(ONECMS) - Gần đây, một tờ báo điện tử của Việt Nam bắt đầu áp dụng hình thức thu phí. Việc thu phí đọc báo điện tử ở một số nước trên thế giới đã được áp dụng, nhưng ở Việt Nam thì việc này vẫn xa vời.
Ngoài báo in truyền thống và truyền hình trả tiền vốn đã không còn xa lạ gì với khán giả thì ngay cả báo mạng, độc giả cũng phải trả phí. Việc thu phí đọc báo điện tử ở một số nước trên thế giới đã được áp dụng, nhưng ở Việt Nam thì gần như vẫn quá xa vời. Chúng tôi cũng muốn nhắc đến chuyện này bởi lẽ gần đây, một tờ báo điện tử của Việt Nam đã áp dụng hình thức thu phí.
Những bài báo được đầu tư kỹ lượng về cả nội dung và hình thức (long-form, mega story…) theo như khảo sát từ ban biên tập báo thì phản ứng của độc giả được đánh giá ở mức độ tốt, lượng truy cập tương đối cao và thời lượng lưu lại trên trang lớn. Đó là một tín hiệu khả quan, tuy nhiên chính người đứng đầu của tờ báo cũng đã nhận định rằng "Con đường thu phí đọc báo online của Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại".
Chúng tôi sẽ nhắc đến hiện trạng này ở Việt Nam trong phần sau bài viết, còn bây giờ hãy cùng điểm lại những gì đã và đang diễn ra trên các tờ báo điện tử thu phí ở các nước. Vì sao họ lại đi theo hướng phát triển này và bằng cách nào để có thể khiến độc giả bỏ tiền túi để đọc tin trên Internet - môi trường mà ở đó tin tức được cập nhật từng giây từng phút và số lượng thì tăng theo cấp số nhân.
Giữa một "rừng" tin tức như vậy, điều gì khiến họ quyết định và tin tưởng rằng độc giả sẽ chịu trả tiền cho những gì mình sắp đọc.
Điều đầu tiên hãy tìm hiểu vì sao các tờ báo lại tìm đến hình thức này. Khi nhắc đến việc xem báo mạng và trả tiền, nhiều người nghĩ rằng chẳng độc giả nào chịu dốc hầu bao trong khi có vô vàn nguồn tin miễn phí và quảng cáo vẫn đang là nguồn của báo chí. Thế nhưng, theo một số báo cáo gần đây, việc này đang dần thay đổi.
Trong năm nay, hơn 80 triệu người Mỹ đã sử dụng các công cụ chặn quảng cáo. Nhiều độc giả cảm thấy khó chịu và bị làm phiền với điều này. Chính vì thế, doanh thu quảng cáo có phần sụt giảm là điều không tránh khỏi. Những tờ báo nước ngoài đi đầu trong việc chuyển sang thu phí có thể kể đến các ông lớn như Financial Times hay Wall Street Journal, và gần đây là New YorkTimes.
Nếu như từ trước đến nay, doanh thu của báo điện tử tập trung chủ yếu từ phí quảng cáo (chiếm đến khoảng 85%) thì đối với những tờ báo này, doanh thu từ thu phí đã lên tới 57% - điều đó có nghĩa là tờ báo có thể không phải phụ thuộc nhiều vào quảng cáo như trước.
Thế hệ trẻ cũng ngày càng ưa chuộng hình thức đăng ký dịch vụ trả tiền trực tuyến, ví dụ như Spotify, Netflix, các ứng dụng trên điện thoại... - miễn là chúng luôn kịp thời, tập trung vào những gì họ quan tâm và yêu thích. Điều này cũng giúp nhiều ban biên tập nhận ra rằng tin tức có thể miễn phí, nhưng để đọc những bài viết chuyên sâu, phân tích của chuyên gia hay các phóng sự kỳ công thì tất nhiên sẽ có một cái giá để họ được đáp ứng nhu cầu đó.
Một điều không thể phủ nhận được đó là báo chí vẫn giữ một vai trò quan trọng. Chúng ta đang sống giữa thời đại tin tức khi không chỉ có báo chí mà mạng xã hội cũng chính là một kho thông tin khổng lồ mà đôi khi khiến mọi người cảm giác như bị nhấn chìm trong hàng nghìn ý kiến, quan điểm khác nhau. "Click-bait" (câu view), hay tệ hơn nữa là "fake-news" (tin giả) thì đang bùng nổ và trở thành vấn nạn.
Khó có thể kiểm chứng được ngay những tin tức chúng ta nhận được liệu rằng có phải là sự thật hay không. Vậy, cuối cùng độc giả cũng phải quay về báo chí truyền thống, những tờ báo uy tín để cập nhật tin tức. Khi đó, có thể họ sẽ sẵn sàng trả tiền, quan trọng là nội dung đó có đủ chất lượng và xứng đáng với những gì họ cần và tìm kiếm hay không.
