onecms - blog

"Tâm thư" Bộ trưởng Bộ TT&TT dành cho báo chí thời công nghệ, chuyển đổi số

(ONECMS) - Bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn “Báo chí và Công nghệ” 2019 rất đáng để các tòa soạn lưu tâm.

M.O.D | 15/11/2019 17:46
"Tâm thư" Bộ trưởng Bộ TT&TT dành cho báo chí thời công nghệ, chuyển đổi số

Vừa qua Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) tổ chức Diễn đàn “Báo chí & Công nghệ” với mục đích để các nhà quản lý, các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đưa ra các giải pháp phát triển ngành báo chí Việt Nam. Diễn đàn được tổ chức hôm 13/11/2019, tại Hà Nội.

Tham dự Diễn đàn có hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, marketing, quảng cáo, các chuyên gia trên cả nước với nhiều đề tài, tham luận chuyên sâu về xu hướng và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực báo chí, truyền thông.

Sự kiện này chính thức khởi động nhằm thực hiện Sáng kiến “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Đây sẽ là Dự án được triển khai theo phương châm xã hội hóa các nguồn lực đóng góp cho sự phát triển của báo chí, thông qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước góp phần chuyển tải các giá trị tốt đẹp đến với xã hội.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Công nghệ sẽ tạo ra cuộc chơi mới, mô hình kinh doanh mới, trong bối cảnh hệ sinh thái truyền thông số trên toàn thế giới đang có những biến động rất mạnh, đặt cho báo chí trước hoàn cảnh khốc liệt để tồn tại và phát triển. Vì thế, quá trình tìm lời giải về công nghệ phải song song với việc tìm ra các mô hình kinh tế mới cho báo chí”.
 
Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam có những Công ty công nghệ số rất mạnh, không chỉ cung cấp hạ tầng viễn thông, hạ tầng CNTT, hạ tầng Cloud, mà còn có thể phát triển các Platforms, các ứng dụng cho báo chí. Tại diễn đàn, Bộ trưởng kêu gọi các doanh nghiệp Viễn thông - CNTT và các doanh nghiệp công nghệ số chung tay vì sự phát triển của báo chí nước nhà và cũng là vì sự phát triển của chính mình.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Tập đoàn Công nghệ CMC, Công ty Yeah1 đã cam kết đồng hành cùng báo chí trong tiến trình chuyển đổi số. Trước đó, các doanh nghiệp viễn thông đã hỗ trợ về kết nối và hosting cho báo chí điện tử.

Diễn đàn cũng đã nghe các tham luận: Báo chí sẽ có chiến lược nào với các thiết bị kích hoạt bằng giọng nói, do ông Lê Quốc Minh - Phó Tổng Giám đốc TTXVN, trình bày; Truyền thông báo chí với công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, do ông Nguyễn Huy Dũng - Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) trình bày; Ứng dụng của công nghệ Mobiphone AI-Text-To-Speech trong lĩnh vực báo chí và truyền thông, do ông Đặng Triều Dương - Tổng công ty viễn thông MobiFone, trình bày; Các mô hình công nghệ mới giúp cải thiện hoạt động báo chí và kinh tế báo chí, do ông Nguyễn Thế Tân - Tổng giám đốc Công ty VCCorp, trình bày; Ứng dụng AI trong truyền thông hiện đại, do ông Tào Đức Thắng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, trình bày; Xây dựng nền tảng ứng dụng dành cho các cơ quan báo chí Appnews Vietnam...

Và cũng tại Diễn đàn, lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác thực hiện Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” được thực hiện giữa Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông (Bộ TT&TT) và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk. Các chương trình hoạt động sẽ bao gồm việc tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các nhà báo Việt Nam.

Bên dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn “Báo chí và Công nghệ”.

Phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn “Báo chí và Công nghệ”

b1-toan-van-bai-phat-bieu-cua-bo-truong-bo-tt-tt-nguyen-manh-hung-dien-dan-bao-chi-va-cong-nghe-2019.jpg

 

Kính thưa các quí vị đại biểu,

Báo chí sản xuất tin tức, nội dung nhưng doanh thu lại ngày càng đi về phía các công ty công nghệ. Tổng biên tập của tờ The Guardian, Katherine Viner nhận định: “Facebook đã trở thành toà soạn giàu có và quyền lực nhất trong lịch sử bằng cách thay thế các biên tập viên bằng các thuật toán”. Các mạng xã hội nước ngoài đã lấy đi đến phân nửa nguồn thu của báo chí Việt Nam.

