onecms - blog

Thực trạng các cơ quan báo chí trong thời kỳ chuyển đổi số

(ONECMS) - Có thể nói báo chí hiện nay đang vận động cùng với quá trình chuyển đổi số. Sự ra đời của các công nghệ mới cùng các nền tảng mạng xã hội đã chi phối và làm thay đổi căn bản hoạt động của tòa soạn.

Thực trạng các cơ quan báo chí trong thời kỳ chuyển đổi số

Theo báo cáo của Trung tâm Báo chí quốc tế ICFJ1, tính đến năm 2019 hầu hết các khu vực trên thế giới có sự gia tăng về số lượng các tòa soạn lai (hybrid newsrooms), là các tòa soạn kết hợp giữa mô hình truyền thống và mô hình kỹ thuật số. Tỷ lệ tòa soạn xuất bản trên nền tảng website chiếm gần 50%. Riêng khu vực Đông/Đông Nam Á gần như hoàn toàn bị chi phối bởi các trang web tin tức, ở đây báo in chỉ chiếm 14%, truyền hình 9% và phát thanh 6%.

Báo cáo của ICFJ cũng cho thấy các tòa soạn trên thế giới đang sử dụng nhiều dạng thức mới để phân phối nội dung với phương tiện truyền thông xã hội chiếm ưu thế. Trong đó, Facebook, Twitter, YouTube là các MXH được ứng dụng nhiều nhất (tương ứng tới 90%, 73%, 60% các phòng tin sử dụng).

Bên cạnh việc sử dụng kênh truyền thông xã hội để đưa tin bài và bình luận, các tòa soạn còn dùng để tìm kiếm nội dung, thông tin cho bài viết, tìm hiểu các đối thủ cạnh tranh (các tổ chức tin tức khác), tương tác với độc giả, phát triển thương hiệu. Đồng thời có thể sử dụng các công cụ phân tích để đo lường sự quan tâm của công chúng đối với các tin bài của tòa soạn.

Đây cũng là hiện trạng chung của Việt Nam khi đa số các báo đang hoạt động theo mô hình đa loại hình báo chí với từ 2 loại hình báo chí trở lên trong đó chủ yếu là loại hình báo chí truyền thống và báo mạng điện tử. Nhiều nhất (4 loại hình) có Thông tấn xã Việt Nam, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh hay Đài PTTH và Báo Bình Phước. Các kênh MXH như Facebook, YouTube cũng đang chiếm tỷ lệ cao trong các kênh được các cơ quan báo chí (CQBC) sử dụng để phân phối nội dung. Chẳng hạn, trong số các CQBC được khảo sát, có đến 80% sử dụng nền tảng mạng xã hội Facebook để truyền tải nội dung.

Về trình độ nguồn nhân lực, đa số các tòa soạn trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều đang thiếu chuyên gia có hiểu biết về kỹ thuật, công nghệ. Năm 2019, nhân lực làm CNTT chỉ chiếm trung bình khoảng 4% so với số nhân viên chính thức ở các tòa soạn báo trên thế giới. Ở Việt Nam, tỷ lệ này là 5%, trong đó chỉ một nửa số đơn vị được khảo sát có phòng/ban CNTT riêng và đa số các báo chỉ có từ 1-2 cán bộ chuyên trách về CNTT. Một số báo điện tử lớn như Báo Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Dân trí có từ 8 - 10 người, riêng VnExpress có 50 người và TTXVN có Trung tâm kỹ thuật gồm hơn 100 kỹ sư, nhưng so với số lượng nhân viên chính thức của các báo, những con số này cũng chỉ chiếm 10% hoặc ít hơn. Với đội ngũ kỹ thuật mỏng như vậy, hầu hết các tòa soạn báo đều đang phải thuê ngoài nguồn lực làm CNTT.

Những vấn đề thách thức đối với các cơ quan báo chí

Thách thức từ “sự phẳng hóa” thông tin

Xã hội thông tin đang ngày càng “phẳng hóa”. Nếu như trước kia thông tin đến với công chúng chỉ từ một vài nguồn là các CQBC chính thống thì hiện nay người dân có thể tiếp nhận thông tin từ vô số nguồn khác nhau. Điều này khiến tầm ảnh hưởng của thông tin từ các CQBC tới người dân bị suy giảm. Cụ thể:

Tốc độ đưa tin thua kém mạng xã hội

Trên “mặt phẳng” thông tin, mỗi người dân được coi là một “nhà báo công dân”. Nói như vậy bởi các trang MXH hiện nay đang cho phép người dùng chia sẻ câu chuyện, bài viết, ý tưởng cá nhân, đăng ảnh, video, đồng thời thông báo về hoạt động, sự kiện trên mạng hoặc trong thế giới thực.