Các báo thường định hướng những nội dung trả tiền tập trung chuyên sâu vào các lĩnh vực cụ thể và họ xác định luôn rằng cần sự đầu tư xứng đáng. Các vấn đề nóng được đặt lên hàng đầu, nếu không sẽ chẳng có lý do gì thuyết phục mọi người đăng ký mua. Những độc giả có khả năng trả phí thường là những người có thu nhập và trình độ cao, họ cần thông tin từ các chuyên gia về một chủ đề quan trọng đối với họ.
Các tờ báo cũng tập trung vào độc giả, phải tìm cách xác định được độc giả của họ cần gì. Theo một báo cáo trong số 72% độc giả Mỹ nhận được tin tức hàng ngày trên các phương tiện truyền thông, cứ 3 người thì có 1 người chấp nhận và có khả năng chi trả cho nguồn tin mà họ đang sử dụng miễn phí. Họ cũng tìm cách tiếp cận những độc giả trẻ. Thế hệ này sẽ sẵn sàng trả tiền nếu họ cảm thấy gắn bó với sứ mệnh và mục đích của tờ báo.
Các tờ báo còn nhắm mục tiêu đến những người ở các giai đoạn cuộc sống nhất định. Trong số những người ở độ tuổi từ 18-34, nhiều người chia sẻ họ bắt đầu trả tiền cho một nguồn tin bởi vì gần đây họ đã có thể đủ khả năng đó. Trong số những độc giả từ 65 tuổi trở lên, nhiều người nói rằng họ bắt đầu trả tiền vì bắt đầu nhiều thời gian hơn để "chi tiêu" với tin tức. Các tờ báo phải cực kỳ nhạy bén để có thể tiếp cận và "tiếp thị" tin tức của mình cho những người đang ở những giai đoạn này.
Có một điều khá thú vị là nhiều độc giả cho rằng số tiền mà họ phải trả để đọc tin tức lại thấp hơn những gì họ nhận được. Nhiều độc giả được khảo sát có xu hướng suy nghĩ tin tức đó giá tương đổi rẻ. Hầu hết đều nghĩ rằng giá mà họ phải trả là một thực sự là "công bằng". Chỉ có 1 trong 10 người nghĩ rằng chi phí trả tiền của họ nhiều hơn cho những gì họ nhận được.
Những người thường đọc báo in cho rằng chi phí họ trả cao hơn so với khi đăng ký trả phí đọc báo mạng điện tử (48% so với 32%). Như vậy, khả năng để độc giả chịu bỏ tiền túi ra đối với báo mạng điện tử không phải là điều quá khó khăn. Tất nhiên, con đường này không hề bằng phẳng bởi còn quá nhiều thử thách ở phía trước.
Câu chuyện trả phí để đọc báo mạng ở thế giới là vậy, còn ở Việt Nam thì sao? Thực tế, chủ đề này cũng không có gì xa lạ. Nói như vậy là bởi nó được đề cập trên mặt báo Việt Nam và thực tế áp dụng âu cũng đã từ gần chục năm trước, mà đi tiên phong ở thời điểm đó là Báo Điện tử Vietnamplus của Thông tấn xã Việt Nam.
Nhớ lại giai đoạn này, nhà báo Nhà báo Lê Quốc Minh - Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam - từng chia sẻ trên báo Đầu tư, đơn vị này bắt tay làm bản mobile đầu tiên vào năm 2009. Năm 2012, đơn vị bắt đầu thu phí. Quyết định này vào thời đó cũng không dễ dàng, một mặt là vì người dùng Việt Nam chưa quen với việc trả tiền cho nội dung trên mạng, mặt khác không có công cụ thanh toán tiện lợi, người Việt Nam lại ít dùng thẻ tín dụng.
Phương thức tiện nhất là thanh toán qua hóa đơn điện thoại, nhưng với cách này, các nhà mạng thu rất nhiều, đối soát cũng lâu và rắc rối, chậm thu tiền, nên các đơn vị báo chí không mặn mà. Cho tới cách đây 3 - 4 năm, bài toán về phương thức thanh toán cho việc đọc báo điện tử vẫn làm khó nhiều đơn vị báo chí.
Mặc dù vậy, những người quan tâm vấn đề này vẫn luôn trăn trở, tại sao độc giả có thể bỏ tiền mua báo in mỗi ngày, thậm chí bỏ hàng trăm ngàn mua báo in nhưng lại không muốn bỏ số tiền chỉ bằng một phần nhỏ số đó để đọc báo điện tử? Ngoài vấn đề về phương thức thanh toán thì còn điều gì khác chăng? Câu trả lời cho vấn đề này nằm ở việc các đơn vị báo chí có thể tạo ra một thứ "hàng hóa" đủ hấp dẫn với người dùng, khiến họ phải "móc túi" trả tiền hay không.
