(ONECMS) - Thời gian gần đây, các tòa soạn báo trong nước bắt đầu nắm bắt xu thế podcast với nhiều hướng đi khác nhau, từng bước tìm kiếm sự đón nhận của khán thính giả.
Podcast là phương thức truyền thông mới, được đóng gói thành file âm thanh có khả năng tải xuống và nghe bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu. Thời gian gần đây, các tòa soạn báo trong nước bắt đầu thử nghiệm, nắm bắt xu thế này. Vậy họ đang làm như thế nào?
Khai thác tin thời sự
Những chương trình điểm tin thời sự là nội dung cơ bản của podcast, phát huy đúng thế mạnh của cơ quan báo chí. Báo Nhân dân đang làm tốt dạng podcast này, với một chương trình thời lượng chỉ khoảng 12-15 phút, đủ để nghe trên quãng đường di chuyển từ nhà đến công ty, và từ công ty về nhà.
Podcast Báo Nhân dân (rND) có bản tin buổi sáng phát hành từ khoảng 7h30 đến 8h00 sáng, cùng bản tin buổi chiều phát hành vào khoảng 17h30 đến 18h00. Mặc dù không dài nhưng nội dung của mỗi chương trình đầy đủ các sự kiện nổi bật trong nước và quốc tế, tin thời tiết, tin thể thao...
Nhiều người bắt đầu nhận thấy đây là hình thức cập nhật tin tức nhanh, thuận tiện trong lúc làm những công việc khác. VOV cũng có bản tin thời sự với thời lượng dài hơn một chút (25-30 phút), tận dụng nguồn từ chương trình sẵn có của đài phát thanh.
Làm thời sự chuyên đề
VietnamPlus không đi theo hướng điểm tin tổng hợp, nhưng làm chương trình podcast chuyên đề theo dòng thời sự. Điều này khá bất ngờ đối với một đơn vị của Thông tấn xã Việt Nam. Tuy nhiên podcast chuyên đề cũng cho thấy giá trị khác biệt, nhất là trong thời kỳ đại dịch.
Ngoài VietnamPlus, Báo Lao động cũng có những podcast chuyên đề, với những đề tài như "Hồi ức mai táng và lưu giữ lại di ảnh bệnh nhân mất vì Covid-19", hay "Việc làm mùa dịch: Cử nhân luật gửi một lúc 30 CV ứng tuyển".
Khai thác thế mạnh sẵn có
Giống như VOV tận dụng bản tin đài phát thanh, nhiều cơ quan báo chí cũng khai thác nguồn tài nguyên sẵn có để làm mới kho podcast. Báo Quân đội nhân dân là ví dụ tiêu biểu với chương trình "Ngày này năm xưa", giới thiệu những mốc thời gian, sự kiện quan trọng, gắn liền với tiến trình xây dựng và phát triển của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam.
Có thể thấy khó có đơn vị nào đầy đủ tài liệu về mảng này hơn Báo Quân đội nhân dân. Mặt khác, nhiều báo cũng khai thác nguồn truyện ngắn dồi dào của mình để làm podcast.
Làm chương trình podcast đối thoại
Các cơ quan truyền thông nước ngoài làm được những podcast đối thoại rất hay, có thể mời chuyên gia để thảo luận một vấn đề nào đó. Điều đáng tiếc là báo chí Việt Nam chưa phát triển nhiều theo hướng này.
Hiện nay chỉ có VnExpress khai thác dạng podcast này, chủ yếu liên quan đến vấn đề sức khỏe, tâm lý tình cảm. Nếu các báo có thể triển khai đối thoại đối với các vấn đề quốc kế dân sinh, chắc hẳn cũng sẽ có đông đảo khán thính giả đón nhận.
Triển khai trên nhiều nền tảng
Một điều tích cực đáng ghi nhận nữa là các báo khi làm podcast đã sớm triển khai trên các nền tảng lớn của Google, Apple, hay Spotify. Điều này hỗ trợ khả năng tiếp nhận đa thiết bị, từ điện thoại, máy tính, cho đến dàn âm thanh trên ô tô.