(ONECMS) - Ứng xử tình huống khi tác nghiệp, sử dụng đúng cách các tính năng của điện thoại di động để tác nghiệp là những kỹ năng mà nhà báo cần khi tác nghiệp trong xu thế hội tụ truyền thông.
Trong những năm qua, công nghệ hiện đại đã giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn, tạo nên sự ganh đua trong việc đưa thông tin nhanh chóng, chuẩn xác, giật gân giữa các nhà báo và cơ quan báo chí. Hiện nay, chỉ cần có một chiếc điện thoại tầm tầm với chức năng quay phim chụp ảnh, ai cũng có thể trở thành một “phóng viên hiện trường”.
Ngày 17 tháng 2 năm 2004, bức ảnh đầu tiên trên thế giới chụp bằng điện thoại di động (ĐTDĐ) được đăng trên tờ báo uy tín The New York Times (Mỹ). Tuy chỉ là bức ảnh bình thường chụp lễ ký kết của hai công ty điện thoại, nhưng nó chính là cột mốc, đánh dấu sự ra đời của hình thức thu thập tin tức bằng ĐTDĐ.
Chỉ 5 năm sau, các nhà báo tác nghiệp bằng ĐTDĐ đã rất phổ biến ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Khi gặp hoặc nhận được thông tin về một sự kiện, nhà báo ở gần hiện trường nhất, dù không có các thiết bị chuyên dụng như máy ảnh kỹ thuật số, máy quay phim, laptop… vẫn có thể đến và tác nghiệp bằng chính chiếc ĐTDĐ của mình.
Chính vì vậy, một hình thức làm báo mới, một khái niệm mới được đưa ra: “Mobile Journalism (hay còn gọi là Mobile reporting)” - Làm báo bằng điện thoại di động. Người làm báo sử dụng các tính năng sẵn có của ĐTDĐ, cộng thêm các ứng dụng (apps) hỗ trợ để tạo ra các sản phẩm báo chí một cách nhanh chóng nhất.
Kỹ năng “cứng” và “mềm”
Để tác nghiệp bằng ĐTDĐ nhà báo cần trang bị 2 hai nhóm kỹ năng chính: Kỹ năng mềm và kỹ năng cứng.
Kỹ năng mềm trong tác nghiệp báo chí, cụ thể trong tác nghiệp bằng ĐTDĐ được hiểu là khả năng ứng xử tình huống khi tác nghiệp gồm: kỹ năng giao tiếp tại hiện trường để thu thập thông tin; kỹ năng xử lý thông tin, sự nhạy bén trong mỗi tình huống.
Kỹ năng mềm (hay còn gọi là Kỹ năng thực hành xã hội) là thuật ngữ liên quan đến trí tuệ, xúc cảm dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: kỹ năng sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, kỹ năng xử lý tình huống…
Đạo diễn Nguyễn Đức Hòa - Phó Ban Thanh thiếu niên VTV6 - Đài Truyền hình Việt Nam, hiện đang thực hiện hướng dẫn, giảng dạy cho các phóng viên, BTV Đài THVN kỹ năng tác nghiệp bằng ĐTDĐ đã chia sẻ: “Với thế mạnh và tiêu chí của loại hình truyền hình, dường như chất lượng hình ảnh từ ĐTDĐ không đáp ứng được với tiêu chuẩn phát sóng của các Đài hiện nay. Nhưng khi anh có thể ứng xử tình huống tốt cộng với việc hầu hết các máy ĐTDĐ mới đều có tính năng quay full HD, có thể đáp ứng được chất lượng hình ảnh, thì sản phẩm anh làm ra không khác gì các máy chuyên dụng”.
