; đồng thời tạo tiền đề, “dư địa” khai thác kinh tế số báo chí thông qua mạng xã hội trong xu thế phát triển hiện nay.

cdn.baohatinh.vn-dnn-news-2233-_106d0130152t5517l1-127d5075052t354l6-12.jpg
Một số sản phẩm đa phương tiện của Báo Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.

Những khó khăn, vướng mắc và vấn đề đặt ra

Mặc dù đã tạo được những dấu ấn nhất định, song phải thẳng thắn nhìn nhận, những kết quả nêu trên của Báo Hà Tĩnh còn hết sức khiêm tốn và mới chỉ là bước khởi đầu trong hành trình bắt nhịp với xu thế báo chí hiện đại, chuyển đổi số báo chí. Từ thực tiễn hoạt động trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy chặng đường chuyển đổi số báo chí trong những năm tới vẫn còn rất nhiều ghập ghềnh, thử thách.

Chuyển đổi số trước hết phải bắt đầu từ yếu tố con người; phải đổi mới tư duy, nhận thức của cá nhân, tập thể người đứng đầu để truyền cảm hứng, hoạch định chiến lược, mục tiêu và lộ trình, giải pháp thực hiện. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, nên vấn đề nhận thức, quyết tâm về chuyển đổi số, đổi mới mô hình quản trị, quy trình xuất bản, ứng dụng công nghệ số, khai thác kinh tế số đối với các cơ quan báo Đảng địa phương còn nhiều lực cản, hạn chế.

Bên cạnh những yếu tố chủ quan nêu trên, có nhiều nguyên nhân khách quan khiến các cơ quan báo chí (nhất là các cơ quan báo chí lâu nay hoạt động từ nguồn ngân sách) còn dè dặt, e ngại trong việc đổi mới mô hình, phương thức hoạt động theo hướng báo chí thời đại công nghệ số. Như đã đè cập, chuyển đổi số thực sự là một cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức. Đối với các cơ quan báo chí, yếu tố cốt lõi để tạo dụng được một mô hình, quy trình, sản phẩm báo chí hiện đại đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực có sức trẻ - cả về tư duy, tuổi tác, cảm hứng và năng lượng làm việc…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không chỉ riêng Báo Hà Tĩnh mà đối với đại đa số các cơ quan báo Đảng địa phương hiện nay, đội ngũ nhân lực đang bị “già hóa bền vững” do bị ràng buộc bởi các quy định về tổ chức bộ máy và chính sách tinh giản biên chế. Muốn giải được bài toán nhân lực, các cơ quan báo chí không còn con đường nào khác là phải tuyển dụng, ký hợp đồng lao động bổ sung các nhân sự trẻ, được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ làm báo hiện đại, có kiến thức, kỹ năng về CNTT. Thế nhưng, với các quy định pháp luật hiện nay, nhiều cơ quan báo chí không thể tuyển dụng hoặc ký kết hợp đồng chuyên môn do còn phụ thuộc vào đề án vị trí việc làm được cơ quan chủ quản phê duyệt.

Mặt khác, nếu được phép ký hợp đồng thì các cơ quan báo chí cũng phải tự cân đối nguồn kinh phí ngoài ngân sách để chi trả lương và các chế độ liên quan cho lực lượng lao động hợp đồng này. Với điều kiện tài chính hiện nay, hầu hết các Báo địa phương đều “lực bất tòng tâm”, dẫu rất biết và rất muốn trẻ hóa đội ngũ.

Chuyển đổi số là đổi mới quy trình, phương thức hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ, với mục tiêu cao nhất là giảm chi phí, nhân công; tăng hiệu suất, hiệu quả công việc. Bởi vậy, cùng với xây dựng đội ngũ “nhân lực số”, “quy trình số”, còn phải đầu tư ứng dụng các nền tảng công nghệ số vào hoạt động quản trị, điều hành, tổ chức sản xuất… Trong bối cảnh nguồn nhân lực con thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, cộng với nguồn kinh phí đầu tư cho hạ tầng số tại các cơ quan báo chí địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu chiến lược bền vững… Đây chính là những vướng mắc, lực cản lớn nhất đối với Báo Hà Tĩnh và các cơ quan báo chí địa phương trong hành trình thực hiện các mục tiêu mà Chiến lược chuyển đổi số báo chí đã đề ra.