Hơn nữa, thực tế là chuyện bản quyền ở Việt Nam là vấn đề khó giải quyết trong rất nhiều năm qua. Một bài báo hay đăng ở một trang nào đó sẽ nhanh chóng bị hàng chục trang khác, cắt về, dán lên trang của mình một cách thoải mái.
Nếu chăng một tờ báo nào đó có khóa những bài viết đặc sắc của mình và chỉ cung cấp cho những độc giả đã trả tiền thì cũng khó khả thi, bởi một website tổng hợp thông tin chỉ cần bỏ ít tiền để vào đọc và "cắt dán" thì ngay lập tức, thông tin này sẽ không còn là "độc" nữa. Chính vì những nguyên nhân này, dễ hiểu khi xu hướng thu phí độc giả đọc báo mạng ở Việt Nam đã bị "diệt" ngay từ trong trứng nước.
Sau gần chục năm, cho tới lúc này thì bạn đọc báo điện tử ở Việt Nam vẫn được miễn phí đọc báo và hình thức đọc báo điện tử mất tiền có lẽ vẫn còn là mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, những người trong cuộc vẫn lạc quan khẳng định một khi bạn đọc sẵn sàng bỏ tiền mua báo in thì với họ cũng không mấy khó khăn để trả tiền mua những thông tin hữu ích trên báo điện tử. Vấn đề là những thông tin đó phải thực sự có chất lượng cao và cơ quan báo chí điện tử phải có giải pháp để thu được tiền của khách hàng.
"Chúng tôi đã từng thử nghiệm thu phí từ năm 2013 và thu được kết quả rất khả quan. Nhưng vào thời điểm ấy, dự án phải tạm dừng vì thanh toán điện tử ở Việt Nam lúc đó vẫn chưa thuận lợi cho lắm. Còn giờ, xu hướng tiêu dùng trên mạng ngày càng tăng, nhiều phương thức thanh toán vô cùng tiện lợi cũng đã được cập nhật", nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử Vietnamplus cho biết.
"Hơn nữa, đây cũng là xu thế lớn của báo chí thế giới trong bối cảnh quảng cáo ngày càng teo tóp, doanh thu của thị trường phần lớn đổ hết vào hai ông lớn Google và Facebook. Những tổng biên tập báo chí khu vực mà tôi tiếp xúc tại Hội thảo Publish Asia 2018 tổ chức ở Indonesia đều cho biết, họ đã và đang xúc tiến để dựng bức tường phí cho bản điện tử".
"Tổng biên tập John Micklethwait của Bloomberg, trang tin lớn mới nhất tiến hành thu phí, gần đây có nói rằng trong kỷ nguyên của Netflix và Spotify, mọi người đang dần quen với việc phải trả tiền cho các nội dung sáng tạo. Họ đang sống trong một nền kinh tế tri thức, nơi những ý tưởng và thông tin mang trong mình giá trị và mức giá của tin tức vẫn còn tương đối rẻ", nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật nói.
"Tôi nghĩ ông Micklethwait cũng đã nói thay phần nào câu trả lời của chúng tôi, bởi luôn có những độc giả sẵn sàng chi tiền để đọc những tin bài chất lượng cao" - nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật cho hay - "Đương nhiên, với tư cách là báo điện tử chính thức của Thông tấn xã Việt Nam, chúng tôi vẫn đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, hầu hết nội dung trên VietnamPlus vẫn là miễn phí".
"Mỗi ngày, chúng tôi chỉ thu phí chừng 5-10 tin bài. Đó là những nội dung có giá trị, độc quyền, những bài phần tích chuyên sâu do chúng tôi khai thác từ các chuyên gia, hoặc mua tác quyền từ các cơ quan báo chí lớn của nước ngoài. Trước khi chính thức thu phí, chúng tôi cũng đã tiến hành khảo sát và nắm rõ đối tượng độc giả mà mình đang nhắm tới là những ai".
Theo nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật việc thuyết phục độc giả chịu bỏ tiền trong khi họ đã quá quen với những thông tin miễn phí là điều không dễ dàng, nên việc VietnamPlus đi tiên phong trong lĩnh vực này cũng là nhằm giúp cho độc giả làm quen với việc đọc báo trả tiền.
