(ONECMS) - Quá trình chuyển đổi từ kể chuyện bằng văn bản sang âm thanh, xu hướng trong thời của podcast, có thể đầy trở ngại và đôi khi phức tạp đến khó tin...
Việc một nhà báo báo viết lấn sân sang lĩnh vực báo nói không phải là hiếm. Trong thời đại công nghệ làm báo điện tử phát triển, podcast trở thành xu hướng mới, một nhà báo đôi khi đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau, nhiều loại hình báo chí khác nhau.
Mặc dù cả hai ngành, báo viết và báo nói, đều yêu cầu nền tảng kiến thức báo chí, nhưng chúng như 2 thế giới khác biệt. Quá trình chuyển đổi từ kể chuyện bằng văn bản sang âm thanh có thể đầy trở ngại và đôi khi phức tạp đến khó tin, nhưng có một vài lời khuyên hữu ích để mọi chuyện dễ dàng hơn.
Học cách viết cô đọng
Trong văn viết, có rất nhiều chỗ cho những từ ngữ hoa mỹ và những cụm từ phức tạp, nhưng điều đó không có mấy tác dụng trong âm thanh. Người viết sẽ bị giới hạn trong nguyên tắc chuyển đổi từ số lượng từ sang phút âm thanh. Một câu chuyện đọc dài khoảng 4 phút chỉ cần khoảng 500 đến 600 từ. Podcast, radio, hay bản tin phát thanh đều cần có kịch bản, và kịch bản cần ngắn gọn, dễ đọc, không có bất kỳ từ nào không cần thiết.
Không phải mọi thứ trông ổn trên giấy đều mang đến bản ghi âm tốt
Một số từ ngữ hoa mỹ mà người viết yêu thích dường như lại không ổn khi nghe bằng tai. Viết cho đôi tai là một nghệ thuật khác. Trong trường hợp kể chuyện bằng âm thanh, đơn giản thường tốt hơn. Người kể chuyện sẽ rất khó đọc những câu phức tạp, điều đó thường dẫn đến việc nhầm lẫn và rối loạn. Người nghe cũng có xu hướng bị sao nhãng khi có những câu từ phức tạp, dẫn đến bỏ sót thông tin. Vì thế khi viết kịch bản âm thanh, hãy đọc to một vài lần để nhận ra bắt bất kỳ chỗ phát âm khó nào.
Thay đổi phong cách phỏng vấn
Trong báo viết, phỏng vấn chủ yếu để thu thập thông tin và lấy ra một vài trích dẫn "tô điểm" cho bài viết. Trong khi đó đối với báo nói, cuộc phỏng vấn gần như là sản phẩm cuối cùng. Với podcast hoặc bản tin phát thành, loại hình được chỉnh sửa trước khi xuất bản, người phỏng vấn có thể ứng biến đối thoại nếu có điều gì chưa rõ ràng, tuy nhiên khi phỏng vấn trực tiếp, mọi thứ phải rõ ràng ngay lập tức.
Người phỏng vấn phải chuẩn bị cho bất cứ điều gì, còn người được phỏng vấn cần hiểu những gì họ được mong đợi. Cách tốt nhất để chuẩn bị cho bất kỳ cuộc phỏng vấn phát thanh nào, đó là thực hiện phỏng vấn trước bằng những cuộc trò chuyện bình thường, nơi người phỏng vấn có thể hỏi những câu cơ bản về chủ đề, hiểu rõ hơn về người được phỏng vấn, và tóm tắt những gì dự kiến ở cuộc phỏng vấn.
Một mẹo hay là luôn yêu cầu người được phỏng vấn lặp lại câu hỏi trước khi trả lời, điều này cho phép chỉnh sửa dễ dàng hơn, và người phỏng vấn cũng không phải xen vào làm rõ bất cứ điều gì.
Tìm kiếm âm thanh nền
Bên cạnh kịch bản hay và những nhân vật được phỏng vấn xác đáng, một câu chuyện bằng âm thanh cũng cần những âm thanh nền và hiệu ứng, để tạo chiều sâu và sự sống động.
Ví dụ, câu chuyện về công việc bàn giấy có thể được thêm âm thanh xáo trộn giấy tờ, tiếng gõ bàn phím, hay tiếng xì xào tán gẫu. Trong khi đó, câu chuyện về người điều khiển đường sắt Disneyland nên có tiếng tàu chạy, nhạc nền Disney, hay tiếng mọi người chơi đùa vui vẻ.
Học thêm thuật ngữ trong ngành
Hãy tạm thời bỏ lại những khái niệm như tít, sapô, hay tít xen, để chuẩn bị tiếp nhận một kho từ vựng mới. Khi chuyển đổi sang báo nói, bạn cần hiểu những thuật ngữ mà người trong ngành hay nói. Ví dụ, "track" là bản ghi lời người đọc, "intro" và "outro" là phần kịch bản để mở và kết một câu chuyện. Đây chỉ là một vài trong số rất nhiều thuật ngữ được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp âm thanh, và còn rất nhiều thuật ngữ khác nữa.
Nhìn chung ai cũng cần có thời gian để học kỹ năng mới, vì vậy đừng quá căng thẳng về những điều mới lạ và cố gắng làm đúng từng chi tiết. Bạn chỉ cần chịu khó thực hành, học hỏi từ những sai lầm và không bỏ giữa chừng. Bạn sẽ không học được trong một sớm một chiều, nhưng sẽ dần trau dồi kỹ năng với thời gian, sự kiên nhẫn và sự tự tin.