onecms - blog

Tầm quan trọng của nội dung trong thời đại báo điện tử

(ONECMS) - Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Báo Đời sống & Pháp luật và Người Đưa Tin vừa có bài trả lời phỏng vấn rất đáng suy ngẫm trên tờ Nhà báo & Công luận số Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 về vai trò cốt lõi không thể thay thế của nội dung trong làm báo điện tử dù công nghệ đang ngày một phát triển.

M.O.D | 24/01/2019 13:33
Tầm quan trọng của nội dung trong thời đại báo điện tử

ONECMS sẽ giới thiệu bài trả lời phỏng vấn rất đáng suy ngẫm của Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Báo Đời sống & Pháp luật và Người Đưa Tin trên tờ Nhà báo & Công luận số Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cho các tòa soạn tham khảo (tiêu đề bên dưới là tiêu đề nguyên gốc, bên ngoài là tiêu đề do ONECMS đặt lại):

DÙ TRÊN NỀN TẢNG NÀO, GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA TRUYỀN THÔNG VẪN LÀ NỘI DUNG

Qua cái thời đỉnh cao với lượng tira lớn hàng ngày, hàng tuần, bắt đầu từ 1/1/2019, các ấn phẩm báo in phụ bản của Báo Đời sống & Pháp luật, Người đưa tin cùng dừng xuất bản. "Chúng tôi vừa trải qua giai đoạn đứng ở ngã 3 đường. Hiện tại quyết định chuyển đổi mô hình, tập trung vào tờ báo chính, cả báo in và báo điện tử…" - Tổng biên tập Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ về câu chuyện co hẹp báo in và thay đổi tờ báo theo xu hướng báo chí mới - "Nếu phát triển bề rộng sẽ không phát triển được chiều sâu".

b1-tam-quan-trong-cua-noi-dung-thoi-bao-dien-tu-content-is-king-vai-tro-gia-tri-cot-loi-cua-truyen-thong.jpg

Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Báo Đời sống & Pháp luật và Người Đưa Tin vừa có bài trả lời phỏng vấn rất đáng suy ngẫm trên tờ Nhà báo & Công luận số Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 về vai trò cốt lõi không thể thay thế của nội dung trong làm báo điện tử dù công nghệ đang ngày một phát triển (ảnh do ONECMS sưu tầm).

Đồng thời đóng lại tất cả các ấn phẩm phụ (báo in) của tờ ĐS&PL, NĐT, có vẻ khá táo bạo trong quyết định, các anh có ý đồ gì cho thời gian tới?

Chúng tôi chuyển hướng tập trung vào chiều sâu, tập trung vào ấn phẩm chính. Đóng hết các ấn phẩm phụ báo in - đấy là một quyết định đầy khó khăn. Cho đến nay, các ấn phẩm phụ vẫn có bạn đọc, vẫn có hiệu quả. Nhưng đến giai đoạn này, các ấn phẩm đó không còn ở thời kỳ đỉnh cao, đồng thời, chúng tôi nhận thấy nếu mình tiếp tục duy trì, phát triển theo kiểu phân tán nguồn lực như vậy thì không phát triển được xa hơn, không tiếp cận được đích đến mà mình muốn hướng tới.

Phải chăng đó là do xu hướng 4.0, phát triển các loại hình đa phương tiện, co hẹp báo in?

Tôi quan niệm dù phát triển trên nền tảng công nghệ nào, giá trị cốt lõi của truyền thông vẫn là content - nội dung. Cần tiếp cận những trào lưu mới, nhưng không mù quáng chạy theo trào lưu. Không thể không nắm bắt xu hướng công nghệ mới, nhưng cũng không nên coi công nghệ là phép màu, là cứu cánh của báo chí hiện đại . Chúng tôi co hẹp báo in vì hiện tại một phần cách làm không phù hợp xu thế mới, một phần vì cũng cần cân đối và đào tạo lại lực lượng nhân sự, tập trung chuẩn bị cho mô hình mới.