"Tôi nghĩ, điều này cũng giống như việc các đơn vị truyền hình trả tiền thuộc đài Truyền hình Việt Nam như VTVcab, K+, SCTV khiến khán giả quen với việc xem giải Ngoại hạng Anh, Champions League bằng việc đóng thuê bao tháng. Bóng đá trên truyền hình không còn miễn phí, người xem đã chấp nhận với thực tế đó. Vậy nên cũng sẽ đến lúc đọc báo mạng thì phải trả tiền", ông Nguyễn Hoàng Nhật khẳng định.
Đó là góc nhìn lạc quan từ người trong cuộc, còn với những người ngoài cuộc chơi này, vẫn còn nhiều điều khiến họ phải suy nghĩ, lăn tăn. Nhà báo Bùi Ngọc Hải - Tổng Biên tập Trang tin tổng hợp Soha đã có cách ví von câu chuyện trả tiền đọc báo điện tử một cách rất thú vị.
"Xài miễn phí vẫn là tâm lý và quán tính lớn đối với người Việt. Chính vì thế, việc báo điện tử thu được tiền đọc của độc giả, hiện nay rất khó khả thi. Số lượng đơn vị cung cấp kênh truyền hình còn có hạn nhất định, chứ báo điện tử, trang tin điện tử nhiều không đếm nổi. Quá nhiều lựa chọn, cũng là một trở ngại cho việc bán tin", nhà báo Bùi Ngọc Hải nói.
"Người ta nói rằng miếng phô mai có sẵn chỉ có ở trong cái bẫy chuột. Một rừng tin tức miễn phí là tin tức báo nào cũng có, chỉ nhanh chậm hơn nhau một chút. Nó không đủ độc quyền, riêng khác và hấp dẫn đến độ buộc người ta trả phí. Nhưng như vậy chưa đủ, một tờ báo không đủ uy tín và tin cậy cao, dù có những tin độc quyền, hấp dẫn, cũng rất khó bán tin của mình. Những mặt hàng bị nghi ngờ về chất lượng, làm sao bán chạy?"
Theo nhà báo Bùi Ngọc Hải, việc sản xuất tin tức trả tiền rất khác biệt so với những tin tức thông thường. Khác biệt đầu tiên ở chi phí sản xuất. Không đầu tư lớn, không thể có những tin tức thỏa mãn người bỏ tiền. Nhưng có lẽ mảng tin nóng - thời sự thông thường, sẽ rất khó bán ở Việt Nam, đơn giản vì không tờ báo nào có thể độc quyền mảng thông tin này.
Những thứ có thể bán, chính là những phân tích rất sâu của người viết, chuyên gia về lĩnh vực ngách (như tài chính, kinh tế, thương hiệu, chiến lược, bí quyết kinh doanh…), về xu hướng, dư luận, dự báo; những bí mật hấp dẫn về nhân vật nào đó nhiều người quan tâm… Muốn có những thông tin này, phải chi khá tiền, có cách làm thông minh và quảng cáo hấp dẫn.
"Khó khăn nhất có lẽ là vấn đề chi phí để sản xuất tin. Một bài điều tra công phu, một bức ảnh độc, một bí mật được hé lộ đăng trên báo nước ngoài có thể được nhuận bút hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu đô. Điều đó khuyến khích phóng viên thực hiện đề tài độc, hấp dẫn, bom tấn và chấp nhận chi phí lớn. Còn ở ta thì sao? Vài triệu đồng là cùng. Tiềm lực tài chính của các tờ báo rất yếu, không đủ đầu tư lớn. Mà không có sản phẩm khác biệt, không bán được. Nó là một vòng luẩn quẩn", nhà báo Bùi Ngọc Hải tâm sự.
Có lẽ, còn quá khó để dự đoán về tương lai của việc thu phí độc giả báo điện tử. Bởi ở hiện tại, theo nhà báo Bùi Ngọc Hải, việc một tờ báo chấp nhận bỏ tiền đầu tư sản xuất tin độc rồi mong bán tin để có lãi hoặc bù được lỗ, là nhiệm vụ bất khả thi đối với đa số báo điện tử hiện nay.
Song nói vậy không có nghĩa là sẽ không có "ánh nắng ngày mai" đối với loại hình này. Đó có thể là khi chuyện bản quyền báo chí đã được siết rất chặt và các tờ báo thành trong nhiều hoạt động kinh doanh khác hoặc họ được đầu tư từ những tập đoàn kinh tế mạnh. Còn độc giả sẽ bỏ tiền khi họ đã thực sự tin tưởng là mình có được những nguồn tin giá trị, chất lượng.
*Bài viết trên của tác giả Thanh Huyền và Chu Anh trên vtv.vn, bản V-Zine ngày 21/6/2018 (thiết kế: Duy Nguyễn); các tiêu đề của bài viết được ONECMS đặt lại theo góc nhìn.