Liệu công nghệ có lấy đi mất nghề báo không ? Nếu chúng ta nghĩ nghề báo là viết về: ai, làm gì, ở đâu và khi nào, thì có thể. Vì mạng xã hội có tới hàng chục triệu cộng tác viên và sẽ làm việc này tốt hơn. Nhưng nếu ta nghĩ nghề báo là định hướng dư luận, là tìm ra cái gì đứng sau cả núi dữ liệu về ai, làm gì, khi nào và ở đâu, đó mới là việc của báo chí, mới là điều quan trọng, phải dùng đến AI để viết báo; thì báo chí lại có ý nghĩa hơn bao giờ hết, sứ mạng của báo chí để khai sáng cho độc giả lại có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Độc giả đang chìm trong biển cả dữ liệu kia đang mong chờ báo chí hơn bao giờ hết.

Và thời đại kỹ thuật số cũng tạo điều kiện cho báo chí tiếp cận những kho dữ liệu quan trọng dẫn đến những phóng sự điều tra mang tính đột phá, khả năng tiếp cận những kho báu tri thức và các nguồn tin đa dạng chỉ bằng một cú nhấp chuột.

Công nghệ số ảnh hưởng đến lĩnh vực nào nhiều nhất, công nghệ số có thể tạo lên Big Bang ở lĩnh vực nào nhất, đa số mọi người đều nói, đó là lĩnh vực báo chí truyền thông. Nhưng báo chí chúng ta lại đang là người đi sau về công nghệ nhất.

Đứng trước những thách thức khác nhau của nhu cầu đổi mới công nghệ, nhiều cơ quan báo chí đã lỗi hẹn. Hoặc đã bỏ cuộc. Hoặc chưa từng bắt đầu.

Nhưng chúng ta không thể không bắt đầu. Nhưng nếu vậy thì phải bắt đầu từ đâu?

Phải ưu tiên việc gì trước? Việc gì sau? Phải tự mình đốt đuốc tìm đường, hay có thể kết nối nhau lại, cùng làm để tiết kiệm chi phí và chia sẻ nguồn lực?

Phải đổi mới công nghệ với giải pháp nào? Và quan trọng nữa, là với ai? Ai sẽ dẫn đầu công cuộc đổi mới công nghệ trong báo chí? Ai sẽ mang lại được nguồn lực tài chính cần thiết, và quan trọng hơn là mô hình hợp tác, chia sẻ nội dung cũng như doanh thu mà nhiều cơ quan báo chí đang mơ ước?

Đó là một số băn khoăn, câu hỏi mà tôi mong muốn Diễn đàn “Báo chí & Công nghệ” hôm nay mang đến những câu trả lời thỏa đáng.

Công nghệ tạo cuộc chơi mới, tạo mô hình kinh doanh mới. Và vì thế, quá trình tìm tòi lời giải về công nghệ phải song song với việc tìm ra các mô hình kinh tế mới cho báo chí, trong bối cảnh hệ sinh thái truyền thông số trên toàn thế giới đang có những biến động mạnh, đặt tất cả chúng ta trước bài toán khốc liệt để tồn tại và phát triển.

Có thể những người làm báo chúng ta nghĩ rằng công nghệ mới thì phức tạp, mà lại không nghĩ rằng, công nghệ thì phức tạp thật nhưng lại làm cho việc làm nghề của chúng ta đơn giản hơn. Hãy luôn nghĩ về công nghệ như vậy, vì chúng ta là người sử dụng công nghệ, sự phức tạp của công nghệ không liên quan đến chúng ta.

Hãy đẩy sự phức tạp của công nghệ cho công ty công nghệ. Chuyển đổi số báo chí cần có những công ty công nghệ đi bên cạnh hỗ trợ. Rất may cho chúng ta là Việt Nam có những công ty công nghệ số rất mạnh. Không chỉ cung cấp hạ tầng viễn thông, hạ tầng CNTT, hạ tầng Cloud, họ còn có thể phát triển các Platforms, các ứng dụng cho báo chí. Nhất là các Platforms dùng chung cho báo chí. Một số công ty như vậy đã cam kết đồng hành cùng báo chí trong tiến trình chuyển đổi số, đó là Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Công nghệ CMC, công ty Yeah1. Viettel và CMC sẽ có đội ngũ chuyên biệt phát triển hạ tầng và ứng dụng cho báo chí, và tất nhiên, với giá cả hợp lý.

Các doanh nghiệp viễn thông vừa qua cũng đã có sự hỗ trợ rất thiết thực với báo chí, đó là có giá đặc biệt về kết nối và hosting cho báo chí điện tử. Có thể giá trị chưa lớn, nhưng đây là lần đầu tiên, các doanh nghiệp Viễn thông - CNTT Việt Nam chung tay hỗ trợ báo chí nước nhà.

Có lẽ các doanh nghiệp Viễn thông - CNTT trăm ngàn tỷ như Viettel, VNPT và Mobifone, với các tiềm lực tài chính, hạ tầng, công nghệ và cả nghĩa vụ dẫn dắt hệ sinh thái nội dung số, phải là những doanh nghiệp đầu tiên đồng hành cùng báo chí trong công cuộc chuyển đổi số báo chí. Một mô hình kinh doanh mới, một hệ sinh thái mới cần được phát triển để báo chí có thể làm tốt hơn sứ mạng của mình. Tôi kêu gọi các doanh nghiệp Viễn thông - CNTT và các doanh nghiệp công nghệ số nói chung, hãy chung ta vì sự phát triển của báo chí nước nhà và cũng là vì sự phát triển của chính mình.

