onecms - blog

Video 360 độ trên báo chí tốt hay không tốt?

(ONECMS) - Hiện có những nghiên cứu khá kỹ lưỡng về tác động lợi, hại của video 360 độ trong báo chí, từ đó người làm báo có thể hướng tới tìm điểm cân bằng.

O.S | 05/09/2019 00:32
Video 360 độ trên báo chí tốt hay không tốt?

Video 360 độ là công nghệ có khả năng tạo bước tiến hóa mới cho báo chí, đó là điều có thể khẳng định. Hiện nay trên thế giới người ta không chỉ còn bàn cách làm thế nào để ứng dụng video 360 độ vào báo chí mà còn có những nghiên cứu kỹ hơn về tác động lợi, hại của video 360 độ trong báo chí, từ đó người làm báo có thể hướng tới tìm điểm cân bằng.

Tanja Aitamurto, nữ học giả đến từ Đại học Stanford đã phỏng vấn 26 phóng viên và biên tập viên, những người đã phụ trách sản xuất video 360 độ cho các tờ báo như USA Today, Washington Post, New York Times, hay cả những nhà đài như BBC và Al Jazeera để làm một nghiên cứu như vậy.

Những video 360 thuộc đối tượng nghiên cứu thường liên quan những vấn đề phức tạp, ví dụ như thực trạng trại tỵ nạn người nhập cư, nạn đói ở Châu Phi, thảm họa thiên nhiên; hoặc cũng có thể là những chủ đề nhẹ nhàng hơn như nghệ thuật, thể thao… Trang web của Hội nghiên cứu báo chí Châu Âu (ejo.ch) đã có bài giới thiệu qua về nghiên cứu này:

Làm video 360 độ cho báo điện tử lợi, hại thế nào?

Trước hết hãy xem một ví dụ về sản phẩm báo chí bằng video 360 độ:

Video 360 độ đang được dự đoán là “điều lớn lao sắp tới” trong báo chí. Tầm nhìn hy vọng là video 360 độ sẽ giúp độc giả thực sự thâm nhập vào bối cảnh và không gian của sự kiện, từ đó mở ra sự thấu hiểu hơn và tương tác với tin tức.

Dù vậy, nghiên cứu mới đây của nữ học giả Tanja Aitamurto đến từ Đại học Stanford đã tìm hiểu cả những mặt hạn chế nghiêm trọng của dạng video tin tức mới đầy hấp dẫn. Thay vì tạo ra sản phẩm báo chí hoàn hảo hơn, hầu hết video lại đang dựa vào những cảm xúc cao trào liên quan, mức độ kịch tính giật gân của câu chuyện, và nghiêm trọng hơn hết là quên mất những nguyên tắc cơ bản của một sản phẩm báo chí.

Theo nghiên cứu của Aitamurto gần đây được đăng trên New Media & Society, thì video 360 độ vẫn có nguy cơ thay đổi sự thật. Người đưa tin vẫn có thể gạt sang một bên những chất liệu khách quan của quá trình tác nghiệp, thay vào đó ưu tiên những tư duy và thông điệp cá nhân trong video của mình. Aitamurto cũng cảnh báo khả năng xê dịch cách truyền thông giống với quảng cáo, làm hình ảnh hơn là đưa tin tức báo chí.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh 2 điểm mâu thuẫn đối lập hình thành nên những thước phim 360 độ. Điểm đầu tiên là khả năng chọn góc nhìn một cách tự do của người xem. Từ góc độ của phóng viên, điều đó sẽ mang đến sự rõ ràng tường tận hơn. Mặc dù vậy, góc nhìn 360 độ cũng đồng nghĩa với mất kiểm soát. Phóng viên sẽ không còn có thể quyết định người xem nhìn gì và nên tập trung vào điều gì.