Các PV, BTV khi chủ động quay bằng ĐTDĐ, có thể hình ảnh không nghệ thuật, không chau chuốt, chỉn chu như chất lượng hình của các quay phim chuyên nghiệp, nhưng là một phóng viên, nhất là phóng viên tại hiện trường, khi chủ động ghi hình, họ có góc nhìn ở một khía cạnh khác. Đó chính là các PV, BTV đã đặt mình trong hoàn cảnh, sự việc, sự chân thực của hình ảnh và quan trọng nhất là cảm xúc phong phú, tạo được sự đồng cảm và cảm xúc của khán giả.
Kỹ năng “cứng” thường được hiểu là những kiến thức, đúc kết và thực hành có tính chất kỹ thuật nghề nghiệp. Kỹ năng cứng được cung cấp thông qua các môn học đào tạo chính khóa, có liên kết logic chặt chẽ và xây dựng tuần tự như: kiến thức về loại hình báo chí, thể loại báo chí; kiến thức chụp & chỉnh sửa ảnh, quay & dựng video, ghi âm, soạn thảo văn bản, biên tập… bằng ĐTDĐ.
Trong thực tế, nhà báo vẫn có thể làm ra một sản phẩm báo chí bằng ĐTDĐ không khác gì sử dụng thiết bị chuyên dụng. Một số nhà báo đã sử dụng rất tốt phương tiện nhỏ bé này để tác nghiệp nhờ những kỹ năng cơ bản. Như nhóm phóng viên Mobile Reporting của báo điện tử Vietnamplus, đã sử dụng kỹ năng quay phim, chụp ảnh, soạn thảo văn bản để đưa loạt tin về vụ việc Quán karaoke ở 68 Trần Thái Tông bị cháy.
Chia sẻ về kỹ năng chụp ảnh và xử lý ảnh, phóng viên Trung Kiên, thường trúTTXVN cho biết: “Để chụp ảnh bằng ĐTDĐ được tốt, ngoài việc nắm những kiến thức cơ bản, người chụp cần hiểu biếtrõ về camera được trang bị trên ĐTDĐ, cũng như các phần mềm hỗ trợ chụp ảnh của ĐTDĐ. Một số thông tin cần lưu ý như: Megapixel (số điểm ảnh), WhiteBlance (cân bằng trắng), Độ phơi sáng (Exposure Value), ISO (độ nhạy sáng), lấy nét, chống rung quang học OIS, kích thước điểm ảnh, các phần mềm hỗ trợ chỉnh sửa ảnh trên smartphone”.
Marc Blank-Settle, người từng đào tạo 500 phóng viên của BBC về đưa tin bằng smartphone tại Đại học Báo chí BBC cho rằng, smartphone là công cụ quay video lý tưởng khi xảy ra các vụ việc bất ngờ. Lúc này, tất cả những gì mà phóng viên cần chỉ là kỹ năng “kể chuyện” mà thôi.
Một trong những kỹ năng mà nhà báo tác nghiệp bằng ĐTDĐ rất cần đó là cách thức ghi âm. Thực tế, mọi người thường sử dụng ngay chính tính năng ghi âm sẵn có trên điện thoạiđể ghi âm. Tuy nhiên, những file ghi âm này hầu hết chỉ dành cho mục đích phỏng vấn, ghi lại một đoạn hội thoại trực tiếp hoặc qua gọi thoại, sau đó nhà báo sẽ bóc băng, dùng những nội dung thu được để triển khai bài viết.
Thực tế, ngoài phát thanh và một số tin tức đặc biệt được đưa tin qua điện thoại trên truyền hình, hầu hết các loại hình báo chí khác đều ít sử dụng file ghi âm trong bài viết.
Một số ứng dụng ghi và chỉnh sửa âm thanh Audioboo, SoundCloud, audioBoom, Cogi, Active Voice, Voice recorder… hỗ trợ rất tốt trong việc cắt, chỉnh sửa file.
Hiện nay, với ĐTDĐ sử dụng hệ điều hành Android 4.2 trở lên và iOS 5.0 trở lên đều có thể sử dụng công cụ soạn thảo sẵn có trên máy. Cộng thêm việc, bàn phím QWERTY, việc gõ văn bản trên điện thoại trở nên dễ dàng hơn cho các phóng viên muốn thực hiện bài viết ngay tại hiện trường mà không có laptop.
