Tổng hợp những bài viết, bài nói chuyện của Bác Hồ với người làm báo

B.M13/03/2023 00:31

Trong quá trình tìm hiểu cách viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, BBT ONECMS Blog đọc được nhiều bài viết, bài nói chuyện chia sẻ kinh nghiệm làm báo của Bác Hồ. Xin trân trọng gửi đến Quý anh chị phóng viên, nhà báo quan tâm tham khảo.

LỜI DẶN CÁC CÁN BỘ TUYÊN TRUYỀN

Người Việt Nam có tiếng là nhân đạo. Đối với người Pháp, chúng ta nên giữ một thái độ khoan hồng để chia họ ra làm hai: Pháp thực dân và Pháp kiều. Việc tuyên truyền của anh em nên chú ý ở chỗ ấy. Cả với bọn Pháp thực dân là kẻ thù của ta, ta cũng đừng nên quá khe khắt.

Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe. Ta đừng bắt chước những nước tuyên truyền tin chiến tranh quá sai lạc sự thực.

---------

Nói ngày 8-1-1946. Báo Cứu quốc, số 137, ngày 9-1-1946.


CHỐNG THÓI BA HOA  (TRÍCH SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC)

1. Thói ba hoa là gì? Chúng ta chống bệnh chủ quan, chống bệnh hẹp hòi, đồng thời cũng phải chống thói ba hoa. Vì thói này cũng hại như hai bệnh kia. Vì ba thứ đó thường đi với nhau. Vì thói ba hoa còn, tức là bệnh chủ quan và bệnh hẹp hòi cũng chưa khỏi hẳn.

Thói ba hoa từ đâu ra?

Vì chúng ta trước kia học chữ Hán, sau này học chữ Pháp, cho nên khi nói khi viết, hay dùng chữ Hán và theo cách Pháp. Thành thử dài dòng mà khó hiểu, khó nghe. Lại cũng vì chủ quan và hẹp hòi.

Thói ba hoa tỏ ra nhiều vẻ.

a) Dài dòng, rỗng tuếch - Nhiều anh em hay viết dài. Viết dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác. Nhưng không có ích cho người xem. Chỉ làm tốn giấy tốn mực, mất công người xem. Khác nào vải băng bó mụn lở, đã thối lại dài.

Viết làm gì dài dòng và rỗng tuếch như thế? Chỉ có một cách trả lời: là quyết không muốn cho quần chúng xem. Vì đã dài lại rỗng, quần chúng trông thấy đã lắc đầu, ai còn dám xem nữa? Kết quả chỉ để cho những ai vô công rồi nghề xem, và người xem cũng mắc phải thói xấu như người viết.

Trong lúc kháng chiến này, chiến sĩ trước mặt trận phải đánh giặc, đồng bào ở hậu phương phải tăng gia sản xuất. Ai có thời giờ đâu mà xem những bài dài quá.

Viết dài mà rỗng, thì không tốt. Viết ngắn mà rỗng, cũng không hay. Chúng ta phải chống tất cả những thói rỗng tuếch. Nhưng trước hết phải chống thói đã rỗng lại dài.

Thế những sách lý luận, hoặc cuốn sách này chẳng hạn, không phải dài sao?

Phải. Nó dài, nhưng mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, có một mục đích, không phải rỗng tuếch.

Tục ngữ nói: "Đo bò làm chuồng, đo người may áo". Bất kỳ làm việc gì cũng phải có chừng mực. Viết và nói cũng vậy. Chúng ta chống là chống nói dài, viết rỗng. Chứ không phải nhất thiết cái gì cũng phải ngắn mới tốt.

Viết và nói cố nhiên phải vắn tắt. Song trước hết phải có nội dung. Phải chữa cho hết bệnh nói dài, viết rỗng.

b) Có thói "cầu kỳ" - Trên các báo, sách, bức tường, thường có những bức vẽ, những khẩu hiệu, nhiều người xem không ra, đọc không được.

Họ cho thế là "mỹ thuật". Kỳ thực, họ viết, họ vẽ, để họ xem thôi.

Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem.

Nhiều người tưởng: mình viết gì, nói gì, người khác cũng đều hiểu được cả. Thật ra, hoàn toàn không như thế. Dùng cả đoạn chữ Hán, dùng từng đống danh từ lạ, nói hoặc viết theo cách Tây, mỗi câu dài dằng dặc, thì quần chúng hiểu sao được?

Tục ngữ nói "gẩy đờn tai trâu" là có ý chế người nghe không hiểu. Song những người tuyên truyền mà viết và nói khó hiểu, thì chính người đó là "trâu".

Muốn làm bạn, phải hiểu nhau. Nếu không hiểu nhau, không thành bạn. Người tuyên truyền không điều tra, không phân tách, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại.

c) Khô khan, lúng túng - Nói đi nói lại, cũng chẳng qua kéo ra những chữ "tích cực, tiêu cực, khách quan, chủ quan", và một xốc danh từ học thuộc lòng. Thậm chí những danh từ đó dùng cũng không đúng. Chỉ làm cho quần chúng chán và ngủ gật.

Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng.

Tục ngữ có câu: "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Nói cũng phải học, mà phải chịu khó học mới được. Vì cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực, mà lại rất giản đơn. Anh em đi tuyên truyền chưa học được cách nói đó, cho nên khi viết, khi nói, khô khan, cứng nhắc, không hoạt bát, không thiết thực.

Tiếng ta còn thiếu, nên nhiều lúc phải mượn tiếng nước khác, nhất là tiếng Trung Quốc. Nhưng phải có chừng có mực. Tiếng nào ta sẵn có thì dùng tiếng ta.

Có nhiều người có bệnh "dùng chữ Hán", những tiếng ta sẵn có không dùng mà dùng chữ Hán cho bằng được. Thí dụ: ba tháng không nói ba tháng mà nói "tam cá nguyệt". Xem xét, không nói xem xét mà nói "quan sát", v.v..

