Công nghệ cho tòa soạn luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu tại Vnexpress
Ngay từ những ngày đầu thành lập, VnExpress đã được đầu tư và phát triển nền tảng xuất bản báo chí (Editor) mã nguồn mở, cho phép tòa soạn liên tục cải tiến và ứng dụng những công nghệ xuất bản mới nhất của báo chí thế giới. Đây là quá trình song hành liên tục và xuyên suốt của đội ngũ những người làm công nghệ với 250 phóng viên, biên tập viên làm báo ở VnExpress.
Hệ thống Editor cho phép tòa soạn vận hành trên một hệ thống thống nhất từ cấp phóng viên tới Ban Biên tập, không giới hạn thời gian và không gian, với độ bảo mật nhiều lớp, đồng thời được phân theo nhiều cấp biên tập.
Trên hệ thống xuất bản này, Ban Biên tập có thể điều phối quá trình sản xuất tin bài của từng phóng viên, biên tập viên, nghiệm thu và phân phối nội dung tới từng chuyên trang, chuyên mục. Hệ thống Editor được tích hợp bộ chỉ số phân tích người dùng giúp toà soạn đánh giá được mức độ quan tâm của công chúng tới từng nội dung cũng như đánh giá hiệu quả công việc của từng nhân sự.
Việc ứng dụng công nghệ cũng giúp cho tòa soạn tối ưu hóa năng suất và hiệu quả sản xuất nội dung của người làm báo. Ví dụ: Mỗi tháng trung bình VnExprees nhận khoảng 420.000 bình luận của độc giả. Để bảo đảm các ý kiến của độc giả phù hợp với nguyên tắc của tòa soạn, VnExpress đã dùng thuật toán để thẩm định. Sau đó mới tới phần duyệt, xuất bản của ban chuyên môn. Nhờ đó, hiệu suất công việc tăng lên, lượng bình luận của độc giả được xuất bản cũng tăng theo.
Để cá nhân hóa nhu cầu tiếp cận thông tin của từng độc giả VnExpress đã ứng dụng công nghệ một phần vào việc trình bày, sắp xếp nội dung hiển thị của từng bài báo, gợi ý cho độc giả những nội dung phù hợp với nhu cầu, thói quen tiếp nhận thông tin của từng người.
Hơn một năm trước, tòa soạn cũng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc sản xuất những nội dung có chung định dạng, sử dụng nhiều dữ liệu và “Điểm tin” trên loại hình Podcast.
VnExpress tập trung xây dựng một hệ thống dữ liệu lớn cho phép tòa soạn không chỉ nắm bắt được lượt truy cập của từng tin bài mà còn hiểu được mức độ quan tâm của 100% độc giả thường xuyên của báo.
VnExpress có thể xác định được từng “điểm chạm” của độc giả, không chỉ hiểu độc giả đọc cái gì mà còn biết họ đọc đến đâu và muốn đọc tiếp những gì… Nhờ đó, bên cạnh những yếu tố mang tính chủ ý của Ban biên tập, những chỉ số khách quan này đã giúp VnEpxress điều hướng trở lại quá trình sản xuất và trình bày nội dung.
Báo điện tử vốn không thể tách rời công nghệ mà công nghệ thì thay đổi từng giờ. Do đó, báo phải liên tục nghiên cứu, đưa công nghệ mới vào làm báo. Sự tự chủ về công nghệ đã giúp VnExpress đón được các xu hướng, tiệm cận với nhu cầu của công chúng và giúp tòa soạn đưa các nội dung đến đúng mục tiêu, một cách thuận tiện nhất.
Hệ thống dữ liệu phân tích người dùng mà VnExpress tự chủ tương đồng với bộ chỉ số của Google Analytics 360. Tuy nhiên có một số lợi thế là: VnExpress làm chủ thuật toán, không phụ thuộc vào sự thay đổi không biết trước của bên thứ ba; số liệu realtime nhanh hơn giúp tòa soạn có phản ứng tức thời với các sự kiện nóng; phân loại được từng lớp độc giả trung thành, thường xuyên hay vãng lai; xác định được điểm dừng đọc hay đi tiếp của độc giả.
VnExpress có thể biết một độc giả đọc một bài báo đến đâu. Chẳng hạn, một bài báo 1.000 từ cần đến 4 lần cuộn chuột nhưng nếu phần lớn độc giả chỉ dừng lại ở lần cuộn chuột thứ ba đồng nghĩa chỉ có 75% nội dung bài viết có ích, phần còn lại độc giả không quan tâm. Những “điểm chạm” này cũng gợi ý tòa soạn nên đặt link bài gì tiếp theo, ở vị trí nào để giữ chân độc giả.
Với sự hỗ trợ của công nghệ, người làm báo có thêm công cụ để đưa nội dung tiệm cận chính xác hơn với nhu cầu của bạn đọc.