Với những nhà báo muốn việc soạn thảo với điện thoại trở nên chuyên nghiệp hơn có thể sử dụng phụ kiện như: bàn phím rời, giá đỡ điện thoại, bao da điện thoại gắn kèm bàn phím tiện dụng.
Khi gặp hoặc nhận được thông tin về một sự kiện, nhà báo có thể đến và tác nghiệp bằng chính chiếc ĐTDĐ của mình. |
“Dùng ĐTDĐ để gõ văn bản sẽ bị hạn chế nhiều, nhất là khi chỉ có thể bấm chữ bằng 2 ngón tay cái, nên tôi thường sử dụng câu ngắn, cô đọng. Mỗi ý là một đoạn, vậy nên có những đoạn chỉ có một câu” - Phóng viên Nguyễn Đức Yên, báo điện tử VietNamNet chia sẻ về việc soạn thảo văn bản.
Trong thực tế, hầu hết các phóng viên, nhà báo sử dụng điện thoại để tác nghiệp đều có phong cách viết text ngắn, câu ngắn gọn, đoạn cũng ngắn, chỉ bảo đảm ý chính, thông tin chính xác.
Hiện nay, việc soạn thảo văn bản, chụp ảnh, quay video bằng điện thoại di động rất thuận tiện gửi về tòa soạn khi người dùng thường cài đặt mạng 3G/4G. Dù ở đâu, miễn có sóng mạng 3G/4G, nhà báo đều có thể gửi tin/video về tòa soạn ngay lập tức.
Song vẫn còn một số hạn chế là những tác phẩm báo chí được tác nghiệp bằng ĐTDĐ vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả truyền thông tốt về cả chất lượng hình ảnh, âm thanh video. Ngoài ra, hầu hết hệ thống đẩy tin bài, duyệt tin bài của các báo, trang tin chưa có phiên bản dành cho ĐTDĐ nên dù phóng viên có tác nghiệp bằng ĐTDĐ vẫn phải gửi sản phẩm về tòa soạn và có người hỗ trợ đưa lên CMS.
Chính vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ từ lãnh đạo cơ quan báo chí, việc tác nghiệp bằng ĐTDĐ sẽ trở nên khó khăn hơn và các phóng viên cũng ngại sử dụng điện thoại di động hơn.
Vĩ thanh
Hiện nay, xét theo nhu cầu “đọc” báo của công chúng, độc giả thích “xem”, “nhìn” hơn là “đọc”, vì vậy mà video và ảnh trên báo được sử dụng tối đa, thay vì text dài như trước đây. Vì thế việc làm báo bằng ĐTDĐ là xu hướng mà báo chí thế giới đã và đang phát triển rất nhanh.
Dự đoán của nhiều chuyên gia, tương lai tới sẽ bùng nổ về cách làm báo trên ĐTDĐ và các ứng dụng trên mạng xã hội chưa thể thay thế hoàn toàn những công cụ tác nghiệp chuyên nghiệp cũng như thói quen sử dụng của phóng viên với máy ảnh, máy quay phim, song ĐTDĐ đang ngày càng hỗ trợ phóng viên tốt hơn trong việc sản xuất thông tin, với khả năng làm việc da dạng từ tin văn bản, hình ảnh đến video, và đặc biệt là khả năng kết nối và truyền tải dữ liệu mọi lúc, mọi nơi. Có thể xem ĐTDĐ là thiết bị “all in one” (tất cả trong một) không thể thiếu của một phóng viên, ở bất kỳ thời điểm nào, tại bất kỳ đâu.
Chính vì vậy, cần có những giải pháp kịp thời để nâng cao kỹ năng tác nghiệp báo chí bằng ĐTDĐ cho nhà báo để đạt được hiệu quả truyền thông tốt nhất trong môi trường số.
*Nguồn: nguoilambao.vn.