Nhưng sẽ "tả" quá nếu những chữ Hán đã hoá thành tiếng ta, ai cũng hiểu, mà cố ý không dùng. Thí dụ: độc lập mà nói "đứng một", du kích thì nói "đánh chơi". Thế cũng là tếu.

Chúng ta không chống mượn tiếng ngoại quốc để làm cho tiếng ta đầy đủ thêm. Nhưng chúng ta phải chống cách mượn không phải lối, mượn đến nỗi bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu.

Chẳng những các người phụ trách tuyên truyền, những người viết báo, viết sách, những người nghệ sĩ là người tuyên truyền, mà tất cả cán bộ, tất cả đảng viên, hễ những người có tiếp xúc với dân chúng đều là người tuyên truyền của Đảng. Vì vậy, ai cũng phải học nói nhất là học nói cho quần chúng hiểu.

Nhiều người, trước khi nói không sắp sửa kỹ càng. Lúc ra nói hoặc lắp lại những cái người trước đã nói. Hoặc lắp đi lắp lại cái mình đã nói rồi. Lúng túng như gà mắc tóc. Thôi đi thì trẽn. Nói nữa thì chán tai.

d) Báo cáo lông bông - Một là báo cáo giả dối. Thành công ít, thì suýt ra nhiều. Còn khuyết điểm thì giấu đi, không nói đến.

Thành thử cấp trên không hiểu rõ tình hình mà đặt chính sách cho đúng. Hoặc báo cáo chậm trễ. Thành thử khi cấp trên nhận được báo cáo, thì việc đã trễ rồi, không đối phó kịp.

Hai là trong báo cáo chỉ thấy 1, 2, 3, 4 hoặc a, b, c, v.v.. Không nêu rõ vấn đề ra. Không phân tách, không đề nghị cách giải quyết các vấn đề. Không nói rõ tán thành hoặc phản đối.

Sao gọi là vấn đề? Khi việc gì có mâu thuẫn, khi phải tìm cách giải quyết, tức là có vấn đề. Khi đã có vấn đề, ta phải nghiên cứu cho rõ cái gốc mâu thuẫn trong vấn đề đó là gì. Phải điều tra, phải nghiên cứu cái mâu thuẫn đó. Phải phân tách rõ ràng và có hệ thống, phải biết rõ cái nào là mâu thuẫn chính, cái nào là mâu thuẫn phụ. Phải đề ra cách giải quyết.

Gặp mỗi vấn đề, đều phải kinh qua ba bước: đề nó ra, phân tách nó (điều tra, nghiên cứu, sắp đặt), giải quyết nó.

Khi viết một bài hoặc khi diễn thuyết cho khỏi rỗng tuếch, cũng phải như thế.

đ) Lụp chụp cẩu thả - Những tệ kể trên, một phần vì thiếu kinh nghiệm, mà một phần vì tính lụp chụp, cẩu thả.

Một thí dụ rất rõ ràng: Mỗi ngày, chúng ta ai cũng rửa mặt. Rửa mặt rồi, thì chải đầu. Nhiều người chải đầu rồi, còn soi g-ơng xem đã sạch, đã mượt chưa. Nếu viết bài và diễn thuyết cũng cẩn thận như thế thì chắc không đến nỗi có nhiều khuyết điểm.

Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết.

Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn.

Khi viết xong một bài báo, một bản báo cáo, hoặc thảo một bài diễn văn, nhất định phải đọc lại vài lần. Mình tự phê bình bài của mình, hỏi ý kiến đồng chí khác. Những câu, những chữ thừa, vô ích bỏ đi.

Rửa mặt phải kỳ xát vài ba lần mới sạch. Viết văn, diễn thuyết cũng phải như vậy.

e) Bệnh theo "sáo cũ" - Chẳng những viết, nói, có thói ba hoa, mà huấn luyện, khai hội cũng mắc chứng đó.

Mở lớp huấn luyện là một việc rất tốt, rất cần. Nhưng phải hiểu rằng: học cốt để mà làm. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích.

Vì vậy huấn luyện phải thiết thực, sao cho những người đến học, học rồi, về địa phương họ có thể thực hành ngay. Nhiều đồng chí ta không hiểu cái lẽ rất giản đơn đó. Cho nên họ đã đưa "thặng dư giá trị" nhồi sọ cho thanh niên và phụ nữ nông dân. Họ đã đưa "tân dân chủ chủ nghĩa" nhồi sọ các em nhi đồng. Họ đã đưa "biện chứng pháp" nhồi sọ công nhân đang học quốc ngữ.

Chỉ trong một cuộc khai hội ở địa phương, chúng ta đã có thể thấy rất nhiều khuyết điểm.

1. Kém chuẩn bị - Đảng viên đến chỗ khai hội rồi, mà cũng chưa biết vì việc gì mà khai hội. Đến khi chủ tịch mời mọi người phát biểu ý kiến thì quần chúng ai có sẵn ý kiến mà phát biểu?

2. Nói mênh mông - Thường thường đại biểu cấp trên đến khai hội với cấp dưới, trong lúc khai hội, chỉ một mình "ông" đại biểu, hay "bà" đại biểu nói, nói hàng hai, ba giờ đồng hồ. Nói mênh mông trời đất. Nói gì cũng có. Nhưng chỉ chừa một điều không nói đến là những việc thiết thực cho địa phương đó, những việc mà dân chúng ở đó cần biết, cần hiểu, cần làm, thì không nói đến!

3. Không đúng giờ - Hẹn khai hội tám giờ thì chín, mười giờ mới đến. Làm mất thời giờ của những người khác. Họ không hiểu rằng: giữ đúng thời giờ là một tính tốt của người cách mạng, nhất là trong lúc kháng chiến này.