Nhưng nếu báo chí chỉ có nội dung tốt mà công nghệ không tương thích trong bối cảnh hiện nay cũng rất khó để lan toả một cách tốt nhất?

Đúng vậy. Nhưng tôi cho rằng cần tiếp cận công nghệ mới song không chạy theo nó một cách mù quáng. Khoảng 7-8 năm trước, khi bắt đầu làm báo điện tử, cá nhân tôi và đồng sự trong tòa soạn bị choáng ngợp bởi hiệu quả của các thủ thuật công nghệ.Thay vì dày công tác nghiệp để có sản phẩm báo chí có nội dung tốt và hấp dẫn, phóng viên lại quan tâm nhiều hơn đến việc chuẩn SEO, đến việc chạy link trên Fanpage để tăng view. Họ rời xa và mai một những kỹ năng tối cần thiết của một người làm nội dung, trong đó có việc đầu tư chất xám để có cách tiếp cận đề tài theo một góc nhìn thú vị nhất, thể hiện đề tài bằng một ngôn ngữ kể chuyện hấp dẫn nhất để vùi đầu vào những thao tác kỹ thuật đơn thuần như gắn link, tag, từ khóa.

Ban đầu, điều này có hiệu quả: một bài viết có thể tăng lượng truy cập nhiều lần. Tuy nhiên càng về sau càng lộ rõ bất cập. Nội dung tờ báo không hay thì view cao cũng không có uy tín trong lòng độc giả.

​Vậy anh đã thấy báo chí nói chung hay tờ báo của anh đi được chuẩn cái cốt lõi của báo chí - là nội dung chưa?

Tôi thấy nhiều tờ báo lớn trong nước đã bước đầu làm tốt và thành công, còn tờ báo của chúng tôi thì còn xa mới đạt được điều này. Tờ báo chúng tôi "sinh sau đẻ muộn", còn non về bề dày kinh nghiệm và tiềm lực, chưa tạo dựng đủ điều kiện cả về nguồn lực con người, nguồn lực tài chính để thực hiện ý tưởng. Hiện tại chúng tôi đang tái cơ cấu lại tòa soạn để tập trung đi sâu về nội dung riêng biệt, bám sát tôn chỉ mục đích và nhiệm vụ chính trị để có bản sắc và rõ quan điểm.

Để làm được điều này, chúng tôi đang rất nỗ lực để vượt qua thách thức. Báo chí hiện nay không phải là kênh truyền thông độc tôn như trước đây, nó phải đối mặt với mạng xã hội có những ưu thế áp đảo về sức lan tỏa và tính tương tác. Người đọc không cần báo chí cũng có thể tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Những thông tin này chỉ cần một cú click chuột là có thể xuất hiện trên mọi kênh truyền thông, san bằng mọi ưu thế về tính phát hiện, tính độc quyền của thông tin báo chí.

Khái niệm về tin tức báo chí 5W, 1H (ai, cái gì, ở đâu, bao giờ v.v…) trở nên lỗi thời. Vì vậy, báo chí muốn tiếp cận được bạn đọc phải cung cấp được những tin tức khác với trước đây. Thay vì phản ánh, báo chí phải sáng tạo. Những nhà báo chuyên nghiệp, những cây bút được đào tạo bài bản, có kỹ năng và tâm huyết phải tiếp cận, phản ánh thông tin hấp dẫn, bản sắc hơn, đưa ra những góc nhìn, quan điểm sáng tạo và thú vị hơn cư dân mạng - đa phần là những người cung cấp tin tức tự phát và nghiệp dư.

