Fact box của một báo Na Uy xuất hiện thêm ngay giữa 2 khổ chữ bài viết khi người dùng bấm vào từ khóa bôi đậm. Như vậy bạn đọc có thể tra cứu kiến thức nền một cách thuận tiện.
Media City Bergen là một công ty truyền thông có trụ sở tại Na Uy. Trong dịp tham dự hội thảo 2021 JournalismAI Collab Challenges, công ty này đã chia sẻ về một dự án thử nghiệm khá đáng chú ý của mình, với mục tiêu ban đầu là thu hút thêm lứa độc giả trẻ.
Theo Media City Bergen, các báo thường xem nhiều khái niệm là đương nhiên ai cũng hiểu. Tuy nhiên độc giả trẻ và một số nhóm người thì chưa hẳn đã đầy đủ kiến thức nền như vậy. Việc thiếu kiến thức nền trở thành rào cản đáng kể khi độc giả tiếp cận thông tin.
Ý tưởng của Media City Bergen là bôi đậm những cụm từ hay khái niệm không phổ biến, sau đó tạo ra khung chữ giải nghĩa tích hợp cùng bài viết (fact box). Bạn đọc có thể click vào cụm từ được bôi đậm để xem định nghĩa và giải thích. Cách làm này khác khá giống với việc tạo một hệ thống Wikipedia, nhưng khác một chút.
Thay vì dẫn hẳn sang trang mới, hay chỉ hiển thị lên một cửa sổ pop-up khi để con trỏ chuột lên, fact box của Media City Bergen xuất hiện thêm ngay giữa 2 khổ chữ bài viết. Như vậy bạn đọc có thể tra cứu kiến thức nền một cách thuận tiện, đồng thời vẫn không bị làm phiền nếu không tra cứu, vì fact box mặc định ẩn.
Bôi đúng chữ đối với đúng bạn đọc vào đúng thời điểm là một trong những thử thách mà Media City Bergen muốn tìm lời giải cùng công ty thành viên Factiverse, chuyên về giải pháp AI. Hệ thống máy học mà Factiverse tạo ra có thể tìm đúng cụm từ và khái niệm cần giải nghĩa trong bài viết.
Bên cạnh đó, cá nhân hóa là yếu tố không thể bỏ qua. Dữ liệu báo cáo về việc bạn đọc mở box nào và không mở box nào là rất quan trọng cho thuật toán máy học lựa chọn từ khóa bôi đậm sau này. Dự tính ban đầu là gắn fact box nhiều hơn với độc giả trẻ, độc giả mới, trong khi có thể giảm bớt fact box với người quen thuộc.
Ngoài ra Media City Bergen còn xây dựng mô hình bài viết nơi bạn đọc tự đánh dấu chọn mật độ bôi đậm gắn fact box. Cách này cũng dễ dàng giống như thiết lập cấp độ khó cho game, tuy nhiên hạn chế là không phải độc giả nào cũng đánh giá đúng nền tảng kiến thức nền của mình.
Một khả năng khác là đưa ra những bài test kiến thức nền định kỳ để thiết lập mật độ gắn fact box thích hợp cho bạn đọc.
Hiện nay công nghệ máy học làm luôn việc chọn nội dung nguồn Wikipedia để đưa vào fact box, nhưng trong thời gian tới sẽ cần nâng cấp. “Tại sao chúng ta không có phần tự làm fact box trong CMS? Tại sao không thể để thuật toán máy học viết nội dụng fact box theo nhiều phiên bản khác nhau, nhắm đến các nhóm đối tượng khác nhau?”, Media City Bergen đặt câu hỏi cho tương lai.