4. Giữ nếp cũ - Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, cũng khư khư giữ theo nếp cũ:

1. Tình hình thế giới.

2. Tình hình Đông Dương.

3. Báo cáo công tác.

4. Thảo luận.

5. Phê bình.

6. Giải tán.

Hiểu biết tình hình thế giới và trong nước, cố nhiên là việc hay, việc cần. Nhưng khổ thay! Nếu có đại biểu cấp cao đến, thì ông ấy kéo hàng giờ nào kế hoạch Mácsan, nào xứ Paragoay, nào gì gì, mà bà con không hiểu chi hết! Nếu chỉ cán bộ cấp xã, thì biết đâu tình hình thế giới mà nói. Thế mà điểm thứ nhất cứ phải là "tình hình thế giới".

Kết quả là việc thiết thực, việc đáng làm thì không bàn đến.

g) Nói không ai hiểu - Đảng thường kêu gọi khoa học hoá, dân tộc hoá, đại chúng hoá. Khẩu hiệu đó rất đúng. Tiếc vì nhiều cán bộ và đảng viên, có "hoá" gì đâu! Vẫn cứ chứng cũ, nếp cũ đó. Thậm chí, miệng càng hô "đại chúng hoá", mà trong lúc thực hành thì lại "tiểu chúng hoá". Vì những lời các ông ấy nói, những bài các ông ấy viết, đại chúng không xem được, không hiểu được. Vì họ không học quần chúng, không hiểu quần chúng.

Nhiều tờ truyền đơn, nhiều bản nghị quyết, nhiều khẩu hiệu của Đảng, mục đích và ý nghĩa rất đúng. Nhưng viết một cách cao xa, mầu mè, đến nỗi chẳng những quần chúng không hiểu, mà cả cán bộ cũng không hiểu.

Thí dụ: vừa rồi đây, đi đến đâu cũng thấy dán những khẩu hiệu:

"Chống cô độc",

"Chống chủ quan",

"Chống địa phương".

Nhưng khi hỏi kỹ, thì hơn chín phần mười cán bộ cấp dưới không hiểu gì hết. Họ nói: cấp trên bảo dán cứ phải dán, chứ thật ra chúng tôi không hiểu. Thậm chí có người luôn miệng đọc là "chống quan địa phương".

Than ôi! Khẩu hiệu cách mạng của Đảng mà hoá ra lá bùa của thầy cúng. Lỗi đó tự ai? Thế mà bảo "đại chúng hoá", "dân tộc hoá" thì hoá cái gì?

Mỗi khẩu hiệu của Đảng phải là cái ý nguyện và mục đích của hàng ức đảng viên và của hàng triệu dân chúng. Mà muốn như thế, phải làm cho dân chúng đều hiểu, phải học cách nói của dân chúng. Nếu không hàng vạn khẩu hiệu cũng vô ích.

h) Bệnh hay nói chữ - Tiếng ta có thì không dùng, mà cứ ham dùng chữ Hán. Dùng đúng, đã là một cái hại, vì quần chúng không hiểu. Nhiều người biết không rõ, dùng không đúng, mà cũng ham dùng, cái hại lại càng to.

Thí dụ: Pháp và Việt gian bắt buộc đồng bào đi biểu tình, mà một tờ báo nọ của đoàn thể viết là những "cuộc biểu tình tự động". Dùng quân đội quét một vùng, tiếng Trung Quốc gọi là tảo đãng, mà một tờ báo của đoàn thể viết là "tảo đảm". Lại có tờ viết là "tảo đảng"!

Tục ngữ nói: "Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ". Cái bệnh nói chữ đó đã lây ra, đã làm hại đến quần chúng. Vì vậy, có người đã nói:

"Chúng tôi xin thông phong" (xung phong).

"Các đồng chí phải luyến ái nhau" (thân ái nhau), v.v.. Trong một cuộc khai hội phụ nữ, có chị cán bộ nọ lên nói: "Thưa chị em, tôi xin bá cáo kinh nguyệt của tôi trong tháng này".

Không, đó không phải là những chuyện cười, đó là những chuyện thật. Những chuyện thật đáng đau lòng, do bệnh hay nói chữ sinh ra hoặc do bệnh dốt sinh ra.

2. Cách chữa thói ba hoa

Trên đây đã kể qua những chứng ba hoa. Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ đều phải ra sức sửa chữa bệnh đó. Nếu không, sẽ có hại to cho công việc của Đảng.

Sau đây là liều thuốc chữa thói ba hoa. Mọi người phải hiểu, phải nhớ, phải thực hành:

1. Phải học cách nói của quần chúng. Chớ nói như cách giảng sách.

Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng.

2. Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu.

3. Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: "Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?".

4. Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết.

5. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: "Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói".

Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại ba, bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại chín, mười lần.

Làm được như thế - đảng viên và cán bộ ta quyết phải làm như thế - thì thói ba hoa sẽ bớt dần dần cho đến khi hoàn toàn hết sạch mà công việc của Đảng, tư cách của cán bộ và đảng viên sẽ do đó mà tăng thêm.

----------

Tháng 10 năm 1947


THƯ GỬI HỘI NGHỊ THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN VÀ BÁO CHÍ TOÀN QUỐC

Các đồng chí,

Tôi gửi lời thân ái chúc các đại biểu mạnh khoẻ và Hội nghị có kết quả tốt. Sau đây là một vài ý kiến tôi đưa ra để giúp vào cuộc thảo luận của Hội nghị.

Theo ý kiến của tôi, thì thông tin, tuyên truyền và báo chí là ba ngành trong một việc, ba ngành đó phải đi sát với nhau. Vì vậy, các ưu điểm và khuyết điểm cũng chia sẻ với nhau. Xét lại, hơn một năm kháng chiến, chúng ta thấy trong thông tin, tuyên truyền và báo chí, ưu điểm cũng có và khuyết điểm cũng còn nhiều:

ƯU ĐIỂM

1. Mặc dầu hoàn cảnh khó khăn, anh em đều cố gắng làm nhiệm vụ.

2. Số báo chí nhiều hơn trước, nhất là bích báo càng phát triển. Hầu khắp các cơ quan và bộ đội, các đoàn thể đều có bích báo. Các huyện như An Hải có báo Giết giặc, các đội nhi đồng như báo Xung phong của em bé ở Hải Dương, kỹ thuật và nội dung rất khá.