Kính thưa quí vị đại biểu,

Chọn nghề báo là đã chọn cho mình một sứ mạng: Làm cho xã hội tốt đẹp hơn và luôn hành động vì lợi ích cộng đồng. Nghề báo là nghề với các tiêu chuẩn đạo đức rất cao về tính chính xác, tính độc lập, tính công bằng, tính bí mật, tính nhân văn, tính trách nhiệm và tính minh bạch. Bởi vậy mà Bộ TT&TT luôn coi trọng đào tạo vì một nền báo chí xuất sắc. Hôm nay, chúng ta chứng kiến sự chung tay của cộng đồng với đào tạo báo chí, với ngân sách hàng năm được tăng lên đáng kể, với nội dung và cách thức đào tạo sẽ được đổi mới, tập trung vào các thách thức mà công nghệ số đặt ra cho nghề báo chí, chúng ta hy vọng rằng, hàng chục ngàn phóng viên sẽ có thêm những tri thức hữu ích cho nghề nghiệp của mình. Cho phép tôi, được thay mặt anh em báo chí cám ơn Công ty Sữa Vietnam - Vinamilk, vì sự đồng hành này.

Sự kiện này cũng chính thức khởi động cho một chuỗi các hoạt động nhằm thực hiện Sáng kiến phát triển báo chí Việt nam giai đoạn 2020-2024 do Bộ TT&TT khởi xướng. Đây sẽ là Dự án được triển khai theo phương châm xã hội hóa các nguồn lực có thể đóng góp cho sự phát triển của báo chí, và thông qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước góp phần chuyển tải các giá trị tốt đẹp đến với xã hội.

Trước đây, mới có một số tổ chức nước ngoài giúp cho đào tạo báo chí, thí dụ như Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế của Thuỵ Điển với Dự án Đào tạo Nâng cao Năng lực Báo chí Việt Nam, kéo dài trên 10 năm, rất hiệu quả. Thì đây là lần đầu tiên, một doanh nghiệp Việt Nam dành một khoản hỗ trợ lớn, 25 tỷ đồng, kéo dài 5 năm, cho đào tạo báo chí. Sự chung tay của cộng đồng vì một nền báo chí Việt Nam xuất sắc là một tín hiệu đáng mừng. Báo chí xuất sắc sẽ góp phần giúp cho đất nước xuất sắc, mà đất nước xuất sắc thì sẽ giúp cho tất cả doanh nghiệp và mọi người chúng ta xuất sắc.

Công nghệ số sẽ thay đổi báo chí và ảnh hưởng đến báo chí trong một chặng đường dài. Câu chuyện công nghệ và báo chí sẽ còn được chúng ta bàn nhiều nữa, dưới những góc nhìn khác nữa. Nhưng chúng ta có niềm tin vững chắc rằng, công nghệ số sẽ giúp cho báo chí thực hiện sứ mạng của mình tốt hơn. Nhưng vấn đề là, chúng ta phải thay đổi, trước khi công nghệ chuyển sứ mạng ấy cho một lực lượng thay thế khác.

Xin chúc Diễn đàn Báo chí và Công nghệ lần đầu tiên này sẽ mang đến nhiều tri thức mới, công cụ mới cho nghề báo của chúng ta!

Xin trân trọng cảm ơn sự lắng nghe của quí vị!

*Nội dung trên lấy nguồn từ website Bộ TT&TT (mic.gov.vn) được ONECMS chia sẻ lại cho các tòa soạn.

 

Đọc tiếp

Tòa soạn điện tử là gì? Tại sao phần mềm tòa soạn điện tử lại quan trọng?

(ONECMS) - Với sức mạnh về công nghệ, toàn bộ quy trình biên tập, duyệt đăng, xuất bản, quản lý các thành viên, quản lý lưu trữ... hoàn toàn dựa trên nền tảng công nghệ thống nhất của phần mềm tòa soạn điện tử, "xương sống" của tòa soạn báo điện tử.
Từ khóa phổ biến
Cách tốt nhất để xem chúng tôi có phù hợp với nhu cầu của bạn không là...
Liên hệ tư vấn
(Hoàn toàn miễn phí)
SẢN PHẨM VỚI TẤT CẢ NIỀM ĐAM MÊ CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ NEKO
  • Địa chỉ: Tầng 2, Tòa B, Chung cư Xuân Phương Residence, Đường Trịnh Văn Bô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Điện thoại: 024.2324.8989 - Email: info@neko.vn
  • DMCA.com Protection Status