Theo tôi, đó là sự khác biệt và cũng là khe cửa hẹp để báo chí "thoát hiểm" và "sống sót" trước sức ép của những nền tảng truyền thông mới đầy ưu thế được khai sinh từ sự phát triển của công nghệ. Tôi nghĩ rằng, một giá trị nội dung cốt lõi khác của báo chí, đồng thời cũng là "phòng tuyến" kiên cố cuối cùng của báo chí trong cuộc chiến với "cối xay gió" mạng xã hội, đó là tính chuẩn xác và trung thực của thông tin báo chí. Cư dân mạng có thể đưa cảm xúc thái quá, đưa thiên kiến, đưa tranh luận cá nhân, đưa những tin "vỉa hè", thậm chí tin giả (Fake news), mà họ nghe ngóng và nhìn nhận một cách tự nhiên chủ nghĩa lên mạng xã hội mà không phải chịu những ràng buộc, điều chỉnh theo pháp luật về báo chí, không bị ước thúc bởi những quy ước đạo đức về báo chí.

Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng chính ưu thế này của mạng xã hội đã tạo cơ hội cho báo chí, giúp báo chí thu hút được người dùng bởi sự tin cậy và tính chính thống, chuẩn xác của thông tin. Vì vậy, một lần nữa tôi nghĩ rằng, nếu làm báo theo cách bỏ sở trường, theo sở đoản, chạy đua câu view với mạng xã hội là một sai lầm chí tử...

Vậy câu chuyện nội dung ở tờ báo ĐS&PL và Người đưa tin đang được chỉ đạo như thế nào?

Với thương hiệu chính là báo Đời sống & Pháp luật, đích đến của chúng tôi là một tờ báo làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với bạn đọc một cách hấp dẫn, gần gũi với đời sống. Điều đó có nghĩa là tờ báo phải tích hợp được một cách hài hòa cả 2 yếu tố news (thông tin) và story (câu chuyện). Hướng đi này theo tôi nghĩ cũng phù hợp với báo in, vốn không có thế mạnh về tính thời sự và đa phương tiện.

Về báo điện tử, chúng tôi định hướng báo Người đưa tin - như tên gọi của nó - không phải là một tờ tin tức thuần túy. Thông tin trên báo, nói cách khác là thông điệp nội dung của tờ báo đưa đến người đọc phải có dấu ấn quan điểm, góc nhìn riêng mang tính chính thống của tác giả - điều mà mạng xã hội không làm được.

Mất bao lâu để anh nhận ra câu chuyện không đúng hướng này?

7-8 năm trước, khi bước vào lĩnh vực làm báo điện tử mới mẻ, chúng tôi đã bị cuốn theo chỉ số đầy mê hoặc của công cụ đo Google Analytis (GA). Sự tăng trưởng của lượng truy cập được đo đếm một cách cụ thể mang đến những cảm xúc chưa từng có cho những người làm báo in truyền thống khi bước vào thế giới online. Hệ lụy là phóng viên say mê với thủ thuật để tăng view mà xa rời những kỹ năng cơ bản và quan trọng nhất của người làm báo - viết, quay, chụp, biên tập, tác nghiệp, lấy thông tin hiện trường, phỏng vấn hay tường thuật.

Bên cạnh đó, về ý tưởng mới cho hướng đi nội dung của Đời sống & Pháp luật, Người đưa tin tôi nhìn ra cách đây nhiều năm, nhưng phải nói là vẫn khá mơ hồ, chưa hình hài rõ nét, chưa được sắp xếp, hình thành quan điểm nhất quán. Chúng tôi mất nhiều thời gian thoát ra cái cũ, đến 2018 con đường lựa chọn mới thật rõ ràng và không còn ở tình trạng ngã ba đường nữa. Hiện tại chúng tôi kiên định với lựa chọn mới, chỉ tập trung những điều cần làm và tìm cách đi con đường ngắn nhất.

Cách các anh đang áp dụng 4.0 và xu hướng làm báo mới ở Đời sống & Pháp luật, Người đưa tin như thế nào?

Tôi cho rằng phải chọn lọc. Nếu chưa đồng bộ thì không phải cái gì cũng đúng. Ví dụ như mô hình tòa soạn hội tụ, sau 7-8 năm xây dựng, hiện nay chúng tôi quay lại chỉ hội tụ... một nửa: chỉ có bộ phận phóng viên làm hội tụ, còn các bộ phận khác vẫn tách riêng. Ngay cả phóng viên cũng hội tụ... một nửa.