3. Nhiều nơi có sáng kiến dùng những cách thức phổ thông để tuyên truyền, như kịch, vè, ca dao, v.v..

4. Gần đây đã đi đến chỗ thống nhất thông tin tuyên truyền.

KHUYẾT ĐIỂM

a- Nhiều địa phương, anh em thông tin tuyên truyền lầm tưởng mình là công chức, làm việc theo cách bàn giấy mà quên nhiệm vụ của mình là tuyên truyền, cổ động, giải thích và huấn luyện cho nhân dân.

- Các cấp thông tin tuyên truyền thường thi hành chỉ thị cấp trên một cách máy móc, không biết áp dụng theo hoàn cảnh thiết thực trong địa phương mình.

- Tuyên truyền không chủ trương thực tế mà hay nói những lý luận viển vông.

- Chưa có một chương trình, một kế hoạch thiết thực và đầy đủ về công tác cũng như về kiểm tra.

b- Báo chí có những khuyết điểm sau đây:

1. Về kỹ thuật: Có đôi tờ báo, khi thì rộng, khi thì hẹp, chữ in thì luộm thuộm, khó đọc, tên báo thì thường đổi khác (khi in thế này, khi in cách khác), thành thử tờ báo mất cả cái bản sắc của nó. Nhiều khi "tiếp theo trang sau" lộn xộn quá, làm cho người đọc khó tìm.

2. Về tin tức: Tin tức thế giới nhiều hơn tin tức trong nước. Có những tỉnh như Hà Giang, Lào Cai hoặc các tỉnh Trung Bộ hầu như không bao giờ có tin tức gì trên mặt báo. Các báo miền ngược không chú ý dân tộc thiểu số.

- Có khi đăng tin không xác thực.

- Không biết giữ bí mật. Thí dụ: đăng cả tên, hoặc số các bộ đội ta. Đăng rõ địa điểm và kết quả sau một cuộc địch ném bom.

3. Về văn chương: Quá dài dòng văn tự. Khô khan, kém hoạt bát lanh lợi. Không phổ thông. Hay dùng chữ Tàu mà không đúng nghĩa.

4. Về chính trị: Hay nói chính trị suông mà ít chú ý đến những vấn đề quan trọng khác, như kinh tế, văn hoá, xã hội.

- Không nắm được những vấn đề chính để giải thích cho dân. Thí dụ: vấn đề chính phủ bù nhìn, những việc cần thiết trước và sau khi địch tấn công.

Không biết lãnh đạo dư luận, không biết thúc đẩy và nâng cao tinh thần tranh đấu của nhân dân.

- Đôi khi sơ suất, cẩu thả, làm giảm giá trị tờ báo hoặc làm mất lòng người xem. Thí dụ: Tờ báo nọ đăng bài có đầu không đuôi. Tờ báo kia quên cả lịch sử, trận Đống Đa ngày 5 tháng Giêng âm lịch, thì viết là 10 tháng 11. Tờ báo khác đăng tin vị linh mục X hàng địch, kỳ thực vị ấy là một người tốt.

5. Về phát hành: Chậm chạp và thiếu thốn. Nhiều nơi, hàng tháng không có báo, không có tin tức.

6. Về địch vận: Còn rất kém, đối lính Pháp cũng như đối những người Việt lầm đường theo Pháp.

7. Về kinh nghiệm: Không biết trao đổi cho nhau. Vùng này có nhiều sáng kiến hay, đã lượm được kết quả tốt, mà vùng khác không biết bắt chước (những điều 5, 6, 7 thì báo chí cũng như thông tin tuyên truyền).

Nói tóm lại: Nội dung các tờ báo chưa phản ánh được sự sinh hoạt của các tầng lớp dân chúng, chưa thành tờ báo của dân chúng.

Tôi mong rằng, trong cuộc Hội nghị này, các đồng chí sẽ bàn định một chương trình thiết thực và đầy đủ để sửa chữa những khuyết điểm, phát triển những ưu điểm, để làm cho thông tin tuyên truyền và báo chí trở nên rất hoạt động. Mà muốn đạt mục đích đó thì đào tạo cán bộ mới là một vấn đề quan trọng cần phải giải quyết.

Tôi chắc rằng các đồng chí sẽ cố gắng để làm cho thông tin, tuyên truyền và báo chí làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động, huấn luyện và lãnh đạo nhân dân.

Chào thân ái và quyết thắng

Tháng 2 năm 1948

HỒ CHÍ MINH

---------

Tạp chí Kinh nghiệm tuyên truyền, Sở Thông tin Nam Bộ, số 7, tháng 5-1949.


TƯ CÁCH NGƯỜI CÔNG AN CÁCH MỆNH

Tháng 3 năm 1948

Gửi đồng chí Hoàng Mai,

Bác đã nhận được thư và báo cháu gửi tặng Bác. Bác thấy có sự cố gắng, đáng hoan nghênh. Nhưng báo theo cháu nói, từ 24
đến 32 trang thì dài quá. Cần làm ngắn lại và viết những vấn đề thật thiết thực, mọi người đọc đều có thể hiểu và làm được. Như thế mới có tác dụng giúp đẩy mạnh công tác, đẩy mạnh thi đua. Trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em công an nhận rõ công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc.

Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong.

Trên tờ báo phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức. Tư cách người công an cách mệnh là:

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tuỵ.

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.

Nói tóm lại là những đạo đức và tư cách mà người công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng. Những điều đó, chẳng những nên luôn luôn nêu trên báo mà lại nên viết thành ca dao cho mọi người công an học thuộc, nên viết thành khẩu hiệu dán tại những nơi các anh em công an thường đến (bàn giấy, nhà ăn, phòng ngủ, v.v.).

Ngoài ra, công an thường phải kiểm soát nhân viên và công việc của mình. Mỗi công an viên đóng chỗ nào thì cần dạy cho dân quân, tự vệ nơi đó cách điều tra, xét giấy, phòng gian, v.v.. Dạy cho dân ở nơi đó giữ bí mật. Và tự mình phải luôn luôn giữ lễ phép. Tránh hách dịch, v.v..