Người dân lúc này không chỉ là đối tượng tiếp nhận thông tin mà còn là nguồn lực phát hiện vấn đề và sáng tạo nội dung. Họ có thể ngay lập tức phát hiện, đăng tải thông tin về chính những sự kiện đang diễn ra xung quanh họ, ở từng khu phố, từng con ngõ nhỏ, những ngóc ngách mà các CQBC với nguồn nhân lực hạn chế khó có thể phát hiện ra. Vì vậy mà các CQBC cũng đang dần mất đi vai trò tiên phong trong công tác đưa tin.

Trên thế giới tính đến tháng 4/2019, MXH phổ biến nhất là Facebook - MXH đầu tiên vượt qua 1 tỷ tài khoản đăng ký và hiện đang có 2,32 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Sau Facebook là YouTube với 1,9 tỷ người dùng hàng tháng. Riêng ở Việt Nam có hơn 300 MXH đã đăng ký hoạt động trong đó có 20 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook mỗi ngày, trung bình mỗi người dành 2,5 giờ/ngày để vào mạng2.

Một trong những điểm nổi bật của MXH là tính kết nối và chia sẻ rất mạnh mẽ, dẫn tới khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng và không có kiểm soát. Số lượng người dùng lớn, tin bài nhiều đã thu hút phần lớn người đọc tìm đến thông tin trên mạng truyền thông xã hội hơn là truy cập vào các trang báo chính thống.

Hình 1: So sánh mức quan tâm với tin tức chính thống và fake news (theo BuzzFeed) và Hình 2: Một bài báo bị sao chép của Báo điện tử Pháp luật (theo https://plo.vn)

Hình thức trình bày thiếu sinh động, hấp dẫn

Sức hấp dẫn của tin tức, ngoài nội dung phong phú, mang lại cho công chúng một lượng thông tin mới, nóng hổi và đi vào đúng những vấn đề thiết thực nhất mà công chúng đang quan tâm, thì hình thức thể hiện cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến cảm quan của công chúng.

Trong xu hướng chuyển đổi số, nhiều hình thức thể hiện tin tức đã ra đời. Các công nghệ mới đang phát triển như AR, VR, ảnh 360, video 360,... đã tạo ra những sản phẩm tin tức độc đáo, hấp dẫn người xem. Những hình thức này đang khá phổ biến trên các trang mạng xã hội, kênh YouTube,... do đó công chúng có nhiều cơ hội, nhiều lựa chọn để tiếp cận thông tin. Điều này có thể khiến báo chí mất dần độc giả của mình, đặc biệt là độc giả trẻ tuổi - những người quan tâm và có cơ hội tiếp xúc với các công nghệ hiện đại.

Vấn nạn tin giả

Do có quá nhiều nguồn tin khác nhau nên thông tin trên mạng thường đan xen tin giả, tin thật. Vì phải chạy đua theo thời gian để cập nhật nhanh chóng thông tin, các phóng viên, biên tập viên không có nhiều thời gian và điều kiện để kiểm chứng nên thông tin có thể bị lọt, góp phần phát tán tin giả lên mặt báo, làm giảm uy tín của báo chí chính thống và dần đánh mất niềm tin của công chúng.

Bản thân tin tức giả thường là những câu chuyện gây sốc, hấp dẫn đánh mạnh vào trí tưởng tượng, tò mò của công chúng. Trong khi tỷ lệ công chúng “thông hiểu truyền thông” còn thấp, đa phần hiếu kỳ, ngây thơ, cả tin, rất dễ bị lừa nên luôn tin vào những tin tức mà mình đọc được. Vì vậy, tin tức giả dễ lan truyền và được một bộ phận đông đảo công chúng đón nhận và tiếp tục phân tán.

Chẳng hạn, theo nghiên cứu từ BuzzFeed News, 20 tin giả hàng đầu về cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 nhận được nhiều sự quan tâm trên Facebook hơn sovới 20 tin bài hàng đầu về cuộc bầu cử từ 19 hãng truyền thông 3.

Đặc biệt, việc sử dụng các công cụ công nghệ mới cũng giúp tin giả phát tán và lan truyền nhanh chóng trên diện rộng. Các trang web phát tán tin giả sử dụng tài khoản do bot kiểm soát thường được lưu trữ ẩn danh, khiến việc truy tìm thủ phạm trở nên vô cùng khó khăn. Các mô hình AI hỗ trợ viết văn bản và sản xuất video có thể được sử dụng để phát tán nhanh chóng nội dung giả mạo.