Sự phát triển của công nghệ mang lại cho những người làm báo cơ hội sáng tạo không có điểm dừng. Ví dụ năm, bảy năm trước, ít người có thể hình dung ngày nay bạn đọc không chỉ đọc mà còn tương tác với nội dung, thậm chí góp phần tạo ra nội dung gần như tức thì trên mặt báo. Một bài báo điện tử không chỉ có văn bản (text), mà còn có âm thanh (voice), hình ảnh (video), trực quan hóa dữ liệu (data visualization),…
Hay như trước đây, độc giả hay đọc lướt, nên VnExpress ít có bài dài (trên 1.200 từ), nhưng nay với việc sử dụng các hình thức đa phương tiện, tối ưu hóa trải nghiệm và nhu cầu tương tác của độc giả, chúng tôi đã sản xuất những bài báo chất lượng cao trong chuyên mục Spotlight với nhiều điểm chạm, cần nhiều lượt click nhưng độc giả vẫn tiếp nhận.
Không ai biết giới hạn của sự sáng tạo trong công nghệ. Quá trình làm báo là hành trình không có điểm dừng nó không cho phép người làm báo được thỏa mãn. Đó là động lực buộc VnExpress phải tìm tòi và ứng dụng những cách làm mới, tạo ra không gian mới gợi ý những nhu cầu mới cho công chúng.
Sự chi phối của mạng xã hội như Facebook, Youtube… đang ngày càng làm giảm sức thu hút của báo chí. Chính vì thế, báo chí cần giữ đúng giá trị cốt lõi của mình đó là đem lại cho độc giả các nội dung xác tín, đưa độc giả đến gần với sự thật nhất có thể.
Trong bối cảnh người dùng bị chi phối bởi thông tin khó xác tín từ các nền tảng truyền thông xã hội, báo điện tử sẽ hướng đến những bài viết sâu toàn cảnh, dựa trên nền tảng dữ liệu lớn, với cách trình bày hướng nhiều tới trực quan, đa phương tiện, tương tác và cá nhân hóa.
Mặt khác, các thông tin ngách lại cần đầu tư để có được những tệp nội dung đáp ứng từng nhóm độc giả trung thành (lovers - cách gọi của VnExpress). Thông tin đại trà mà độc giả có thể đọc ở bất cứ đâu sẽ không phải là lợi thế của báo điện tử.
Công nghệ sẽ không chỉ dừng lại ở nền tảng xuất bản mà sẽ tham gia ngày càng sâu vào quá trình sản xuất tin bài. Chat GPT, AI trên thực tế đã tham gia vào quá trình này ở các mức độ khác nhau trong từng phân đoạn của người làm báo. Nhưng tới đây AI sẽ tham gia trực tiếp hơn, nhiều hơn.
Việc phân phối nội dung cũng sẽ được thuật toán hóa để bảo đảm nội dung đáp ứng đúng với nhu cầu của độc giả. Thậm chí, sẽ góp phần tạo ra nhu cầu mới, thói quen mới của công chúng.
"Không có công nghệ là không thể làm báo" - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Báo chí không đầu tư vào công nghệ sẽ rất khó phát triển. Đây là một bài toán khó bởi chi phí cho nhân lực công nghệ rất cao, nhiều khi cao hơn cả chi phí đầu tư phóng viên. Nhưng khi công nghệ là yếu tố cốt lõi cho việc phát triển của báo điện tử thì việc đầu tư công nghệ làm đòn bẩy là điều tất yếu.
Việc thu phí người dùng là con đường tất yếu. Hiện nay phần lớn nguồn thu của báo điện tử đến từ: quảng cáo, hoạt động truyền thông truyền thống, tổ chức sự kiện. Nhưng nguồn thu từ những phương thức này sẽ ngày càng hạn chế.
Để báo phát triển bền vững, nội dung vẫn là yếu tố cốt lõi có tính sống còn. Do đó, tòa soạn cần phải tổ chức được nhiều nội dung hữu ích, có giá trị thiết thực và khác biệt đáp ứng đúng nhu cầu ngày càng khắt khe của người đọc. Khi đó, người đọc sẽ sẵn sàng trả phí.
Ở VnExpress chúng tôi thường đặt ra câu hỏi: Vì sao độc giả phải đọc tin của bạn. Tới đây, trên lộ trình thu phí người dùng, câu hỏi đặt ra sẽ là: Vì sao độc giả phải trả tiền để đọc báo của bạn?
Nhà báo Phạm Hiếu - Tổng Biên tập Báo điện tử VnExpress
Đây sẽ là hành trình không dễ và không nhanh. New York Times là một ví dụ điển hình. Để thu phí thành công như hiện nay họ đã phải trải qua quá trình nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm để xác định hướng đi, phương thức phù hợp.
VnExpress cũng đã và đang trong lộ trình thực hiện việc chuyển đổi nội dung theo hướng này. VnExpress xác định đó là hành trình dài và nhiều gian nan nhưng nếu không bắt đầu ngay sẽ muộn.