Chào thân ái và quyết thắng

HỒ CHÍ MINH

----------
Tài liệu lưu tại Bộ Nội vụ
(nay là Bộ Công an).


BÀI NÓI TẠI ĐẠI HỘI LẦN THỨ II HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM

Bác thay mặt Đảng và Chính phủ đến thăm các đồng chí. Là một người có nhiều duyên nợ với báo chí, Bác nêu vài ý kiến giúp các cô, các chú tham khảo:

Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí. Các cô, các chú đã có những ưu điểm như đã đóng góp vào cuộc kháng chiến thắng lợi, xây dựng hoà bình và đấu tranh thống nhất Tổ quốc.

Nhiều đồng chí đã cố gắng làm việc. Gần đây, sau khi nghiên cứu chỉ thị của Trung ương, các đồng chí đã thấy rõ công việc báo chí là rất quan trọng và đã thấy được những ưu điểm và khuyết điểm của mình. Như thế là tiến bộ.

Ưu điểm của các cô, các chú không ít. Nhưng khuyết điểm thì cũng còn nhiều. Trong các đồng chí cũng còn có người hoặc ít hoặc nhiều chưa thoát khỏi ảnh hưởng tư sản và tiểu tư sản, cho nên nắm vấn đề chính trị không được chắc chắn. Nói về văn nghệ, Bác thú thật có ít thì giờ xem các bài văn nghệ. Có lẽ vì thế mà có lúc xem đến thì thấy cách viết thường ba hoa, dây cà dây muống; và hình như viết là để đếm dòng lấy tiền, có những bài nhạt nhẽo thế nào ấy. Còn viết về chính trị thì khô khan và có hai cái tệ: một là rập khuôn, hai là dùng quá nhiều chữ nước ngoài. Cái bệnh dùng chữ là phổ biến trong tất cả các ngành. Đáng lẽ báo chí phải chống lại cái bệnh đó, nhưng trái lại, báo chí lại tuyên truyền cho cái tệ đó. Cố nhiên, có những chữ không thể dịch được thì ta phải mượn chữ nước ngoài. Ví dụ: Những chữ kinh tế, chính trị, v.v., thì ta phải dùng. Hoặc có những chữ nếu dịch ra thì mất cả ý nghĩa, như chữ "độc lập". Nếu "Việt Nam độc lập" mà nói "Việt Nam đứng một" thì không thể nghe được. Nhưng có những tiếng ta sẵn có, thì tại sao lại dùng chữ nước ngoài. Ví dụ: Vì sao không nói "đường to" mà lại nói "đại lộ", không nói "người bắn giỏi" mà lại nói "xạ thủ", không nói "hát múa" mà lại "ca vũ"?

Những ví dụ như vậy nhiều lắm, nhiều lắm. Các báo Nhân dân, Thời mới, Quân đội, v.v., đều dùng chữ nhiều lắm. Tóm lại, chúng ta dùng chữ nhiều quá, có khi lại còn dùng sai nữa. Mong rằng báo chí cố gắng sửa đổi cái tệ ấy đi. Tiếng nói là một thứ của rất quý báu của dân tộc, chúng ta phải hết sức giữ gìn lấy nó chớ để bệnh nói chữ lấn át nó đi.

Khoa học ngày càng phát triển, có những chữ mới mà ta chưa có, thì ta phải mượn. Ví dụ: Ta phải nói "kilô", vì nếu nói "cân", thì không đúng nghĩa là 1.000 gram. Song những chữ dùng tiếng ta cũng đúng nghĩa thì cứ dùng tiếng ta hơn. Có những người hình như sợ nói tiếng ta thì nó xấu hổ thế nào ấy! Họ làm cho các cháu học sinh cũng bị lây bệnh nói chữ, như "phụ đạo", "giáo cụ trực quan", v.v.. Thật là tai hại.

Mấy khuyết điểm nữa: Sau khi nghiên cứu chỉ thị của Trung ương về báo chí, có một số đồng chí thì tiến bộ, nhưng cũng có một số vì trình độ văn hoá và chính trị còn kém thì đâm ra bi quan và muốn đổi làm nghề khác. Họ không biết rằng nghề nào cũng khó, không có nghề nào dễ. Phải có ý chí tự cường, tự lập, kém thì phải cố mà học. Chúng ta phải làm thế nào để vượt được khó khăn, làm tròn nhiệm vụ. Người cách mạng gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn, chứ không chịu thua khó khăn. "Không có việc gì khó, có chí thì làm nên". Câu nói đó rất đúng.

Có người chỉ muốn làm cái gì để "lưu danh thiên cổ" cơ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. Cái đó cũng không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra.

Họ không thấy rằng: Làm việc gì có ích cho nhân dân, cho cách mạng đều là vẻ vang. Bất kỳ việc gì mà mình làm tròn nhiệm vụ đều là vẻ vang. Trong các anh hùng, chiến sĩ lao động có người là công nhân, là nông dân, có người làm thầy thuốc, có người đánh giặc giỏi... và có người dọn cầu xia cũng trở nên chiến sĩ. Tóm lại, trong lao động không có nghề gì là hèn, chỉ có l-ời biếng mới là hèn; làm tròn nhiệm vụ thì công tác nào cũng vẻ vang.

Nói về Hội nhà báo. Đó là một tổ chức chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng.

Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Báo chí phải phục vụ ai? Có người nói ở các nước tư bản có tự do báo chí và báo chí không có giai cấp. Nói vậy không đúng. Ví dụ: Các báo Pháp như báo Phigarô, báo Nước Pháp buổi chiều, v.v., một mặt nó ru ngủ nhân dân, chia rẽ nhân dân, làm cho nhân dân mất chí khí phấn đấu, mất tinh thần đoàn kết giai cấp; mặt khác, nó phục vụ giai cấp tư sản. Đó là những tờ báo chính trị. Lại còn những tờ báo "giật gân", báo nói về ái tình, báo chuyên về lôi chuyện bí mật của những người có tiền ra để tống tiền, v.v.. Tất cả những báo chí ấy đều phục vụ lợi ích của giai cấp bóc lột. Báo chí Pháp có thật tự do không? Không! Ví dụ báo Nhân đạo thường bị bọn thống trị tìm mọi cách để phá: nào phạt tiền, nào cho bọn du côn phá phách, nào làm khó khăn về giấy in, nhiều khi báo bị tịch thu, v.v..

Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới. Chính vì thế cho nên, tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ.

Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng.

Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu.

Mục đích chung của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hoà bình thế giới. nhưng mỗi tờ báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ, v.v., nên có đặc điểm của nó, về hình thức thì không rập khuôn; rập khuôn thì báo nào cũng thành khô khan, làm cho người xem dễ chán.

Về trách nhiệm báo chí, Lênin có nói: Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công.

Trong nghề làm báo, ta có những kinh nghiệm của ta, nhưng ta cũng cần phải học thêm kinh nghiệm của các nước anh em. Muốn thế, thì những người làm báo ít nhất cũng cần biết một thứ tiếng nước ngoài. Ví dụ: Phải biết chữ Hán thì mới xem được báo Trung Quốc và học được kinh nghiệm của báo Trung Quốc.

Trên đây nói nhiều về người viết báo. Nhưng trong nghề làm báo còn có nhiều ngành khác, như ngành in mà các cô các chú thích nói chữ gọi là ngành "ấn loát", cũng rất quan trọng. Bởi vì có những lúc không cẩn thận, in thiếu nét, thiếu dấu, hoặc in lờ mờ không rõ. Người viết bài lại thích dùng chữ, như gọi người đánh cá là "ngư dân", rồi người in lại in thiếu cái dấu ở chữ ư hoá ra "ngu dân". Đấy chỉ là một ví dụ để thấy rằng việc in cũng phải làm cho tốt. Việc phát hành cũng rất quan trọng. Phải làm thế nào cho báo có nhiều người xem. Giá tiền báo cũng cần phải đúng mức. Trong công tác, người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v., đều phải ăn khớp với nhau.

* * *

Có đồng chí hỏi kinh nghiệm làm báo của Bác. Kinh nghiệm của Bác là kinh nghiệm ngược. Bác học viết báo Pháp trước, rồi học viết báo Trung Quốc, rồi sau mới học viết báo Việt Nam. Còn học thì một là học trong đời sống của mình, hai là học ở giai cấp công nhân. Lúc ở Pari, tuy biết nhiều tội ác của thực dân Pháp, nhưng không biết làm thế nào để nêu lên được. Một đồng chí công nhân ở toà báo Đời sống thợ thuyền cho Bác biết báo ấy có mục "tin tức vắn", mỗi tin chỉ năm ba dòng thôi và bảo Bác có tin tức gì thì cứ viết, đồng chí ấy sẽ sửa lại cho. Từ đó, ngoài những giờ lao động, Bác bắt đầu viết những tin rất ngắn. Mỗi lần viết làm hai bản, một bản đưa cho báo, một bản thì giữ lại. Lần đầu tiên thấy tin được đăng thì rất sung sướng. Mỗi lần đều đem tin đã đăng trên báo so với bài mình đã viết, xem sai chỗ nào. Về sau đồng chí ấy bảo Bác cố viết dài thêm vài dòng nữa, rồi lại vài dòng nữa... Cứ thế kéo dài đến 15, 20 dòng, rồi đến cả một cột dài. Lúc đó đồng chí ấy lại bảo: "Thôi, bây giờ phải viết rút ngắn lại, cũng những việc như vậy nhưng phải viết cho rõ, cho gọn".

Các báo đăng bài của mình đều là báo phái "tả", đều nghèo, không hề trả cho mình đồng tiền nào. Mình ngày thì đi làm, tối đi mít tinh, tuy khá vất vả, nhưng vẫn cố gắng viết để nêu tội ác của bọn thực dân.

Khi đã biết viết báo, mình lại muốn viết tiểu thuyết. Nhưng lại e rằng biết chữ Tây võ vẽ như mình thì viết tiểu thuyết sao được. Tình cờ đọc một truyện ngắn của Tônxtôi, thấy viết một cách rất giản dị, dễ hiểu, thì cho rằng mình cũng viết được... Từ đó mình bắt đầu viết truyện ngắn.

Lúc đó mình sống ở khu phố công nhân nghèo, hiểu rõ đời sống của họ, mình cứ viết những điều mắt thấy tai nghe. Viết xong đưa đến báo Nhân đạo và nói với đồng chí phụ trách về văn nghệ: "Đây là lần đầu tiên tôi thử viết truyện ngắn, nhờ đồng chí xem và sửa lại cho". Đồng chí ấy xem xong rồi bảo: "Được lắm, chỉ cần sửa lại một vài chỗ thôi". Cách mấy hôm sau, thấy truyện của mình được đăng báo thì sướng lắm. Sướng hơn nữa là nhà báo trả cho 50 phrăng tiền viết bài. Chà! Lần đầu tiên được trả tiền viết báo. Với 50 phrăng đó mình có thể sống 25 ngày không phải đi làm, tha hồ tham gia mít tinh, tha hồ viết báo, tha hồ đi xem sách...

Kinh nghiệm học viết báo của Bác là như thế.