Vấn đề bản quyền

Vấn đề bản quyền trong sáng tạo tác phẩm báo chí không phải là vấn đề mới, tuy nhiên trong bối cảnh của môi trường số như hiện nay, các hành vi vi phạm càng có điều kiện nở rộ. Các tác phẩm báo chí, đặc biệt là ảnh báo chí dễ dàng bị sao chép và phát tán nhanh chóng mà không xin phép tác giả, không ghi rõ nguồn hay tên tác giả. Thủ đoạn tinh vi hơn là các tin, bài bị báo khác lấy lại, rồi thêm bớt, xào xáo nội dung để đăng lên báo của mình, nhất là các tin nhanh, tin sự kiện thường có nội dung “na ná” nhau. Thậm chí trên các trang web còn cho phép dễ dàng chỉnh sửa thời gian phát hành để đánh lừa độc giả.

Mặc dù đã có những quy định xử lý vi phạm bản quyền tác giả trong Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định của Chính phủ, tuy nhiên những hành vi vi phạm này rất khó kiểm soát vì không gian mạng quá rộng và tốc độ lan truyền quá nhanh.

Thách thức từ thói quen tiếp nhận thông tin và tương tác của độc giả

Sự phát triển của xã hội thông tin cũng như các công cụ công nghệ mới đã làm thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng. Công chúng hiện nay chủ yếu xem thông tin qua các thiết bị di động và thường thích các tin ngắn cô đọng, súc tích, nhiều hình ảnh, video sinh động hơn là các bài viết nhiều chữ. Họ không có nhiều thời gian để đọc các bài viết dài trừ khi đó thực sự là một vấn đề đáng quan tâm. Trong khi đó, thông tin trên báo chí tuyên truyền thường khô khan, giáo điều, nghèo nàn về hình thức, kém hấp dẫn với người đọc. Vì vậy mà công chúng đang dần bị hút về phía các kênh MXH với nội dung gần gũi, phong phú và đặc sắc hơn.

Công chúng hiện nay cũng thường xuyên có thói quen tương tác và tiếp nhận thông tin mới trên các kênh MXH, thông qua các chức năng đăng bài, bình luận, nhắn tin, chia sẻ,... Điều này giúp cho các kênh MXH nhanh chóng “hiểu” khách hàng của mình hơn và bằng những thuật toán thông minh hiểu được khách hàng của mình cần gì, thích gì để đưa ra những khuyến nghị phù hợp.

Ngược lại, báo chí chính thống chưa thực sự tiếp cận tốt với độc giả của mình. So với báo in, phát thanh và truyền hình, thì báo mạng điện tử là loại hình báo chí có điều kiện tương tác cao nhất với độc giả nhờ hoạt động trên môi trường mạng. Tuy nhiên, các cơ chế tương tác trên báo mạng điện tử đến nay vẫn còn hạn chế. Bản thân các cơ quan báo chí cũng đang phải tận dụng chính ưu thế của truyền thông xã hội như lập các Fanpage, kênh Zalo để chuyển tải nội dung thông tin bài viết và tiếp nhận thông tin phản hồi của độc giả trên môi trường đó. Nhưng báo chí vẫn đang thua kém MXH về khả năng “hiểu” công chúng của mình vì chưa ứng dụng các công nghệ thông minh như MXH.

Bên cạnh đó, nhiều bài viết chưa thực sự truyền tải được nội dung và tác động sâu sắc đến công chúng do năng lực tiếp nhận thông tin của người dân có sự khác nhau giữa các vùng miền, địa phương, chưa kể trình độ văn hóa, tri thức của mỗi người cũng khác nhau. Điều này làm giảm hiệu lực và hiệu quả tác động của báo chí chính thống.

Tài liệu tham khảo

[1]. ICFJ(2019),TheStateofTechnologyinGlobalNewsrooms,FinalReport.

[2]. https://andrews.edu.vn/bao-cao-digital-marketing-viet-nam-2019/

[3]. https://www.buzzfeednews.com/article/craigsilverman/viral-fake-election-news- outperformed-real-news-on-facebook 

* Bài viết được trích từ bài nghiên cứu "Vai trò của công nghệ đối với báo chí - truyền thông trong kỷ nguyên chuyển đổi số" của tác giả Ths. Bùi Thị Vân Anh và Ths. Hà Đình Dũng (Viện công nghệ Thông tin và Truyền thông CDIT) đăng trên Tạp chí Thông tin & Truyền thông Tháng 1/2021. Tiêu đề bài viết do BBT Blog ONECMS đặt

Từ khóa phổ biến
Cách tốt nhất để xem chúng tôi có phù hợp với nhu cầu của bạn không là...
Liên hệ tư vấn
(Hoàn toàn miễn phí)
SẢN PHẨM VỚI TẤT CẢ NIỀM ĐAM MÊ CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ NEKO
  • Địa chỉ: Tầng 2, Tòa B, Chung cư Xuân Phương Residence, Đường Trịnh Văn Bô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Điện thoại: 024.2324.8989 - Email: info@neko.vn
  • DMCA.com Protection Status