Như vậy đột nhiên người xem có thể tự chọn góc nhìn của mình, từ đó "tạo ra" câu chuyện của cá nhân họ. Điều này dẫn đến khá nhiều vấn đề khía cạnh đạo đức. Sẽ ra sao nếu ai đó vô tình xuất hiện trong video khi mà họ không thích? Sẽ ra sao nếu người xem thấy những điều quá sức chịu đựng?

Vì lẽ đó, để tránh những trường hợp nguy hại như vậy và đảm bảo thông điệp đúng được truyền tải, một vài nhà báo đã cung cấp thêm chỉ dẫn cụ thể khi xem video 360 độ, ví dụ như bằng chuyển động đồ họa, hình vẽ, hoặc bằng âm thanh. Một số thậm chí còn khóa tầm nhìn xung quanh trong một vài trường hợp.

Những cách thức này dù hiệu quả nhưng lại giới hạn sự tự do của người xem, đi ngược lại với ý tưởng cốt lõi của video 360 độ, đó là sự tường tận rõ ràng hơn hẳn qua góc nhìn chủ động của người xem.

Ở điểm mâu thuẫn đối lập thứ hai, các phóng viên có thể đánh đổi thực tế khách quan vì những kỹ thuật sản xuất hậu kỳ để làm cho video thêm sống động. Ví dụ, đó là việc sử dụng công nghệ đồ họa máy tính (CGI) hay các hiệu ứng khác.

Lý tưởng nhất vẫn là để độc giả nhìn đúng hình ảnh thực tế. Nhưng đôi khi ngay cả những thước phim cũng cần phải được “đánh bóng” một chút để thu hút hơn. Điều này tạo ra nguy cơ khó kiểm soát. Và thực ra, chỉnh sửa đoạn phim một cách rõ ràng mà không thông báo gì rằng hình ảnh được chỉnh sửa là vi phạm vào đạo đức báo hình.

Dù đặt nghi ngờ như vậy, nhưng nữ học giả Đại học Stanford cũng nhấn mạnh đến tác động tích cực của video 360 độ. Dạng video này tạo ra cảm giác trải nghiệm cho độc giả và đi sâu hơn vào câu chuyện. Tương tự như vậy, sự tiện ích tương đối mà video 360 độ có thể tạo ra khiến dạng video này được các biên tập viên ưu tiên hơn các hình thức báo chí khác.

Đưa tin hình ảnh 360 độ có vẻ như sẽ không bao giờ tuân thủ đầy đủ những tiêu chuẩn truyền thống hoặc trở nên vừa vặn với giới hạn đạo đức cũ. Video 360 độ và những dạng tương đương mang lại thử thách phải trả lời câu hỏi rằng "hiện thực" hay "minh bạch" là gì, và những câu hỏi này sẽ còn tiếp tục được bàn thảo khi mà công nghệ luôn tiến lên.

Nhưng dù sao, sản phẩm báo hình 360 độ về cơ bản sẽ mang đến độ chính xác và trực quan hơn trong đưa tin.

*Tiêu đề và lời dẫn do Blog ONECMS biên soạn.

Đọc tiếp

Thực tế ảo ẩn chứa tiềm năng to lớn cho báo chí

(ONECMS) - Khi thực tế ảo được ứng dụng vào báo chí, độc giả có thể cảm nhận từng giây phút sôi động, gay cấn trong các trận cầu đỉnh cao, hay tham gia các sự kiện quốc tế, khám phá những vùng đất mới... bằng những trải nghiệm, những cảm xúc như thật
Từ khóa phổ biến
Cách tốt nhất để xem chúng tôi có phù hợp với nhu cầu của bạn không là...
Liên hệ tư vấn
(Hoàn toàn miễn phí)
SẢN PHẨM VỚI TẤT CẢ NIỀM ĐAM MÊ CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ NEKO
  • Địa chỉ: Tầng 2, Tòa B, Chung cư Xuân Phương Residence, Đường Trịnh Văn Bô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  • Điện thoại: 024.2324.8989 - Email: info@neko.vn
  • DMCA.com Protection Status