Có một thời gian mình làm cả chủ bút, chủ nhiệm, giữ quỹ, phát hành và bán báo của tờ báo Paria20. Các đồng chí người thuộc địa Á - Phi viết bài và quyên tiền, còn bao nhiêu công việc mình đều bao hết. Cách bán báo: Bán cho anh em công nhân Việt Nam, họ không biết chữ Pháp, nhưng họ vẫn thích mua vì họ biết báo này chửi Tây, mua rồi họ nhờ anh em công nhân Pháp đọc cho họ nghe. Một cách nữa là: ở Pari có những chỗ bán báo lấy hoa hồng. Vì là đồng chí với nhau cả, các anh chị ấy bán hộ cho mình mà không lấy hoa hồng và họ bán được khá nhiều. Các số báo Paria vừa ra đều được Bộ Thuộc địa Pháp mua gần hết. Còn báo gửi đi các thuộc địa thì mấy chuyến đều bị tịch thu và người đưa báo thì bị bắt bỏ tù. Về sau, nhờ anh em thuỷ thủ Pháp bí mật chuyển hộ, thì không xảy ra việc gì. Nhưng rồi bọn thực dân cũng dò ra. Sau cùng, phải dùng đồng hồ có chuông mà gửi. Cách gửi như vậy đắt lắm, nhưng báo đều đến được các thuộc địa.

Cách thứ tư: Trong những cuộc mít tinh, mình đưa báo ra phát rồi nói: "Báo này nói cho các đồng chí biết bọn thực dân áp bức chúng tôi như thế nào. Báo này để biếu thôi, nhưng đồng chí nào có lòng giúp cho báo thì chúng tôi cảm ơn". Kết quả là: Nếu đem bán thì 100 tờ báo được 5 phrăng, nhưng "biếu không" thì có khi được tới 10, 15 phrăng. Vì anh em công nhân có một, hai xu hoặc một, hai phrăng cũng cho cả.

Khi đi qua Liên Xô, đồng chí L. phóng viên tờ báo Tiếng còi bảomình viết bài và dặn phải viết rõ sự thật: việc đó ai làm, ở đâu, ngày tháng nào, v.v., và phải viết ngắn gọn. Cách đấy mấy năm, mình trở lại Liên Xô. Đồng chí L. lại bảo mình viết. Nhưng L. lại bảo: chớ viết khô khan quá. Phải viết cho văn chương. Vì ngày trước khác, người đọc báo chỉ muốn biết những việc thật. Còn bây giờ khác, sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới thích đọc.

Khi đến Hoa Nam, mình lại tập viết báo Trung Quốc. Mỗi lần viết xong, mình sửa đi sửa lại mấy lần rồi mới gửi đến Cứu vongnhật báo... Thấy bài mình đã được đăng, lại được đóng khung, điều đó khuyến khích mình tiếp tục viết. Nói tóm lại, mình phải học tập không ngừng và phải luôn luôn khiêm tốn.

Đến ngày Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ra tờ báo Thanh niên thì mình lại học viết tiếng ta. Lúc ấy, vấn đề khó khăn là làm thế nào để gửi báo về nước cho đến tay người đọc. Năm 1941, bí mật về nước. Theo lời dạy của Lênin là: Tờ báo là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo. Cho nên mình cố gắng ra một tờ báo ngay và phải làm rất bí mật vì luôn luôn có mật thám của Pháp, Nhật và Bảo Đại rình mò. Điều kiện sinh hoạt thì bữa đói, bữa no. Làm báo thì phải có đá in. Mấy đồng chí đã đi lấy trộm những tấm bia đá rồi mài mất mấy ngày mới thành bản in. In thì phải viết chữ trái lên đá, thế là có một đồng chí phải hì hục học tập viết chữ trái. Mấy số báo đầu, ba bốn anh em cùng làm, nhưng in cứ toe toét, chỉ in được ít và xấu xí. Nhưng về sau cứ tiến bộ dần, mỗi lần in được gần 300 số. Phải đặt bia đá "nhà in" ở ba chỗ khác nhau. Khi động chỗ này thì chạy đến chỗ khác mà in và báo vẫn ra đúng kỳ. Địch chịu không làm gì được.

Vấn đề giấy cũng gay. Lúc bấy giờ ai mua nhiều giấy, địch cũng nghi và theo dõi. Các chị em mỗi người đi chợ mua năm, mười tờ, nói dối là mua cho con cháu học, rồi góp lại để in báo.

In bản đá, muốn sửa chữ thì phải dùng axít. Mà axít thì mua đâu được? Có đồng chí nghĩ ra cách dùng chanh thay cho axít, chị em lại giúp mua chanh để ủng hộ báo.

Còn việc phát hành: Để báo ở các hang đá bí mật. Các đồng chí phụ trách cơ sở Việt Minh cứ đến đó mà lấy. Báo bán hẳn hoi, chứ không biếu.

Thế là mọi việc đều dựa vào quyết tâm của mình, dựa vào lực lượng và sáng kiến của quần chúng.

Đồng bào địa phương rất thích đọc báo, vì báo viết điều gì cũng thấm thía với họ. Đồng bào còn tự động tổ chức những tổ đọc báo và bí mật đưa tin tức cho báo. Đồng bào lại tìm mọi cách tuyên truyền cho lính dõng đọc báo để làm "binh vận".

** *

Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là "đề tài", thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một "đề tài" là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó.

Kết luận: Kinh nghiệm của 40 năm là không sợ khó, có quyết tâm. Không biết thì phải cố gắng học, mà cố gắng học thì nhất định học được. Bây giờ các cô, các chú có điều kiện học tập dễ dàng hơn Bác trước kia. Mong các cô, các chú cố gắng và tiến bộ!

----------

Nói ngày 16-4-1959. In trong sách Hồ Chí Minh: Về công tác văn hoá, văn nghệ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971, tr.40-49


THƯ GỬI LỚP HỌC VIẾT BÁO HUỲNH THÚC KHÁNG

Các bạn yêu quý!

Tôi rất vui lòng được tin các bạn đến học viết báo. Tiếc vì điều kiện chưa tiện, tôi không đến thăm các bạn được. Đây tôi có vài ý kiến để giúp các bạn nghiên cứu.

Tờ báo của chúng ta có mấy điểm chính:

1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung.

2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì:

3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy:

4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì:

5. Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và:

6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa.

Hiện nay, các báo ta thường có những khuyết điểm sau đây:

Về mặt tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều.

Không biết giữ bí mật.