Từ những kết quả, kinh nghiệm và vấn đề đặt ra trong thực tiễn hoạt động của Báo Hà Tĩnh thời gian qua, để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu như Chiến lược chuyển đổi số báo chí quốc gia đã đề ra, tôi xin mạnh dạn nêu lên một số vấn đề mấu chốt:

- Trước hết, các cơ quan báo chí cần nhận thức rõ chuyển đổi số là xu thế tất yếu, từ đó xác định quyết tâm, định hướng chiến lược, xây dựng lộ trình, kế hoạch, mục tiêu, giải pháp về chuyển đổi số cho từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn đối với đơn vị mình.

- Đảng, nhà nước và các cấp, ngành cần quan tâm và có cơ chế, chính sách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nguồn nhân lực cho các cơ quan báo đảng địa phương: Theo Quy định số 338-QĐ/TW ngày 26/11/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan báo của đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, định hướng số biên chế được giao “Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, số kỳ phát hành trong tuần (không tính các ấn phẩm khác)”. Trong khi đó, thực tiễn hiễn nay các toà soạn đều hoạt động theo mô hình đa phương tiện, đa nền tảng; do đó, việc định hướng biên chế như hiện nay là chưa phù hợp (chưa nói đến việc phải thực hiện lộ trình tinh giản). Để bổ sung đội ngũ nhân lực trẻ có kiến thức về công nghệ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, các cơ quan báo đảng địa phương hiện cũng đang bị ràng buộc bởi rất nhiều quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập; mặt khác, hầu hết không thể cân đối được nguồn kinh phí tự chủ để chi trả lương và các chế độ khác cho đội ngũ lao động hợp đồng ngoài biên chế.

- Cần nghiên cứu, cân nhắc phương thức, lộ trình, mức độ áp dụng cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp là cơ quan báo của đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, hiện nay, cơ quan báo của đảng bộ tỉnh, thành phố đang phải xây dựng, thực hiện lộ trình tự chủ. Đây thực sự là bài toán khó, là áp lực rất lớn đối với các đơn vị sự nghiệp thực hiện chức năng, nhiệm vụ “là cơ quan ngôn luận của đảng bộ, chính quyền và nhân dân…”. Với tôn chỉ, mục đích và sự mệnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, các cơ quan báo tỉnh/thành phố không thể hoạt động theo hướng “thương mại hóa” và khai thác kinh tế báo chí bằng mọi cách. Mặt khác, việc khai thác nguồn thu từ quảng cáo, truyền thông đối với báo chí nói chung và hệ thống báo Đảng địa phương cũng ngày càng khó khăn, sụt giảm do nhu cầu, phương thức tuyên truyền, quảng cáo đã thay đổi xu thế, thị hiếu và các nền tảng mới. Trong khi, để phát triển kinh tế báo chí từ việc khai thác thế mạnh của không gian số đang là câu chuyện khá mới mẻ và chưa dễ thực hiện trong đời sống báo chí Việt Nam hiện tại cũng như trong tương lai gần.

- Quan tâm hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng số cho cơ quan báo đảng: Không chỉ khó khăn về cơ chế, nguồn nhân lực, hều hết các cơ quan báo chí địa phương đang rất khó khăn về hạ tầng công nghệ, đầu tư ứng dụng, sử dụng các nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu, trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số… Nếu không có sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư từ nguồn ngân sách, chắc hẳn “cái khó bó chặt cái khôn”, chuyển đổi số theo mục tiêu, chiến lược đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ là “nhiệm vụ bất khả thi” đối với các cơ quan báo đảng./.

Bài tham luận do Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh Nguyễn Công Thành trình bày tại Hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn do Báo Nhân Dân, Tỉnh ủy Thái Bình, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức tại Thái Bình sáng 30/11/2023.

ONECMS Blog trân trọng cảm ơn Tổng Biên tập Nguyễn Công Thành đã cho phép ONECMS Blog đăng lại toàn văn bài tham luận với rất nhiều chia sẻ tâm huyết này.

Đọc tiếp

Một số hạn chế về công nghệ tại các cơ quan báo Đảng địa phương

Tổng hợp một số hạn chế về công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan báo Đảng địa phương do các diễn giả chia sẻ tại Hội nghị Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc năm 2022
Từ khóa phổ biến
Cách tốt nhất để xem chúng tôi có phù hợp với nhu cầu của bạn không là...
Liên hệ tư vấn
(Hoàn toàn miễn phí)
SẢN PHẨM VỚI TẤT CẢ NIỀM ĐAM MÊ CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ NEKO
  • Địa chỉ: Tầng 2, Tòa B, Chung cư Xuân Phương Residence, Đường Trịnh Văn Bô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Điện thoại: 024.2324.8989 - Email: info@neko.vn
  • DMCA.com Protection Status