Theo lý thuyết, phóng viên đa năng, đa nhiệm, có khả năng cung cấp những sản phẩm đa phương tiện 3 trong 1 (text, ảnh, clip), thậm chí 6 trong 1 như chuẩn của thế giới là giấc mơ của mọi tòa soạn. Nhưng trên thực tế, nếu nhân sự không đủ năng lực thì thà như cũ, sử dụng phóng viên viết, phóng viên ảnh, phóng viên quay phim tách riêng còn hơn là một phóng viên đa năng không đáp ứng được công việc.

Áp dụng mô hình mới nhưng nhân sự không đáp ứng được sẽ dẫn đến rối loạn trong vận hành hệ thống. Đối với công nghệ 4.0, cá nhân tôi nghĩ rằng đây là một thuật ngữ mang tính định danh, đánh dấu mốc một giai đoạn phát triển mới của công nghệ hơn là một xu hướng. Công nghệ không thể thay thế con người, con người phải làm chủ công nghệ và không để công nghệ kéo đi. Cần phải tìm hiểu rõ công nghệ trước khi áp dụng nó.

2019 anh nói sẽ năm bản lề của Đời sống & Pháp luật, Người đưa tin, nhân lực của báo đã chuẩn bị sẵn sàng chưa?

Mới cách đây 4 năm, khi báo in phát triển, chúng tôi đi theo hướng phát triển bề rộng. Khi xu hướng thay đổi, báo in gặp khó khăn, chúng tôi xác định phải căn chỉnh lại hướng đi ,tập trung phát chiều sâu. Năm 2015, chúng tôi bị tin tặc tấn công hệ thống, tổn thất nặng nề. Sau 3 năm xây dựng lại, tờ báo và cả tâm lý của những người làm báo vẫn chưa hoàn toàn hồi phục.

Tuy nhiên, đội ngũ làm báo của chúng tôi có nhiều thế hệ khác nhau, chủ yếu người trẻ, có nguồn lực cơ bản để sẵn sàng vào một thời kỳ mới. Tòa soạn cần bổ sung thêm những cây bút có thể tạo ra nhiều bài viết mang tính thương hiệu cho tờ báo nhưng trên nền là xây dựng và đào tạo lại đội ngũ hiện có.

Nhân sự chưa dễ tương thích, cả ê kíp cần nỗ lực, hay tự đào tạo lại để phù hợp xu hướng báo chí mới, cách mà anh đang hỗ trợ họ là gì?

Tôi hay nói đùa: ở tòa soạn, Tổng biên tập là người xa rời công việc thực tế nhất, nhưng trên thực tế đúng là vậy. Nhiều lúc rất cần phải bứt mình ra khỏi những công việc sự vụ và cụ thể, để hoạch định ý tưởng, để đề ra định hướng chiến lược phát triển cho tờ báo. Chỉ khi cần thiết trong những lĩnh vực nội dung nhạy cảm, Tổng biên tập mới trực tiếp làm cụ thể. Tôi quan niệm rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Tổng biên tập là truyền cảm hứng cho tòa soạn. Chính vì vậy, dù họp trực tuyến rất tiện lợi, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng duy trì những buổi họp trực tiếp sinh hoạt chuyên môn, để đề xuất ý tưởng và truyền cảm hứng cho đội ngũ thực hiện ý tưởng.

Từ khóa phổ biến
Cách tốt nhất để xem chúng tôi có phù hợp với nhu cầu của bạn không là...
Liên hệ tư vấn
(Hoàn toàn miễn phí)
SẢN PHẨM VỚI TẤT CẢ NIỀM ĐAM MÊ CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ NEKO
  • Địa chỉ: Tầng 2, Tòa B, Chung cư Xuân Phương Residence, Đường Trịnh Văn Bô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Điện thoại: 024.2324.8989 - Email: info@neko.vn
  • DMCA.com Protection Status