Đôi khi đăng tin vịt.

Hay dùng chữ Tàu quá, và nhiều khi dùng không đúng. Hoặc là in nhem nhuốc, luộm thuộm, hoặc là vì “mỹ thuật” mà cắt một bài ra hai ba đoạn, khó đọc.

Tin tức chậm.

Tin quan trọng thì bài ngắn và in chữ nhỏ, bài không quan trọng thì viết dài và in chữ to. Tờ báo không vui vẻ.

Muốn viết bài báo khá thì cần:

1. Gần gụi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực.

2. ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài, và học kinh nghiệm của người.

3. Khi viết xong một bài tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hoá xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu, thì sửa lại cho dễ hiểu.

4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ. Nghe nói có ba cô đến học viết báo, đó là một điều đáng mừng cho báo chí ta. Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những ng-ời tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu:

Tất cả để chiến thắng!

Chào thân ái và quyết thắng

HỒ CHÍ MINH

----------Báo Cứu quốc, số 1264, ngày 9-6-1949.


BÀI NÓI CHUYỆN TẠI ĐẠI HỘI LẦN THỨ III CỦA HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM

Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái chào các đại biểu.

Bây giờ Bác lấy tư cách một đồng chí có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí, nêu ra vài ý kiến sau đây:

Từ ngày hòa bình được lập lại, cán bộ báo chí, thông tin và đài phát thanh đã có cố gắng nhiều và tiến bộ khá.

Số báo chí cũng đã tăng rất nhiều, tỉnh nào cũng có báo, nhiều ngành cũng có báo. Hiện nay, đã có hơn 150 tờ báo các loại. Theo ý tôi thì tăng hơi nhiều quá. Từ nay, cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng của báo chí để nó làm tròn nhiệm vụ cao cả của nó. Những nghị quyết của Trung ương Đảng đã nói rõ về điều đó. Nay tôi chỉ nói tóm tắt vài điểm.

Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Hiện nay, ở miền Bắc nhiệm vụ của chúng ta là: phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao đời sống của nhân dân, củng cố quốc phòng, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đối với miền Nam, chúng ta có nhiệm vụ ủng hộ đồng bào ruột thịt đang đoàn kết chặt chẽ, anh dũng đấu tranh chống bọn Mỹ xâm lược và bọn Diệm bán nước; đấu tranh giành cơm áo, tự do, và hòa bình thống nhất Tổ quốc.

Trên thế giới, nhiệm vụ của chúng ta là tăng cường đoàn kết trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa; ra sức ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước châu á, châu Phi và châu Mỹ Latinh; đấu tranh cho hòa bình thế giới, cấm vũ khí nguyên tử và giải trừ quân bị.

Đó là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ chính của báo chí ta.

* * *

Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy.

Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm.

Những người (bất kỳ ở địa vị nào) và những cơ quan được phê bình phải có thái độ thật thà, khiêm tốn. Phê bình đúng, thì phải đăng báo nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Nếu phê bình sai, thì đăng báo giải thích. Quyết không được “phớt” lời phê bình và “trù” người phê bình.

Có một vài cán bộ và cơ quan, vì sợ phê bình mà chẳng những không giúp đỡ người viết báo lại còn có thái độ không tốt với họ, thậm chí đi kiện họ trước tòa án. Những hành động như vậy cần phải chấm dứt. Mặt khác, các báo cũng cần khuyến khích quần chúng giúp ý kiến và phê bình báo mình để tiến bộ mãi.

Sẵn đây, nếu các cô, các chú đồng ý, thì Bác xung phong phê bình các báo.

- Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng.

- Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta.

- Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng.

- Thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài; nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau.

- Lộ bí mật.

- Có khi quá lố bịch.

- Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng.

Đời sống xã hội ngày càng phát triển và đổi mới. Có những chữ ta không có sẵn và khó dịch đúng, thì cần phải mượn chữ nước ngoài. Thí dụ: độc lập, tự do, giai cấp, cộng sản, v.v.. Còn những tiếng ta có, vì sao không dùng, mà cũng mượn chữ nước ngoài? Thí dụ: Không gọi xe lửa mà gọi “hỏa xa”; máy bay thì gọi là “phi cơ”. Nhà nước, hoặc nước nhà thì gọi là “quốc gia”, đường lớn thì gọi là “đại lộ”, vẻ vang - “quang vinh”, giúp nhau - “hỗ trợ”. Và có hàng vạn cái mượn như vậy.

Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?

Báo chí của ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí ta. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết.

Ngoài những đồng chí đã làm báo trong những năm cách mạng và kháng chiến, số đông cán bộ báo chí ta đều mới vào nghề, vì thế mà kinh nghiệm còn ít, trình độ chưa cao. Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện.

Kinh nghiệm của tôi là thế này:

Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi:

Viết cho ai xem?

Viết để làm gì?

Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?

Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm.

Chớ tự ái, tự cho bài của mình là “tuyệt” rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta.

Hiện nay, các báo thường có ảnh và tranh vẽ. Đó là một tiến bộ nhưng ảnh thì thường lèm nhèm, vẽ thì chưa khéo lắm. Cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.

* * *

Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. (Nghị quyết của Bộ Chính trị, 8-12-1958).

Lời ngắn, ý dài. Cuối cùng chúc các cô, các chú:

Đoàn kết, phấn khởi, cố gắng và tiến bộ!

----------

Nói ngày 8-9-1962. Báo Nhân dân, số 3089, ngày 9-9-1962.

Từ khóa phổ biến
Cách tốt nhất để xem chúng tôi có phù hợp với nhu cầu của bạn không là...
Liên hệ tư vấn
(Hoàn toàn miễn phí)
SẢN PHẨM VỚI TẤT CẢ NIỀM ĐAM MÊ CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ NEKO
  • Địa chỉ: Tầng 2, Tòa B, Chung cư Xuân Phương Residence, Đường Trịnh Văn Bô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Điện thoại: 024.2324.8989 - Email: info@neko.vn
  • DMCA.com Protection Status